Ông Lù Văn Hặc, 68 tuổi, ở bản Bó, phường Chiềng An (T.P Sơn La, tỉnh Sơn La) là một trong những người đầu tiên nuôi hươu bán nhung ở Tp.Sơn La. Loài hươu này chỉ ăn lá cây, cỏ voi, mỗi năm bán nhung, ông cũng có khoản tiền tiêu.
Dáng người cao to, da dẻ hồng hào, gần 70 tuổi nhưng nom ông Hạnh vẫn còn nhanh nhẹn lắm. “Tôi giữ được phong độ như thế này cũng nhờ được dùng những chất bổ từ con hươu cả đấy !” – ông Hặc cười hóm hỉnh.
Vốn là bộ đội biên phòng, sau khi nghỉ hưu ông được nhân dân tín nhiệm bầu làm chủ tịch UBND xã Chiềng An (phường Chiềng An bây giờ - PV)... Một lần, bạn ông đến thăm, khuyên ông nuôi hươu, vừa để khuây khỏa tuổi già, vừa lấy nhung sử dụng bồi bổ sức khỏe. Thấy bạn nói có lý, ông liền làm theo. Năm 2001, ông về tận Quỳnh Lưu (Nghệ An) – nơi mà phong trào nuôi hươu đang phát triển, tìm mua một cặp hươu, với giá hơn chục triệu đồng.
Ông Hặc làm chuồng cẩn thận, thoáng mát để nhốt cặp hươu mới mua về. Chuồng hươu được dựng lên bởi những cột gỗ, lợp mái tôn, xung quanh quây lưới B40, cao gần 3m, bên ngoài đan cây tre, đảm bảo độ chắc chắn...
Khi hươu đực mọc nhung lần đầu, đến thời kì cắt nhung nhiều người đến hỏi mua nhưng ông không bán.
“Vì hươu mới cho nhung nên lần đầu tôi chỉ cắt được gần 2 lạng. Giá bán khi đó khoảng 500.000 đồng/lạng nên tôi giữ lại sử dụng trong gia đình. Tôi nghĩ mình nuôi được thì mình phải là người hưởng trước...” – ông Hặc bảo thế.
Theo ông Hặc, hươu là động vật hoang dã nên phải được nuôi theo kiểu hoang dã thì hươu mới sinh trưởng, phát triển tốt. Hàng ngày, ông đi hái lá xoan, lá mít, cắt cỏ voi về làm thức ăn cho hươu. Thỉnh thoảng ông cho ăn thêm ít ngô, sắn, lạc, đỗ để bổ sung dinh dưỡng cho hươu...
Từ năm thứ 3 trở đi, hươu cái đều đặn mỗi năm đẻ cho ông một hươu con mập mạp, khỏe mạnh. Những năm đầu, ông giữ lại nuôi, nhân đàn, có thời điểm trong chuồng hươu nhà ông lên tới gần chục con.
Đàn hươu đông lên cũng đồng nghĩa với lượng nhung ông Hặc thu được nhiều hơn. Nhiều người hỏi mua nên giá nhung cao dần lên, tới điểm này, giá bán 1 lạng nhung đã lên đến 2,2 triệu đồng.
“Có năm chỉ bán nhung mà tôi thu gần 60 triệu đồng. Biết nuôi hươu đem lại hiệu quả kinh tế cao, tôi cũng ham lắm. Vì tuổi mỗi ngày một cao, sức khỏe mỗi ngày một giảm đi nên tôi bán gần hết, chỉ giữa lại cặp hươu để nuôi cho nó đỡ buồn chân, buồn tay...” – ông Hặc cho biết thêm.
Cũng theo ông Hặc, nuôi hươu mà chăm sóc không tốt thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng nhung. Hươu to khỏe, mập mạp thì mới cho nhiều nhung. Nếu nuôi tốt, từ năm thứ 3, hượu đực cho nhung 2 lần/năm, lượng nhung năm sau cao hơn năm trước.
Chia sẻ kinh nghiệm nuôi hươu, ông Hặc vui vẻ nói: Hươu có sức đề kháng tốt nên hầu như không mắc bệnh bao giờ. Hươu có đặc điểm là nhút nhát, khi thấy người lạ là nó chạy trốn ngay. Hươu ưa với với không gian thoáng mát, sạch sẽ, vì vậy phải thường xuyên dọn dẹp vệ sinh nơi ở của hươu. Cho hươu ăn phải đủ ngày 3 bữa, mỗi bữa từ 3 – 4 kg lá cây, rau, cỏ đối với một con hươu trưởng thành....
“Khi hươu được một năm tuổi thì tiến hành cắt đế (hay còn gọi là cắt tróc). Sau một năm thì đế rụng, hươu bắt đầu mọc nhung. Cứ vào khoảng 20.1 dương lịch hàng năm, thì hươu bật nắp, sau khoảng từ 43 – 45 ngày phải tiến hành cắt nhung hươu. Sau khoảng 60 ngày nữa thì tiến hành cắt nhung lần 2...” – ông Hặc thông tin.