Các cố vấn chính phủ Trung Quốc cho biết, làn sóng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) rời khỏi Trung Quốc đã chậm lại do triển vọng kinh tế nước này đang cải thiện.
>> Gặp bất ổn, kinh tế Trung Quốc còn động lực nào để tăng trưởng trở lại?
Theo bà Jiang Xiaojuan, Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế Công nghiệp Trung Quốc, một tổ chức thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), việc dịch chuyển vốn FDI khỏi Trung Quốc dường như đã chậm lại. "Trong khi một số công ty nước ngoài rời khỏi Trung Quốc và không quay trở lại, vẫn có các doanh nghiệp quyết định tiếp tục tìm nguồn cung ứng hàng hóa từ Trung Quốc hoặc quay trở lại với các nhà cung cấp Trung Quốc trước đây", bà Jiang cho biết.
Bà Jiang Xiaojuan cho biết Trung Quốc đã không ngừng phát triển để cạnh tranh với các cường quốc sản xuất từ trung đến cao cấp khác trên thế giới, và mọi thứ chúng ta đang trải qua hiện nay chỉ là trạng thái cạnh tranh bình thường trên thị trường.
Tuy nhiên, sự lạc quan của bà Jiang vẫn chưa được phản ánh trong dữ liệu kinh tế Trung Quốc. Những con số đang cho thấy cả đầu tư trực tiếp nước ngoài và xuất khẩu tiếp tục sụt giảm bất chấp những dấu hiệu đáng khích lệ trong quý 3.
Áp lực dòng vốn FDI chảy ra khỏi Trung Quốc ngày càng gia tăng khi nền kinh tế toàn cầu đang chậm lại cùng sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc khiến các nhà đầu tư lo lắng. Trung Quốc ghi nhận lần đầu tiên có tình trạng thâm hụt đầu tư trực tiếp nước ngoài tính theo quý kể từ khi dữ liệu bắt đầu được ghi nhận vào năm 1998.
Việc tập trung vào an ninh quốc gia và luật chống gián điệp được sửa đổi cũng làm dấy lên nghi ngờ về môi trường đầu tư, khiến vấn đề trở nên phức tạp hơn.
Xuất khẩu cũng tiếp tục giảm khi các chính phủ phương Tây kêu gọi giảm rủi ro cho chuỗi cung ứng nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc. Các số liệu hải quan cho thấy kim ngạch xuất khẩu trong tháng 10 của nước này giảm 6,4% so với cùng kỳ năm trước, lớn hơn mức giảm 6,2% được ghi nhận trong tháng 9.
Tuy nhiên, Bắc Kinh đã cố gắng tìm kiếm điểm tích cực khi nêu bật thực tế rằng Trung Quốc vẫn là thỏi nam châm thu hút các nhà đầu tư toàn cầu với dòng vốn FDI cao kỷ lục 1 nghìn tỷ nhân dân tệ (137,3 tỷ USD) trong 9 tháng đầu năm nay.
Bất chấp những số liệu trên, nhiều ý kiến vẫn cho rằng đây chỉ là tình trạng xảy ra trong ngắn hạn. Nhận định về vấn đề này, bà Wang Tao, người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á và nhà kinh tế trưởng Trung Quốc của Ngân hàng Đầu tư UBS, cho rằng sự sụt giảm FDI là do các yếu tố như dịch chuyển chuỗi cung ứng và lãi suất tăng ở Mỹ, nhưng những điều này không làm giảm đáng kể lợi thế kinh tế của Trung Quốc.
“Một mặt, Trung Quốc nên đáp ứng những điều chỉnh về cơ cấu và tiếp tục thúc đẩy cải cách và mở cửa. Mặt khác, chính phủ nên ổn định nền kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn và đảm bảo nền kinh tế có thể đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình bền vững trong dài hạn”, chuyên gia này lưu ý.
>> Trung Quốc đã trở thành “ngân hàng” khổng lồ như thế nào?
Đồng quan điểm, ông Zhang Ming, Phó giám đốc Viện Tài chính và Ngân hàng của CASS nhận định, xu hướng dòng vốn FDI đang tháo chạy khỏi Trung Quốc có thể thay đổi trong năm tới. “Nhiều công ty đa quốc gia không có thị trường thay thế ngay lập tức và những thị trường đó cũng có những vấn đề riêng. Trong khi đó, nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu phục hồi và chúng tôi đang cố gắng cải thiện môi trường đầu tư để có thể có sự cải thiện về vốn FDI trong năm tới”, ông Zhang nói.
Một cuộc khảo sát thường niên của Hội đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung cho thấy các tập đoàn Mỹ đang có hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc đang ở “chế độ chờ” và không có kế hoạch thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong năm 2024.
Nhiều chuyên gia dự báo, tăng trưởng hàng năm của Trung Quốc vẫn sẽ ở mức trên 4% trong 10 năm tới. Vì vậy, Trung Quốc vẫn sẽ là nền kinh tế đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Trung cũng cho biết, Trung Quốc vẫn luôn là thị trường rộng lớn với tốc độ tăng trưởng nhanh và hấp dẫn các nhà đầu tư Mỹ.
Có thể bạn quan tâm