Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần tăng chế tài xử lý vi phạm

GIA NGUYỄN 19/05/2022 04:00

Mặc dù hành lang pháp lý được cho là khá đầy đủ, thế nhưng, theo các chuyên gia, để lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp, ngoài biện pháp quản lý, cần tăng chế tài xử lý vi phạm…

>> Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần luật hóa các… chuẩn mực

Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) mang lại nhiều điểm tích cực cho nền kinh tế, khi không chỉ là kênh huy động vốn hiệu quả cho các doanh nghiệp để phát triển sản xuất kinh doanh, mà còn là kênh đầu tư hấp dẫn với mức sinh lời tương đối cao.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, thời gian vừa qua, liên tiếp các hành vi vi phạm pháp luật trong phát hành TPDN đã xuất hiện. Đáng chú ý, những vi phạm tập trung chủ yếu vào một số hành vi như: Vi phạm quy định công bố thông tin; Phát hành, bán TPDN, kinh doanh dịch vụ tư vấn phát hành trái phiếu khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép; thậm chí còn lách quy định của pháp luật trong việc phát hành TPDN…

Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) mang lại nhiều điểm tích cực cho nền kinh tế - Ảnh minh họa

Trái phiếu doanh nghiệp mang lại nhiều điểm tích cực cho nền kinh tế - Ảnh minh họa

Trong khi, nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động phát hành TPDN của doanh nghiệp, đồng thời tăng cường hiệu quả quản lý đối với cơ quan chức năng, khung khổ pháp lý đối với việc phát hành TPDN đã được ban hành khá đầy đủ và đồng bộ.

Cụ thể, doanh nghiệp phát hành TPDN phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại Luật Chứng khoán 2019 (đối với Công ty đại chúng); Luật Doanh nghiệp 2020 (đối với Công ty không phải là công ty đại chúng); Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán và giao dịch TPDN riêng lẻ, chào bán TPDN ra thị trường quốc tế; Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (trong đó có quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng).

>> Cần giải pháp bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp

Chưa kể, sau hàng loạt vụ việc, Bộ Tài chính cũng đã đề xuất sửa đổi bổ sung quy định đối với hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ.

Theo các chuyên gia, hiện nay, chế tài xử lý vi phạm đối với các hành vi vi phạm trong phát hành TPDN đã được pháp luật quy định tương đối đầy đủ, tuy nhiên, vẫn còn yếu - thiếu, và chưa đủ sức răn đe.

Như ngày 31/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 156/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán. Tiếp đó, ngày 31/12/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 128/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2020/NĐ-CP với mức phạt tiền tối đa đối với hành vi vi phạm hành chính lên đến 1,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau những sai phạm thời gian qua, chuyên gia cho rằng, cần tăng chế tài xử lý vi phạm - Ảnh minh họa

Tuy nhiên, sau những sai phạm thời gian qua, chuyên gia cho rằng, cần tăng chế tài xử lý vi phạm - Ảnh minh họa

Riêng đối với hành vi vi phạm công bố thông tin mức phạt tối đa đến 70 triệu đồng. Không thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu chào bán, phát hành riêng lẻ hoặc thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu chào bán, phát hành riêng lẻ không đúng thời hạn theo quy định sẽ bị phạt đến 100 triệu đồng.

Đặc biệt, đối với vi phạm quy định về phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, mức phạt tối đa lên đến 500 triệu đồng đối với hành vi lập, xác nhận hồ sơ, tài liệu về việc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế, chào bán chứng khoán tại nước ngoài, phát hành chứng khoán mới làm cơ sở chào bán chứng chỉ lưu ký chứng khoán tại nước ngoài hoặc hỗ trợ phát hành chứng chỉ lưu ký chứng khoán tại nước ngoài trên cơ sở cổ phiếu đã phát hành lại Việt Nam có thông tin sai lệch, sai sự thật hoặc che giấu sự thật (Điều 11, Nghị định 156/2020/NĐ-CP)…

Bên cạnh hình thức phạt tiền, người vi phạm còn có thể chịu hình thức phạt bổ sung như: đình chỉ hoạt động phát hành, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chứng chỉ hành nghề…. Đồng thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả như: buộc thu hồi TPDN, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư cộng thêm tiền lãi tính theo lãi ghi trên trái phiếu hoặc lãi suất tiền gửi ngân hàng; buộc báo cáo, cung cấp thông tin chính xác; buộc hủy bỏ thông tin, cải chính thông tin; buộc giải trình, cung cấp thông tin, số liệu liên quan đến hoạt động kiểm toán...

Thông tin với báo chí, luật sư Hà Huy Phong - Công ty Luật Inteco cho rằng, trong lĩnh vực chứng khoán nói chung, phát hành trái phiếu riêng lẻ của doanh nghiệp nói riêng, các biện pháp xử phạt còn yếu và thiếu, chưa đủ sức răn đe.

Theo Luật sư Phong, giá trị thu lợi từ các vi phạm pháp luật cao hơn rất nhiều so với mức xử phạt. Vì thế, có tình trạng nhiều doanh nghiệp mua chui, bán chui, “lùa gà” hết lần này đến lần khác, sẵn sàng chấp nhận nộp phạt, bất chấp những bức xúc của nhà đầu tư. Chưa kể, thời gian qua, cơ quan Nhà nước chưa làm nghiêm, đặc biệt, không áp dụng các biện pháp xử phạt bổ sung bắt buộc khắc phục hậu quả, dẫn đến nhiều doanh nghiệp cố tình làm ngơ.

Ngoài ra, pháp luật hình sự cũng chưa có quy định rõ ràng, cụ thể tội danh nào đối với những sai phạm trong hoạt động phát hành, mua bán TPDN. Nếu có hành vi vi phạm trong hoạt động phát hành, mua bán TPDN gây hậu quả nghiêm trọng chỉ có thể điều tra về các tội danh khác như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa dối khách hàng… Đây có thể vẫn là khoảng trống dẫn đến khó xử lý nghiêm minh, kịp thời, đủ sức răn đe theo pháp luật hình sự đối với hành vi vi phạm.

Vì vậy, để các hành vi không gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động của thị trường vốn quan trọng này và gây thiệt hại cho nhà đầu tư, đồng thời gây khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc phát hiện và xử lý. Các chuyên gia đề xuất, cần tăng chế tài xử lý hành vi vi phạm hành chính, nhất là bổ sung thêm tội danh đối với những sai phạm trong hoạt động phát hành, mua bán TPDN.

Có thể bạn quan tâm

  • Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: “Tiền phòng, hậu kiểm”

    Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: “Tiền phòng, hậu kiểm”

    05:00, 11/05/2022

  • Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần luật hóa các… chuẩn mực

    Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần luật hóa các… chuẩn mực

    04:00, 29/04/2022

  • Cần giải pháp bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp

    Cần giải pháp bình ổn thị trường trái phiếu doanh nghiệp

    04:00, 28/04/2022

  • Sớm bịt “kẽ hở” để đưa trái phiếu doanh nghiệp vào… khuôn khổ

    Sớm bịt “kẽ hở” để đưa trái phiếu doanh nghiệp vào… khuôn khổ

    04:10, 21/04/2022

  • “Siết” trái phiếu doanh nghiệp: Cần có… lộ trình

    “Siết” trái phiếu doanh nghiệp: Cần có… lộ trình

    04:00, 20/04/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lành mạnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần tăng chế tài xử lý vi phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO