Nhiều ý kiến lo ngại việc lắp đặt camera giao thông phạt nguội trên toàn quốc có thể sẽ bỏ lọt người vi phạm bởi có nhiều mánh khóe để trốn tránh.
Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT) thuộc Bộ Công an vừa đề xuất lắp camera "phạt nguội" trên toàn quốc với kỳ vọng đây là "liều thuốc" điều trị hiệu quả hành vi cố tình vi phạm Luật Giao thông, đồng thời giúp CSGT bớt phải ra đường.
Lãnh đạo Cục CSGT cho biết đề xuất trên được đưa ra trong tờ trình "Đề án đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính". Tờ trình này đã được Cục CSGT trình lên lãnh đạo Bộ Công an để xem xét trình Chính phủ.
Trên báo chí, Đại tá Đỗ Thanh Bình - Cục phó Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT), Bộ Công an cho biết, hiện tại chưa ước tính được số lượng camera cần lắp đặt. Tuy nhiên việc lắp đặt hai loại camera giám sát, an ninh, điều khiển giao thông và camera phát hiện lỗi vi phạm sẽ bao phủ toàn bộ tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm trên toàn quốc.
Ngoài ra, đề án cũng hướng tới việc xây dựng đồng bộ hệ thống camera từ Bộ Công an tới các địa phương, cùng chung một tiêu chuẩn, có thể sử dụng vào nhiều mục đích, hỗ trợ nhiều cơ quan, ban ngành cùng có thể khai thác. Hệ thống camera này được coi là tài sản chung của toàn xã hội.
Hiện chưa có quy định bắt buộc nhà thầu, nhà đầu tư lắp đặt hệ thống giám sát khi xây dựng các tuyến cao tốc, quốc lộ mới. Chỉ một số tuyến cao tốc mới như Hà Nội - Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ... được nhà thầu lắp đặt, tuy nhiên cơ chế phối hợp, trích xuất xử lý còn hạn chế.
Liên quan đến đề xuất trên, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, Hà Nội, TP HCM là hai thành phố lớn có lượng phương tiện cá nhân tăng nhanh và lượng phương tiện các tỉnh, thành khác đổ về quá lớn. Trong khi đó, lực lượng chức năng còn mỏng nên dẫn đến tâm lý của nhiều người tham gia giao thông là “nhờn luật” khi không có CSGT.
ĐBQH khóa XIII Nguyễn Bá Thuyền nhìn nhận, nguyên nhân nhiều người vi phạm không đến đóng phạt là xuất phát từ chế tài chưa đủ mạnh.
Vì vậy, cần phải có biện pháp chế tài cứng rắn để buộc chủ phương tiện, người vi phạm qua hình ảnh phải tự giác đến đóng phạt. Việc lắp đặt camera giám sát và phạt nguội trên toàn quốc sẽ là “liều thuốc” hiệu quả điều trị vi phạm giao thông, nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, cũng có luồng ý kiến lo ngại, để chống đối việc phạt nguội qua hình ảnh, người tham gia giao thông có thể dùng nhiều mánh khóe nhằm che một phần biển kiểm soát, khiến camera cũng “bó tay”.
Do đó, việc lắp đặt camera giám sát, phạt nguội là rất cần thiết. Chế tài xử phạt đã đầy đủ song cũng cần làm tốt ở khâu xử lý. Thu thập hình ảnh thì camera làm tốt nhưng có sử dụng hình ảnh đó để ra quyết định xử phạt hay không.
Luật sư Nguyễn Thanh Sơn (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng việc thí điểm xử lý vi phạm giao thông qua dữ liệu hình ảnh, thường gọi là "phạt nguội", trên thực tế đã được thí điểm thời gian qua và thống kê cho thấy hiệu quả của hình thức xử phạt này. Việc lắp đặt camera không chỉ để xử phạt người có hành vi vi phạm, mà còn có tác dụng nhất định trong việc điều chỉnh ý thức tham gia giao thông ở những nơi không có lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát.
"Ngoài ra, hình thức "phạt nguội" là một trong những hình thức được các nước tiên tiến áp dụng phổ biến từ rất lâu, khắc phục được nhiều khuyết điểm về mặt chủ quan con người thực thi công vụ cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động chứng minh hành vi vi phạm. Do đó cần ủng hộ xu thế tận dụng tối đa lợi thế của hệ thống camera giao thông trong xử lý vi phạm hành chính" - luật sư Sơn nói.
Luật sư Sơn cho biết thêm về hành lang pháp lý, Luật xử lý vi phạm hành chính và nghị định số 100/2019/NĐ-CP đã quy định rõ về việc xử phạt vi phạm hành chính được phát hiện từ phương tiện kỹ thuật, nghiệp vụ. Do đó lắp đặt camera "phạt nguội" trên toàn quốc hoàn toàn có cơ sở để thực hiện. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật vẫn chưa thực sự đồng bộ và hợp lý.
Do đó, theo luật sư, ngoài việc đồng bộ hóa, hiện đại hóa phương tiện kỹ thuật thì các nhà làm luật cần phải chú trọng hơn về việc tạo ra một hành lang pháp lý thuận tiện, hợp lý để thực hiện. Nếu không thì khi triển khai trên diện rộng sẽ gặp rất nhiều vướng mắc về pháp lý phát sinh, nhất là trong điều kiện giao thông và văn hóa sử dụng, chuyển giao các phương tiện giao thông ở nước ta hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 18/11/2020
04:50, 17/11/2020
16:42, 16/11/2020