Mặc dù dòng vốn đầu tư của nước ngoài (FDI) chảy vào Việt Nam rất khả quan, tuy nhiên vẫn cần có các chính sách kết hợp môi trường đầu tư ổn định để “giữ chân” nhà đầu tư nước ngoài.
>>Làn sóng FDI vào Việt Nam: (Bài 1) Vốn "khủng" ngay từ đầu năm
Việt Nam có các lợi thế để thu hút dòng vốn FDI như tình hình kinh doanh ổn định, độ mở từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, kết hợp với nguồn lao động dồi dào. Đặc biệt là các chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài mà điển hình là Luật Đầu tư năm 2020 và Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 tiếp tục thể hiện chính sách đầu tư nước ngoài cởi mở của Việt Nam bằng cách cắt giảm một số thủ tục hành chính về đầu tư. Đây là sức hút để Việt Nam đón dòng vốn ngoại sẽ bắt đầu tăng mạnh từ năm 2022.
Tuy nhiên, để tiếp tục tạo sức hấp dẫn, đồng thời gia tăng hiệu quả với dòng vốn FDI và quan trọng là giữ chân được nhà đầu tư nước ngoài, theo các chuyên gia Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào 4 giải pháp.
Thứ nhất, cần xây dựng lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI với điều kiện đầu tư, hệ thống pháp luật minh bạch, dựa trên nền tảng phát triển kinh tế thị trường, đảm bảo phương châm chấp hành an toàn pháp luật. Xây dựng môi trường đầu tư cạnh tranh, trên tinh thần hợp tác, tháo gỡ kịp thời các khó khăn cho doanh nghiệp.
Thứ hai, Chính phủ cần xác định lĩnh vực cần thu hút FDI và ngành lĩnh vực chỉ các nhà đầu tư trong nước thực hiện. Đồng thời xây dựng các quy định đầu tư chặt chẽ có ưu đãi nhưng không dễ dãi, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Đồng thời sàng lọc xem xét lựa chọn các nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường, cam kết quy tắc đảm bảo an ninh quốc gia của đất nước.
Thứ ba, Chính phủ giao các Bộ, ngành liên quan đánh giá những ưu, nhược điểm còn tồn tại của doanh nghiệp FDI, để có những chính sách điều chỉnh kịp thời. Ở chiều ngược lại cũng cần có chế tài mạnh để xử lý vấn nạn chuyển giá báo lỗ để né thuế của một số doanh nghiệp nước ngoài, làm thất thu ngân sách Nhà nước.
Thứ tư, các Bộ ngành cần có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, như nguồn lực vận hành sử dụng công nghệ, hướng dẫn chuyển đổi số, nhằm đáp ứng yêu cầu của từng mô hình doanh nghiệp.
Bên cạnh những giải pháp trên, ông Nguyễn Văn Bé – Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp Khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh (HBA) đề xuất, Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện các dự án đầu tư công để cải thiện các kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư nước ngoài.
Trong đó về quỹ đất cần bố trí quy hoạch quỹ đất dành cho mô hình khu công nghiệp. Hiện tại thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn đang thiếu nhiều danh mục hạ tầng dành cho nhu cầu doanh nghiệp FDI.
Theo ông Bé, mặc dù quỹ đất còn thiếu, nhưng tại một số khu công nghiệp diện tích hạ tầng khu công nghiệp còn thừa đến vài trăm hecta đất sạch đã được chủ đầu tư thứ cấp chuẩn bị từ nhiều năm trước, nhưng hiện tại vẫn đang bị “đóng băng” chưa cho thuê được.
Sở dĩ xảy ra điều “oái oăm” này là do thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa thống nhất được phương thức giá cho thuê đất đối với hạ tầng tại một số khu công nghiệp. Điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp, bởi thực tế chưa có giá cho thuê đất của Nhà nước sẽ khiến doanh nghiệp không có căn cứ tính để giá cho thuê đối với các nhà đầu tư thứ cấp.
Do đó để khắc phục quỹ đất dành cho mô hình sản xuất khu công nghiệp, khu chế xuất của thành phố, ông Bé kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành các điều khoản, quy định phương thức tính giá cho thuê đất đối với các mô hình khu công nghiệp một cách đồng nhất, minh bạch, để các cấp chính quyền sở tại có căn cứ quy định rõ ràng áp dụng.
Trước những bất cập trên cho thấy, mặc dù có những lợi thế nhất định trong thu hút dòng vốn ngoại, song "cuộc cạnh tranh” thu hút dòng vốn FDI giữa các nước vẫn diễn ra gay gắt, để giữ chân các tập đoàn lớn. Ngoài chính sách ưu đãi về đầu tư thì Việt Nam cần chuẩn bị về hạ tầng, quỹ đất sạch, nguồn lao động chất lượng cao trong bối cảnh nguồn nguồn lực về kỹ thuật phục vụ cho ngành công nghệ thông tin, cho kế hoạch áp dụng công nghệ số đang trở lên khan hiếm.
Có thể bạn quan tâm
Làn sóng FDI vào Việt Nam: (Bài 1) Vốn "khủng" ngay từ đầu năm
11:00, 21/03/2022
Thể chế, chính sách như một chiếc áo đã chật đối với sự phát triển của TP.HCM
18:43, 22/03/2022
Chính sách nhất quán cho doanh nghiệp FDI
04:04, 19/03/2022
Công nghiệp hỗ trợ cần chính sách hiệu quả
17:19, 22/03/2022
Chuyển giá, trốn thuế: Kịch bản “lỗ triền miên” của doanh nghiệp FDI
04:10, 18/03/2022
Bình Phước khánh thành nhà máy FDI có tổng mức đầu tư 250 triệu USD
13:30, 20/03/2022