Chủ tịch UBND TP Hà Nội vừa cho biết sẽ đề xuất Chính phủ đồng ý để Thủ đô xây dựng các căn nhà từ 35 - 40m2
Thông tin này khiến không ít người lao động khấp khởi vui mừng vì giấc mơ an cư dần có hy vọng. Nhưng thực tế, con đường đến với giấc mơ đó có đơn giản?
Thực tế, khi triển khai nhà ở dành cho người có thu nhập thấp, thủ tục giấy tờ vẫn không được giảm nhiều hơn so với xây dựng các chung cư thương mạị. Thứ hai, quỹ đất dành cho phân khúc nhà ở này rất hạn hẹp. Thứ ba, một điều tối quan trọng là bất kỳ người dân nào cũng có nhu cầu về cơ sở hạ tầng đồng bộ kèm theo các tiện ích như chợ, trường học, nhà trẻ. Nếu một ngôi nhà chỉ đúng nghĩa “chui ra, chui vào” thì nguy cơ hình thành các khu ổ chuột rất cao.
Hơn nữa, 200 triệu đồng/căn nhà tưởng rất rẻ mà hóa không phải rẻ nếu không có sự lượng hóa về các chỉ tiêu khác. Vì thông tin chưa rõ ràng, chưa cụ thể mà chính quyền chỉ mới hô hào thì nhà đầu tư khó có thể mạo hiểm rót tiền vào thực hiện.
Nếu muốn xây dựng dự án chung cư giá rẻ dưới 400 triệu đồng, doanh nghiệp phải đợi chính sách ưu đãi của nhà nước. Mà thực tế, quỹ đất và ngân sách của nhà nước đã hạn hẹp thì lúc đợi… sẽ rất lâu. Chung quy lại là một vòng luẩn quẩn khiến lãng phí chồng lãng phí, còn doanh nghiệp thì vẫn cứ không hào hứng với các dự án này.
Trước khi triển khai dự án nhà ở giá rẻ, điều thiết yếu đầu tiên là Nhà nước phải có quỹ đất sạch, đủ rộng để xây dựng các tiện ích cũng như kết nối với hạ tầng xung quanh. Thứ hai, nên tuân theo cơ chế thị trường. Nhà nước thông báo cho các doanh nghiệp về quỹ đất sạch, yêu cầu công bố chi phí xây dựng bao tiền một mét. Sau đó, Nhà nước cần phải gọi bên tín dụng hỗ trợ với mức ưu đãi. Doanh nghiệp nào đưa được chi phí rẻ, công trình tốt thì được giao quyền thực hiện dự án.