Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đang quyết liệt chỉ đạo công tác CCHC trên địa bàn tỉnh đi vào thực chất, triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế “4 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công.
Những năm qua, tỉnh Lạng Sơn luôn xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ trọng tâm, đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh. Bởi thế, các sở, ban, ngành đã quan tâm triển khai các nhiệm vụ CCHC tại đơn vị và có nhiều đổi mới, sáng tạo trong quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, năm 2019, kết quả chỉ số cải cách hành chính của tỉnh xếp hạng 42/63 tỉnh, thành phố, giảm 16 bậc so với năm 2018. Trong đó, chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước là 81,17%, xếp thứ 47/63, tăng 7 bậc so với năm 2018.
Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn nhận định, kết quả này chưa tương xứng với quyết tâm chỉ đạo của UBND tỉnh và những nỗ lực của nhiều sở, ngành trong việc thực hiện các nhiệm vụ về cải cách hành chính trong năm qua. Trong đó, việc triển khai thực hiện “4 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công hiện nay chưa đạt tỷ lệ tối thiểu 20% theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 985/QĐ-TTg ngày 8/8/2018 về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC và Kế hoạch số 138/KH-UBND ngày 5/10/2018 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Nghị định số 61/2018/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Được biết, hiện chỉ có 129/1.303 thủ tục hành chính cấp tỉnh tại Trung tâm thực hiện “4 tại chỗ”, đạt tỷ lệ 9,90%. Nhiều thủ tục hành chính trong danh sách được phê duyệt thực hiện theo cơ chế “4 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh không phát sinh hoặc phát sinh rất ít hồ sơ. Việc triển khai thực hiện còn lúng túng, chưa linh hoạt.
Hiện, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đang quyết liệt chỉ đạo công tác CCHC, cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh đi vào thực chất, triển khai thực hiện có hiệu quả cơ chế “4 tại chỗ” tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, nhất là trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh COVID-19.
Theo lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lạng Sơn, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, bên cạnh những chính sách hỗ trợ cho các đơn vị kinh doanh vận tải về giảm, giãn hoặc không tính lãi suất đối với các khoản vay và có chính sách ưu đãi để hỗ trợ đơn vị kinh doanh vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh; xem xét giảm phí bảo trì đường bộ đối với vận tải hàng hóa và vận tải hành khách bằng xe ô tô… Sở ưu tiên giải quyết một cách nhanh nhất về thời gian liên quan các thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp.
Được biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, Sở Giao thông Vận tải đã thực hiện rà soát cắt giảm thời hạn giải quyết đối với 21 TTHC, lựa chọn những cán bộ có chuyên môn tốt để trực hang ngày, nhằm tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc khi có kiến nghị, đề nghị từ phía các doanh nghiệp.
Ông Hồ Phi Dũng, Chủ tịch Hội Doanh nhân Trẻ tỉnh Lạng Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sản xuất và Thương mại Lạng Sơn cho biết, thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp để đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch bệnh, nhưng quan trọng nhất cần tập trung cải cách thủ tục hành chính một cách nghiêm túc, triệt để để tạo thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp.
Tại cuộc họp rút kinh nghiệm về chỉ đạo công tác cải cách hành chính vừa qua, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn yêu cầu các sở, ngành, cơ quan chuyên môn nỗ lực thực hiện công tác CCHC nhằm đưa chỉ số CCHC năm 2020 đạt thứ hạng từ 20 đến 35/63 tỉnh thành; tiếp tục rà soát, đưa số TTHC ra thực hiện “4 tại chỗ” đạt 20% trở lên; chọn ra một số TTHC còn vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, tài nguyên môi trường để xử lý trước.
Cùng với đó, cần định kỳ rà soát các quy định TTHC theo hướng đơn giản quy trình xử lý; đơn giản hóa thành phần hồ sơ, cắt giảm thời gian và chi phí thực hiện để sửa đổi, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các TTHC tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là các TTHC về thành lập doanh nghiệp, đăng ký mã số thuế, thực hiện chính sách an sinh, quản lý đất đai, xây dựng, tài chính, chính sách người có công…
Tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện; lựa chọn một số TTHC có số lượng hồ sơ phát sinh nhiều liên quan đến doanh nghiệp trong quá trình thực hiện tại Trung tâm, tổ các buổi tọa đàm với Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, các hội ngành nghề, các sở, ban, ngành liên quan,… để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đảm bảo việc thực hiện các thủ tục hành chính được nhanh, gọn, đúng quy định của pháp luật.
Thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng quy trình, quy chế phối hợp liên thông nhằm giải quyết các công việc liên quan đến trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã, các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm