Mới đây, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính (Vafi) đã đề xuất các giải pháp để giảm dần lãi suất tiền gửi VNĐ về mức 0%/năm, tuy nhiên các chuyên gia lo ngại phương án này sẽ gây tác dụng ngược.
Theo T.S Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia Tài chính ngân hàng, nếu lãi suất gửi tiết kiệm hạ xuống còn 0% thì theo sự tương quan, lãi suất cho vay sẽ giảm khoảng 3-5%. Khi đó, người dân có thể đi vay với một lãi suất thấp để thanh toán, chi trả cho nhiều mặt hàng trong đó có bất động sản.
Vị chuyên gia cũng cho biết, với chính sách trên các nhà đầu tư cũng dễ dàng sử dụng đòn bẩy tài chính để vay vốn mua sản phẩm bất động sản, góp phần thanh khoản thị trường. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay thấp sẽ làm giảm chi phí sản xuất, giá nhà có thể giảm.
Tuy nhiên, T.S Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, ở mặt tiêu cực một kịch bản khác có thể xảy ra với hệ lụy lớn. Đầu tiên, vì chi phí vốn rẻ, dòng tiền sẽ chảy ồ ạt vào bất động sản rất lớn. Người dân không muốn gửi tiết kiệm do lãi suất quá thấp nên đổ tiền vào kênh dự trữ tài sản như bất động sản. Bởi lẽ, việc dễ dàng vay tiền mua bất động sản nên người người, nhà nhà cũng sẽ đổ tiền vào bất động sản để kiếm lời.
“Khi dòng tiền đổ vào bất động sản quá mạnh, giá bất động sản lên quá cao, không dựa trên tình hình sức khỏe của nền kinh tế. Còn người dân có nhu cầu ở thực cũng không thể mua được nhà. Tình trạng vỡ bong bóng bất động sản sẽ xảy ra” – TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, dòng tiền chỉ có thể đến từ huy động trong dân với mức lãi suất tương đối và hướng nguồn tiền đó vào sản xuất kinh doanh là khả thi nhất. Nếu giảm lãi suất tiền gửi xuống 0%, người dân không gửi tiền vào ngân hàng thì nguồn huy động này cũng coi như mất.
Theo PGS-TS Vũ Sỹ Cường, Phó trưởng bộ môn phân tích chính sách tài chính (Học viện Tài chính), chỉ cần lãi suất tiền gửi thấp hơn lạm phát là dòng tiền lập tức chảy ra khỏi ngân hàng, đây là một “nước đi không giống ai”.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, trong 3 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng bất động sản 3%, dù là con số không lớn, tuy nhiên tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế là 9,46 triệu tỉ đồng, trong đó cho vay bất động sản là 1,8 triệu tỉ đồng, chiếm 19%.
Trong quý I, lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng đầu về số doanh nghiệp thành lập mới trong quý đầu năm nay với 1.733 đơn vị, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm trước. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong 3 tháng đầu năm nay cũng tiếp tục đứng thứ 3 về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn 600 triệu USD.
Theo các chuyên gia, các hiện tượng trên cùng với tình trạng sốt đất trong thời gian ngắn khoảng hai, ba năm nhưng tốc độ tăng giá đất có gia tốc cũng có thể dẫn tới tích tụ bong bóng bất động sản ở mức cao, rất có thể tạo ra ngữ cảnh vốn đầu tư chảy vào bất động sản vượt ngưỡng an toàn.
Ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng, các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng không ổn định, khó nắm bắt, nhất là với nhóm nhà đầu tư F0. Đồng thời, lãi suất tiền gửi tiết kiệm vẫn với mức lãi suất thấp dưới 6,5%/năm, mức được cho là khá khó khăn để hấp dẫn nguồn tiền tích lũy của người dân.
Đồng quan điểm, theo các chuyên gia hiện thị trường chứng khoán đang ở điểm nóng, giá bị đẩy lên cao đồng thời đi kèm nhiều rủi ro và đối mặt với những đợt điều chỉnh. Theo đó, dòng tiền của nhà đầu tư có thể sẽ tiếp tục đổ vào bất động sản, gây nên sốt đất.
"Tiền trong dân đang đổ vào bất động sản nhưng chủ yếu mang tính chất đầu cơ. Do đó, hạ lãi suất tiền gửi xuống 0% không khác gì “đổ thêm dầu vào lửa”, kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế. Theo đó, dòng tiền cần được kiểm soát chặt hơn nữa và hướng vào sản xuất kinh doanh, tạo ra giá trị thực" - Một chuyên gia nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm