Theo Công ty chứng khoán SSI, các ngân hàng có đầu ra tín dụng yếu có thể giảm tiếp lãi suất huy động, đặc biệt là các kỳ hạn ngắn.
Lãi suất giảm không đồng đều
Mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục giảm nhẹ kể từ đầu tháng 7 trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống đang dư thừa khá lớn, trong khi tín dụng tăng trưởng ì ạch. Theo số liệu thống kê của NHNN, tính đến thời điểm 29/6, tín dụng mới chỉ tăng 3,26%, chưa bằng một nửa so với mức tăng 7,36% của cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, trong giai đoạn cuối tháng 4, đầu tháng 5, NHNN đã bơm vào hệ thống gần 150 nghìn tỷ đồng từ tín phiếu đáo hạn.
Tuy nhiên, mức giảm lãi suất của các ngân hàng là không đồng đều; thậm chí có ngân hàng chỉ giảm lãi suất ở các kỳ hạn ngắn, còn với các kỳ hạn trên 12 tháng, lãi suất vẫn neo ở mức khá cao.
Hiện mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường có thể chia thành 3 nhóm. Theo đó, lãi suất huy động của 4 ông lớn ngân hàng quốc doanh là khá giống nhau và đang ở mức thấp nhất trên thị trường hiện nay. Cụ thể, lãi suất các kỳ hạn dưới 6 tháng của cả 4 ngân hàng này cao nhất chỉ là 4,0%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 4,4%/năm, 9 tháng là 4,6%/năm; từ 12 tháng trở lên là 6,0- 6,1%/năm.
Áp lãi suất cao hơn một chút là nhóm các ngân hàng cổ phần có quy mô lớn, song hiện lãi suất huy động cao nhất của các ngân hàng này cũng chỉ vào khoảng 6,7 - 6,8%/năm với các kỳ hạn trên 24 tháng trở lên.
Nhóm thứ ba là các ngân hàng cổ phần có quy mô nhỏ và vừa. Đơn cử như BacA Bank đang trả lãi suất cao nhất là 7,1%/năm đối với các kỳ hạn trên 12 tháng. Hay như tại VietCapitalBank đang áp dụng lãi suất huy động 7,3%/năm cho kỳ hạn từ 12 đến 18 tháng; 7,4%/năm cho kỳ hạn 24 tháng và 7,7%/năm cho kỳ hạn trên 36 tháng. Thậm chí, mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này là 8,5%/năm, song đi kèm với điều kiện khách hàng gửi trên 500 tỷ đồng ở kỳ hạn 13 tháng.
Tương tự, SHB cũng trả lãi suất cho các khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng là 7,8%/năm cho kỳ hạn 6 tháng; 8,9%/năm cho kỳ hạn 12 tháng và 9,2%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Tuy nhiên với các khoản tiền gửi dưới 2 tỷ đồng, lãi suất cao nhất của SHB chỉ là 7,0%/năm cho kỳ hạn trên 36 tháng.
Sẽ tiếp tục phân hóa
Lý giải về sự phân hóa trên, một chuyên gia ngân hàng cho biết, mặc dù thanh khoản của hệ thống đang dưa thừa khá lớn, nhưng mức độ là không đồng đều, tập trung chủ yếu ở các ngân hàng lớn. Bên cạnh đó, các ngân hàng nhỏ còn gặp nhiều bất lợi trong việc huy động vốn do uy tín thương hiệu thấp hơn và mạng lưới cũng không phủ rộng được như các ngân hàng lớn. Bởi vậy, để có thể huy động được vốn, các ngân hàng nhỏ thường phải trả lãi suất cao hơn.
Bên cạnh đó, sự phân hóa về lãi suất còn do tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm nay của các ngân hàng cũng không đồng đều, có ngân hàng tín dụng chỉ tăng trưởng ở mức rất thấp, thậm chí còn tăng trưởng âm.
Đơn cử như BacABank, tín dụng 6 tháng đầu năm chỉ tăng có 1,48%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,21%. Ngay cả ông lớn Vietcombank, tăng trưởng tín dụng 6 tháng cũng chỉ ở mức 4,9%, chưa bằng một nửa so với mức tăng 10,1% của cùng kỳ 2019; trong khi huy động tiền gửi tăng 5,7%. Hay như VPBBank, tín dụng cũng chỉ tăng 5,0% trong nửa đầu năm nay, cũng chưa bằng một nửa so với mức tăng 11,56% của cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên cũng có những ngân hàng vẫn tăng trưởng tín dụng khá tốt trong bối cảnh dịch bệnh như LienVietPostbank tín dụng tăng gần 8,4%.
“Tình trạng dư thừa thanh khoản của từng ngân hàng phụ thuộc lớn vào đầu ra tín dụng, lãi suất tiền gửi có thể phân hóa và kéo rộng khoảng cách giữa các nhóm ngân hàng. Trong đó, các ngân hàng có đầu ra tín dụng yếu có thể giảm tiếp lãi suất huy động, đặc biệt là các kỳ hạn ngắn”, Công ty chứng khoán SSI nhận định trong báo cáo về thị trường tiền tệ vừa công bố mới đây.
Nhận định này là có cơ sở khi mà NHNN đang đề xuất nới lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung- dài hạn thêm 6 tháng hoặc thậm chí là 1 năm. Cụ thể tỷ lệ 37% dự kiến sẽ được đẩy lui sáng 1/4 hoặc thậm chí là 1/10 năm tới, thay vì phải áp dụng ngay từ 1/10 này.
“Việc xem xét lùi lộ trình đối với tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn là cần thiết, để tạo điều kiện cho TCTD giảm tiếp mặt bằng lãi suất huy động, từ đó giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ tốt hơn cho khách hàng vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch”, vị chuyên gia trên cho biết.
Có thể bạn quan tâm