Ô tô - Xe máy

Lái xe điện BYD từ tp Hồ Chí Minh lên Đà Lạt, gặp kết cục buồn

HẢI LINH 29/03/2025 00:35

Chủ nhân chiếc sedan điện BYD Han đã thử sức với cung đường từ tp Hồ Chí Minh đến Đà Lạt, với kết cục buồn.

Xuất phát từ quận Tân Phú, tp Hồ Chí Minh đến Đà Lạt, với cung đường 400 km, chiếc xe chở 4 người, cùng hành lý đầy cốp. Khi xuất phát, dung lượng pin là 87%. Chủ nhân cho rằng, nhà sản xuất công bố BYD Han có thể chạy tối đa 598 km khi sạc đầy pin, với 87% có thể đi được gần 480 km, thừa đủ để di chuyển đến Đà Lạt.

Tuyến đường đi được lựa chọn là cao tốc từ TP HCM đến Ninh Thuận, sau đó chuyển sang QL27 để đến Đà Lạt. Đây là cung đường êm, phẳng, phù hợp cho xe gầm thấp. Trong quá trình di chuyển, tài xế sử dụng chế độ Comfort khi đi trong phố và Sport khi vào cao tốc.

byd4.jpg
Hết điện phải gọi cứu hộ.

Tin tưởng vào khả năng của xe, người dùng quyết định không dừng lại sạc pin ở Phan Thiết, theo lời của tư vấn hỗ trợ. Sau khi rời khỏi cao tốc chuyển sang QL27 và tiến vào khu vực đèo Ngoạn Mục, xe báo còn 22% pin, với mức ước tính có thể đi được 135 km, trong khi quãng đường đến Đà Lạt chỉ còn 112 km.

Nhưng leo đến giữa đèo, pin tụt nhanh và xuống mức 2% khi cách Đà Lạt 40 km. Chủ xe buộc phải dừng lại và gọi cứu hộ, chở đến trụ sạc nhanh ở Đà Lạt. Tuy nhiên, đến nơi mới biết trụ sạc này đã không còn hoạt động, vì vậy phải đưa về khách sạn gần đó để sạc chậm. Sự cố này khiến chủ xe tốn hơn 2 triệu đồng chi phí cứu hộ và mất nửa ngày để xử lý vấn đề.

Đa số ý kiến từ những người sử dụng ô tô điện đều cho rằng, xe leo đèo sẽ phải tăng công suất, để tạo sức kéo lớn hơn so với chạy đường bằng phẳng. Vì vậy, sẽ tiêu tốn nhiên liệu hơn bình thường. Hơn nữa kinh nghiệm sử dụng xe điện cho thấy, cần sạc pin khi dung lượng giảm xuống dưới 30%.

Không chịu nghe theo tư vấn sạc pin ở Phan Thiết, nên xe hết pin khi chưa đến đích là chuyện đương nhiên phải xảy ra. Ở đây chủ xe chỉ có thể tự trách mình mà thôi. Kết cục này là do tài xế thiếu kinh nghiệm, đường đèo mà suy nghĩ như đường bằng, mất nửa ngày và 2 triệu cũng quá rẻ.

byd3.jpg
Tốn tiền cho cứu hộ và mất thời gian để xử lý vấn đề.

Ngược lại cũng nhiều ý kiến cho rằng, các hãng thường có “cái tật” là nói quá về hiệu suất của xe điện, trên thực tế nạp thật đầy pin cũng chỉ đi được quãng đường ngắn hơn so với con số công bố. Nếu đã chọn xe điện thì ưu tiên hàng đầu là xe của những hãng có nhiều trạm sạc. Với xe của các hãng không chịu đầu tư trạm sạc thì nên tránh xa. Những ý kiến này cũng không phải là không có lý.

Vào cuối tháng 2/2025, Cơ quan chống độc quyền Italy đã tiến hành điều tra 4 hãng sản xuất xe điện, trong đó có BYD của Trung Quốc, với cáo buộc lừa dối khách hàng về hiệu suất. Các hãng này bị nghi ngờ có các tập quán thương mại không công bằng, liên quan đến thông tin cung cấp cho khách hàng về khoảng cách xe chạy trong một lần sạc, tình trạng xuống cấp của pin và giới hạn đối với bảo hành pin tiêu chuẩn.

BYD chính thức gia nhập thị trường ô tô Việt Nam vào giữa năm 2024, với một dải sản phẩm là các mẫu xe thuần điện. Tuy nhiên, hãng xe này chỉ tập trung vào bán hàng chứ không phát triển hạ tầng trạm sạc mà phụ thuộc vào bên thứ 3 cung cấp. Một số nhận định cho rằng, do áp lực tồn kho, nên BYD chọn Việt Nam làm điểm đến để giải quyết vấn đề ngắn hạn, chứ không phát triển hệ sinh thái xe điện? Đây cũng là hạn chế lớn nhất của BYD nói riêng và ô tô điện Trung Quốc tại Việt Nam.

Sử dụng xe điện quan trọng nhất vẫn là trạm sạc. Ô tô điện Trung Quốc bán tại Việt Nam mà không có trạm sạc, chủ yếu phải sạc tại nhà thì rất bất tiện, người tiêu dùng không dám mua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lái xe điện BYD từ tp Hồ Chí Minh lên Đà Lạt, gặp kết cục buồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO