Lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp Hà Tĩnh chung tay thu hút nguồn nhân lực hồi hương?

TÂM ĐAN 19/08/2021 07:26

Để giữ chân nguồn lao động hồi hương, ngoài việc đảm bảo chế độ lương, thưởng, tỉnh Hà Tĩnh cần tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng ký túc xá, nhà trẻ, nhà văn hóa công nhân… đảm bảo an sinh xã hội

Khi dịch bệnh COVID-19 ập tới, hàng vạn lao động các tỉnh miền Trung lũ lượt rời các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch, trong đó có hàng ngàn lao động Hà Tĩnh. Quê hương là nơi họ trú ngụ khi khó khăn, nhưng khi được hỏi nhiều người vẫn mong dịch bệnh qua nhanh, quay lại nơi đất khách quê người để mưu sinh.

Dệt may đang là lĩnh vực cần nhiều lao động nhất tại Hà Tĩnh và cũng phù hợp với tính chất công việc của nhiều lao động hồi hương

Dệt may đang là lĩnh vực cần nhiều lao động nhất tại Hà Tĩnh và cũng phù hợp với tính chất công việc của nhiều lao động hồi hương

Sự trở về của nhiều lao động từ phía Nam lần này được nhìn nhận có thể sẽ tạo ra nguồn nhân lực đáng kể, nhất là những lao động có tay nghề cao cho các doanh nghiệp vẫn đang thiếu lao động trầm trọng như ngành dệt may Hà Tĩnh. Thế nhưng, những lao động hồi hương ấy dường như vẫn không mặn mà với doanh nghiệp nội tỉnh.

Ngành dệt may tại Hà Tĩnh là ngành nghề thường xuyên thiếu hụt lao động nhiều nhất. Hơn nữa, dịch bệnh COVID-19 khiến cho chuỗi sản xuất ở các doanh nghiệp phía Nam bị gián đoạn. Nhiều đối tác chuyển hướng vào các tỉnh miền Trung, trong đó có Hà Tĩnh nên các doanh nghiệp tìm kiếm được nhiều đơn hàng hơn. Trước áp lực công việc, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đón “làn sóng” lao động từ các tỉnh miền Nam về quê nhưng đến nay vẫn chưa thể lấp đầy chỗ trống tại các doanh nghiệp này.

Doanh nghiệp thiếu vẫn cứ thiếu trong khi nhân lực thừa vẫn cứ thừa bởi đa phần những lao động vừa về quê tránh dịch đang chờ đợi ngày “hết dịch sẽ lại Nam tiến”. Theo anh Nguyễn Văn Nam (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), một công nhân ngành may vừa trở về từ khu công nghiệp Sóng Thần (tỉnh Bình Dương) cho biết, với mức lương trong các doanh nghiệp ở quê thấp hơn nhiều so với các tỉnh phía Nam.

Mức lương thấp chính là lực cản khiến công nhân hồi hương không mặn mà đầu quân cho các doanh nghiệp nội tỉnh

Mức lương thấp chính là lực cản khiến công nhân hồi hương không mặn mà đầu quân cho các doanh nghiệp nội tỉnh

Thời điểm dịch chưa bùng phát, anh Nam làm việc tại công ty dệt may với mức lương từ 11 – 12 triệu đồng, trừ chi phí anh cũng tích trữ được khoảng 5 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu làm việc tại doanh nghiệp dệt may tại Hà Tĩnh thì mức lương anh nhận được chỉ từ 3,5 – 6 triệu đồng. Vì thế, sau chuỗi ngày tìm kiếm cơ hội tại quê nhà, anh vẫn quyết định chờ ngày hết dịch tiếp tục vào miền Nam làm việc.

Mức lương thấp chính là lực cản khiến công nhân hồi hương không muốn “đầu quân” tại các doanh nghiệp nội tỉnh. Hiện mức lương tại các doanh nghiệp dệt may ở Hà Tĩnh chỉ bằng 1/2, thậm chí 1/3 so mức lương của các doanh nghiệp dệt may ở các tỉnh miền Nam chi trả thì việc người dân không mấy mặn mà cũng là điều dễ hiểu.

Theo đại diện công ty TNHH May mặc xuất khẩu Appareltech Hà Tĩnh chia sẻ, hiện công ty hoạt động trên địa bàn Hà Tĩnh chưa được bao lâu và vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác hoàn thiện. Do đó, tạm thời không thể đáp ứng 100% nguyện vọng của công nhân nhưng cũng sẽ đảm bảo mức chi phí sinh hoạt tối thiểu theo quy định Nhà nước để giữ chân nguồn nhân lực về từ các tỉnh miền Nam.

Ngoài mức lương thấp, các khu, cụm công nghiệp tại Hà Tĩnh cũng chưa hình thành được chuỗi dịch vụ phục vụ đời sống sinh hoạt cho công nhân đã khiến người lao động bỏ việc hoặc chuyển việc. Đây cũng là một trong những lý do khiến ngành dệt may không thể thu hút được nguồn nhân lực này.

Chủ trương hiện đại hóa nông thôn và ly nông nhưng không ly hương là nội dung được đề cập rất nhiều trong thời gian qua, tuy nhiên vấn đề là thực hiện nó như thế nào để phát huy hiệu quả. “Để thu hút được nguồn lao động địa phương, bên cạnh việc đảm bảo quyền lợi hài hòa giữa người lao động và chủ sở hữu lao động, các doanh nghiệp cũng cần phải có mức lương tương xứng với sức lao động của người lao động bỏ ra”, bà Võ Thị Kim Anh, Chủ tịch LĐLĐ thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh chia sẻ.

Ông Nguyễn Trí Lạc, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh cho rằng, các vấn đề phúc lợi cho công nhân ở các khu công nghiệp miền Nam đều được chuyên nghiệp hóa, vì vậy tính cạnh tranh trong lao động khá cao, buộc các doanh nghiệp phải chạy đua để thu hút công nhân. Trong khi ngành dệt may ở Hà Tĩnh còn khá non trẻ, số lượng doanh nghiệp còn ít nên chưa có tính cạnh tranh.

Theo ông Lạc, để giữ chân được người lao động, bên cạnh đảm bảo chế độ lương, thưởng công bằng và hợp lý thì các doanh nghiệp cũng cần đảm bảo vấn đề an sinh xã hội như thành lập các tuyến xe đưa đón công nhân, hỗ trợ tiền ăn trưa, xăng xe nhằm chia sẻ khó khăn cho người lao động. “Thời gian tới, tỉnh đang có kế hoạch đẩy mạnh thu hút đầu tư, thực hiện các công trình, dự án trọng điểm để người lao động trở về quê hương làm việc; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng lao động, giải quyết việc làm cho con em Hà Tĩnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng ký túc xá, nhà trẻ, nhà văn hóa công nhân…", ông Lạc nói.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chấp thuận UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chấp thuận UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định chuyển mục đích sử dụng đất

    19:32, 17/08/2021

  • Hà Tĩnh: Xây dựng và phát triển kênh tiêu thụ bưởi Phúc Trạch bền vững

    Hà Tĩnh: Xây dựng và phát triển kênh tiêu thụ bưởi Phúc Trạch bền vững

    06:12, 17/08/2021

  • Hà Tĩnh: Dự án “kép” được “lắp ghép” cho một nhà thầu?

    Hà Tĩnh: Dự án “kép” được “lắp ghép” cho một nhà thầu?

    04:00, 15/08/2021

  • Hà Tĩnh: Đổi mới sản xuất để phát triển nghề muối truyền thống bền vững

    Hà Tĩnh: Đổi mới sản xuất để phát triển nghề muối truyền thống bền vững

    11:29, 14/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lãnh đạo tỉnh và doanh nghiệp Hà Tĩnh chung tay thu hút nguồn nhân lực hồi hương?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO