Thời kỳ "gà đẻ trứng vàng" của các BigTech tại Trung Quốc dương như đã không còn khi quy định bị siết chặt. Việt Nam liệu có cơ hội đón sóng đầu tư nước ngoài tham gia thị trường?
>>Jack Ma, Alibaba và cái giá của sự nổi tiếng?
Toàn bộ lĩnh vực công nghệ ở Trung Quốc dường như đã được định hình lại chỉ trong một năm, khi những người khai thác Bitcoin, những nhà giao dịch tiền điện tử hay những người chơi video mới đột nhiên thấy mình nằm trong tầm ngắm của Bắc Kinh. Lần lượt, những gã khổng lồ công nghệ như Ant, Meituan và Didi đã trở thành mục tiêu của các cuộc thăm dò chống độc quyền. Điều này xen kẽ với việc thắt chặt quy định bảo vệ dữ liệu, vốn được coi là vấn đề an ninh quốc gia.
Chỉ một vài năm trước, các công ty công nghệ của Trung Quốc dường như miễn nhiễm với các quy định. Chính phủ ủng hộ những công ty này và họ sẽ không bao giờ trở nên lớn mạnh nếu không có sự hậu thuẫn. Họ được phép phát triển trong một môi trường chính sách đặc biệt, mà không có sự cạnh tranh từ những gã khổng lồ công nghệ ở nước ngoài. Tiffany Wong, một nhà tư vấn tại Sinolytics, công ty nghiên cứu tập trung vào Trung Quốc gọi đây là “thời kỳ tăng trưởng thử nghiệm”. Kể từ khi sự bùng nổ dịch Covid-19, các công ty này đã tiếp tục phát triển và người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào họ hơn.
Tại Hội nghị thượng đỉnh tài chính Bund vào tháng 10/2020, người sáng lập Alibaba Jack Ma đã kêu gọi các nhà quản lý không nên kìm hãm sự đổi mới, mà hãy thúc đẩy tăng trưởng. Ant tự gọi mình là một công ty công nghệ, nhưng lại tạo ra gần 90% doanh thu từ một loạt các sản phẩm tài chính, đưa ngân hàng truyền thống và giao diện người dùng mượt mà vào các dịch vụ mà phần lớn người Trung Quốc bị phụ thuộc. Một trong những dịch vụ được sử dụng rộng rãi nhất của nó hoạt động bằng cách gộp các khoản vay nhỏ lại với nhau và bán chúng cho các ngân hàng. Ant thu về lợi nhuận khổng lồ mà không chịu rủi ro.
Tuy nhiên, các nhà quản lý đã bày tỏ mối quan tâm của họ đến lãnh đạo cao nhất và kết quả là sự giám sát kỹ lưỡng hơn đã nghiêng về sự cân bằng giữa đổi mới và quản trị. Trung Quốc vốn là đất nước nhạy cảm với rủi ro liên quan đến ổn định tài chính. Theo lời của Guo Shuqing, nhà quản lý tài chính hàng đầu Trung Quốc, các nhà quản lý đang theo dõi các công ty Fintech lớn. Các ngân hàng quốc doanh cũng lo ngại trước sự lấn sân của Ant vào lãnh thổ của mình. Trong khi Ngân hàng trung ương ngày càng thắt chặt quy định đối với các khoản vay tiêu dùng, vì nếu các ngân hàng thất bại, thì ngân hàng sẽ là người phải đứng ra bảo lãnh.
Do đó, chỉ trong vài tháng, hàng tỷ USD đã bị xóa sổ khỏi giá trị thị trường của những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc. Các công ty đã tự ngả mình để phù hợp với định hướng chính sách. Vào tháng 4/2021, công ty thương mại điện tử Alibaba đã bị phạt 2 tỷ bảng Anh vì lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường.
Gã khổng lồ ByteDance - công ty mẹ của TikTok đã tạm dừngkế hoạch niêm yết ở nước ngoài. Wang Xing, Giám đốc điều hành của công ty giao đồ ăn Meituan-Dianping thì đăng trên WeChat lập luận rằng, tên công ty của ông - “Meituan” tạm dịch là “thịnh vượng chung” (một mục tiêu chính sách của Chính phủ Trung Quốc).
Một số nhà bình luận đã đánh giá các động thái của Trung Quốc chống lại những đứa “con cưng” công nghệ lớn như một cuộc thâu tóm quyền lực thuần túy, hay chỉ là một cuộc đụng độ giữa khu vực công và tư nhân. Nhưng Chính phủ cũng đã không quay lưng hoàn toàn với tất cả các công ty công nghệ tư nhân. Bắc Kinh đang nỗ lực rất nhiều trong việc vạch ra các chính sách hỗ trợ phát triển chip, khi các vấn đề về chuỗi cung ứng gây ra làn sóng chấn động trên toàn thế giới. Những gì Trung Quốc muốn là để các gã khổng lồ công nghệ luôn phù hợp với các ưu tiên của mình, thay vì gây nguy hiểm cho họ.
Trong bối cảnh bị siết chặt, các BigTech có thể cảnh giác, nhưng các công ty công nghệ quy mô trung bình lại nhìn thấy cơ hội. Số phận của các công ty công nghệ mới nổi đã từng chắc chắn sẽ được mua lại bởi Tencent hoặc Alibaba. Nhưng bây giờ họ có thể có nhiều không gian hơn để phát triển. Khi Didi bị loại khỏi các cửa hàng ứng dụng (dù người dùng đã tải xuống vẫn có thể sử dụng), các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn như T3, Gaode và Dida đã phát hành phiếu giảm giá để thu hút khách hàng mới.
Cuối cùng, đối với các công ty công nghệ lớn nhất Trung Quốc, điều này có thể đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên tăng trưởng vô biên.
>>Tháo chạy từ trái phiếu, nguy cơ vốn ngoại chảy ròng khỏi Trung Quốc
Theo Bloomberg, động thái giám sát gắt gao trên mọi khía cạnh đã khiến nhà đầu tư rút tiền khỏi thị trường vốn Trung Quốc. Trong đó, dòng vốn từ Mỹ đã "biến mất" trong đợt trấn áp quy định và không có dấu hiệu quay trở lại. JP Morgan và các ông lớn trên Phố Wall đã từng gọi Trung Quốc là thị trường không thể đầu tư.
Không xét đến đà tăng của cổ phiếu, Trung Quốc đã chứng kiến các khoản đầu tư mạo hiểm sụt giảm mạnh, dù từng được coi là đối thủ lớn của Thung lũng Silicon. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu Preqin, giá trị của các thương vụ được thực hiện tại quốc gia này giảm khoảng 40% so với 1 năm trước, xuống còn 34 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2022. Trong khi đó, các quỹ đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân huy động được 6,2 tỷ USD, giảm hơn 90% so với cùng kỳ năm trước.
Ngay cả trong điều kiện thuận lợi nhất, những gã khổng lồ công nghệ lừng lẫy một thời của Trung Quốc nay đang chuẩn bị chứng kiến tăng trưởng doanh thu ở mức 1 con số. Nhiều người lo sợ rằng thời kỳ "gà đẻ trứng vàng" dễ dàng như trước đây đã không còn khi quy định bị siết chặt. Nhiều khả năng, Ant sẽ không bao giờ thực hiện được đợt IPO lịch sử nữa; Didi cũng không thể mở rộng ở nước ngoài; và Tencent, Alibaba nói rằng họ sẽ tập trung vào những lĩnh vực an toàn và quen thuộc hơn như mạng xã hội, thương mại trực tuyến, nhường lại vị thế dẫn đầu cho những lĩnh vực chưa bị "kìm cương" như Fintech.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam được nhắm đến là nơi có vị trí chiến lược, là điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn. Đối với các nhà đầu tư, Việt Nam cũng có thể là một lựa chọn thay thế cho Trung Quốc, từ đó có thể được hưởng lợi từ việc đón đầu tư nước ngoài.
Đối với thị trường vốn, ông Dominic Scriven, Trưởng nhóm công tác thị trường vốn của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đánh giá, mặc dù Việt Nam có một nền kinh tế mở đáng kể, nhưng sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế vào thị trường vốn của Việt Nam còn khá thấp so với mức mà Việt Nam có thể đạt được.
“Giải quyết tất cả các vấn đề để thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài có thể không đơn giản, nhưng nếu chúng ta nỗ lực phối hợp thì có thể mang lại kết quả ấn tượng hơn so với tình hình hiện tại. Trước mắt, chúng ta nên đẩy nhanh việc biến TP. HCM thành một trung tâm tài chính của khu vực, tìm ra những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ trong khu vực”, ông Dominic Scriven đề xuất.
Đối với các hoạt động sản xuất, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam đối với nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tăng. Bên cạnh những lợi thế truyền thống, như: vị trí địa lý chiến lược, lao động giá rẻ, nền chính trị hòa bình ổn định…, Việt Nam hiện còn thu hút nhà đầu tư nước ngoài bởi môi trường đầu tư ngày càng năng động, cởi mở, có nhiều chính sách khuyến khích ưu đãi của chính quyền địa phương. Đặc biệt, việc Việt Nam chính thức tham gia vào CPTPP và EVFTA, đã giúp các nhà sản xuất tiếp cận tốt hơn các thị trường xuất khẩu lớn. Do đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm đến quan trọng của dòng FDI dịch chuyển khỏi Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu đến từ ĐH Kinh tế - ĐH Duy Tân và ĐH Thương mại, bối cảnh mới với nhiều cơ hội và thách thức như hiện nay đòi hỏi Việt Nam cần phải có những thay đổi về định hướng chiến lược thu hút FDI trong thời gian tới, cụ thể như sau:
Thứ nhất, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành khác xây dựng chiến lược thu hút vốn đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (địa bàn địa phương, ngành công nghệ ưu tiên, chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư mang tính cạnh tranh…).
Thứ hai, tiếp tục tập trung phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Covid-19, song song với đó phục hồi nền kinh tế sau đại dịch để các nhà đầu tư có thể yên tâm tiếp cận, tìm hiểu thị trường Việt Nam.
Thứ ba, rà soát, cập nhật, điều chỉnh phù hợp trong việc phân cấp phê duyệt đầu tư, tinh gọn quy trình, thủ tục nhanh gọn. Xây dựng các chiến lược dài hạn cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh.
Thứ tư, cần chuẩn bị chiến lược thu hút FDI trong dài hạn, chuyển trọng điểm chính sách thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, mô hình quản lý hiện đại.
Thứ năm, khuyến khích, tạo điều kiện của các dự án FDI đầu tư và sản xuất tại Việt Nam theo hình thức liên doanh với doanh nghiệp trong nước, để doanh nghiệp Việt Nam có điều kiện tiếp cận với công nghệ, kỹ năng quản lý hiện đại và giúp doanh nghiệp FDI tập trung vào khâu trọng điểm để tạo ra sản phẩm.
Có thể bạn quan tâm
05:29, 22/05/2022
05:00, 14/04/2022
05:15, 14/02/2022
04:57, 08/01/2022
11:00, 04/01/2022