Tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm môi trường có thể giải quyết bằng biện pháp tài chính?
Người Mỹ luôn dựa luật pháp để bảo vệ môi trường, nước, không khí, rác thải,… đều được điều chỉnh bởi các đạo luật riêng biệt, theo phương châm giảm thiểu tốn kém đến mức thấp nhất có thể đối với người dân và doanh nghiệp.
Trước khi ban hành chính sách, Quốc hội giao cho EPA - Cơ quan môi trường độc lập tóm tắt các nghiên cứu đã có về môi trường và sức khỏe cộng đồng liên quan đến chủ đề của quy định mới. Tiếp đó, họ nghiên cứu mức chi phí, tác động của quy định này đối với sự phát triển kinh tế.
Sau khi nghiên cứu hoàn chỉnh khung dự thảo sẽ trình lên Văn phòng quản lí Ngân sách Nhà trắng, sau đó toàn văn dự thảo được công bố để toàn dân cho ý kiến, EPA có trách nhiệm điều trần từng nhóm ý kiến trước Quốc hội.
Bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu là chủ đề luôn thời sự hiện nay, các nước G7, G20, Diễn đàn Davos,…nơi hội tụ những bộ óc vĩ đại nhưng mãi không tìm ra giải pháp.
Trung Quốc xem ra làm quyết liệt hơn, phổ biến xe điện, dẹp bỏ nhiệt điện than và đặc biệt hệ thống giao thông công cộng đủ làm lác mắt mọi người. Tham vọng rõ ràng, đưa phát thải về 0 kể từ năm 2060.
TP Hà Nội vừa nảy ra ý tưởng dựng lên 87 trạm thu phí ở 68 điểm ra vào thành phố để… giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, các loại xe 4 bánh trở lên phải nộp phí chỉ loại trừ xe bus công cộng.
Có vẻ như bài toán hóc búa nhất hành tinh hiện nay sẽ được người Việt giải quyết một cách gọn gàng? Đánh vào túi tiền của người dân thì môi trường trở nên sạch sẽ, ùn ứ tắc nghẽn trên đường sẽ không còn?
Cái gì không quản được thì cấm - bóng dáng tư duy điều hành trong thời kỳ bao cấp như lại hiện về. Hà Nội không cấm nhưng nảy ra một mức phí cũng đủ làm nản lòng người dân và doanh nghiệp.
Cũng ít khi người dân được tỏ tường mấy chục phần trăm tăng thêm trong 1 lít xăng, dầu nhằm mục đích bảo vệ môi trường đã được sử dụng như thế nào, nguồn quỹ này đi đâu, về đâu.
Và, tuyệt nhiên cũng chưa thấy nghiên cứu khoa học nào chỉ ra hiệu quả giữa thu phí phương tiện và giảm ùn tắc, ô nhiễm với thu nhập của người dân, doanh nghiệp.
Thật ra, phí, thuế bao nhiêu dân ta cũng chịu được, có tới hàng trăm loại như thế vốn đã mang vác. Nhưng, tất cả như vừa trải qua cơn bão dịch bệnh, mọi thứ lung lay từ gốc rễ. Thiết nghĩ, nên bồi đắp lại trước khi nghĩ cách tận thu!
Lại nhớ về cái chết của bus nhanh BRI, dự án "rùa bò" Cát Linh - Hà Đông, Yên Viên - Hà Nội và mấy chục toa tàu cũ từ Nhật Bản,… liệu có làm thỏa mãn nỗi chờ mong?
Có thể bạn quan tâm