Hỗ trợ DNNVV phát triển và tận dụng được các lợi ích từ EVFTA là trách nhiệm pháp lý và đạo lý của Bộ Công Thương.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến “Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tận dụng cơ hội, thực thi hiệu quả EVFTA” diễn ra ngày 5/6.
Đây là hội nghị đầu tiên của Bộ Công Thương với cộng đồng doanh nghiệp liên quan đến thực thi và khai thác hiệu quả Hiệp định EVFTA. Trong bối cảnh DNNVV chiếm đến 97% số doanh nghiệp cả nước, thì “trái tim của nền kinh tế” cần chủ động và sớm tạo ra sự thống nhất để thực thi EVFTA có hiệu quả với các DNNVV Việt Nam.
“Công cụ và môi trường đã có, nhưng không thể dừng lại đó mà phải bắt tay cùng làm. Mong muốn EVFTA được tổ chức thực hiện khai thác hiệu quả cao nhất với DNNVV”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, cần quyết tâm hành động trong bước đi cụ thể để DNNVV trở thành chủ thể cũng như thụ hưởng Hiệp định EVFTA. Các cơ quan quản lý cần luôn đồng hành để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nói chung cũng như DNNVV nói riêng.
Chia sẻ các quan tâm và kiến nghị của nhiều hiệp hội DNNVV tại các địa phương về việc làm sao tăng được xuất khẩu thủ công mỹ nghệ, thủy sản, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý các địa phương về cam kết phát triển bền vững của Việt Nam đã được thiết kế thành một chương riêng của EVFTA.
Các địa phương cần quan tâm để tránh lặp lại bài học “thẻ vàng” với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Bộ Công Thương sẽ tích cực rà soát, đôn đốc thực hiện, phối hợp cùng các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp nội luật hóa các nội dung của EVFTA, bởi như Bộ trưởng khẳng định, DNNVV “là trọng tâm trong chương trình phát triển của Chính phủ, các cơ chế sẽ được cụ thể hóa”.
Về mối quan ngại rằng các doanh nghiệp lớn của châu Âu liệu có nhờ vào EVFTA tiến hành hoạt động mua bán và sáp nhập các doanh nghiệp trong các ngành kinh tế chủ chốt của Việt Nam hay không, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh lưu ý, cùng với việc thu hút đầu tư là các chính sách sàng lọc trong đầu tư để bảo vệ lợi ích quốc gia.
Nhìn nhận EVFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với chất lượng và những cam kết thuộc vào hàng cao nhất từ trước đến nay của Việt Nam. Như vậy, DNNVV có sợ bị “ngợp” hay không?
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, EVFTA có thể dày hàng nghìn trang thì mỗi DNNVV Việt Nam đều tự tìm thấy cho mình một vài “trang riêng”. DNNVV cần coi EVFTA là khởi đầu một chặng đường kinh doanh trong bối cảnh mới, lấy sức ép về cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.
Đồng thời, cũng cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường đối tác của Hiệp định để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. “Đây cũng chính là cơ hội tốt để các DNVVN Việt Nam tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu”, ông Hải nói.
Việc thực thi EVFTA là một chiến lược dài hạn nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các DNNVV tham gia sâu vào chuỗi giá trị khu vực, nâng cao năng lực sản xuất xuất khẩu và cạnh tranh.
Một số doanh nghiệp xuất khẩu trong lĩnh vực dệt may, da giày, đồ nội thất, thủy sản có quy mô lớn và kinh doanh bài bản vào thị trường EU. Tuy nhiên, theo ông Hải, rất nhiều doanh nghiệp đang xuất khẩu vào EU là các DNNVV với nguồn lực hạn chế, quy trình sản xuất chưa đạt chuẩn EU, thiếu đầu tư cho R&D, sở hữu trí tuệ, thương hiệu...
“Do đó, một trong những việc các doanh nghiệp Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Các doanh nghiệp cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU”, ông Hải bày tỏ.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục XTTM đánh giá, EU là một thị trường lớn nhưng khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, lao động, môi trường… trong khi không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được các yêu cầu.
Để gỡ khó cho DNNVV, ông Vũ Bá Phú cho rằng, với các thị trường đầu tàu truyền thống như Hà Lan, Đức, Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Bỉ được coi là thị trường cửa ngõ giúp lan tỏa đi các nước khác trong khối EU, doanh nghiệp cần tiếp tục khai thác dư địa, tận dụng tối đa lợi thế mà EVFTA mang lại nhằm mở rộng thị phần, phát huy lợi thế cạnh tranh của mình.
“Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng những thị trường ngách phù hợp với năng lực của mình và chưa có nhiều đối thủ cạnh tranh được coi là “cánh cửa” giúp hàng Việt vào sâu hơn nữa thị trường EU”, ông Phú chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm