Lễ hội Lam Kinh 2023: Dấu ấn quảng bá du lịch mạnh mẽ

KIỀU PHIÊN 06/10/2023 13:48

Lễ hội Lam Kinh năm 2023 với chủ đề “Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ” là điểm nhấn thu hút hàng nghìn du khách, đánh dấu thành công quảng bá du lịch của tỉnh Thanh Hóa.

>>Độc đáo lễ hội “Thành Tuyên”

Sáng 6/10 (tức ngày 22/8 năm Quý Mão), tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (thị trấn Lam Sơn, Thọ Xuân), UBND tỉnh Thanh Hóa long trọng tổ chức Lễ hội Lam Kinh 2023, kỷ niệm 605 năm khởi nghĩa Lam Sơn, 595 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang, 590 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Khai

Lễ hội Lam Kinh 2023 thu hút hàng ngàn du khách về tham dự

Lễ hội Lam Kinh năm 2023 được bắt đầu với nghi thức rước kiệu Đức Vua Lê Thái Tổ, kiệu Trung túc Vương Lê Lai từ đền thờ Vua Lê Thái Tổ và Đền thờ Trung túc vương Lê Lai về Sân rồng Chính điện Lam Kinh. Đây được xem là nét đẹp truyền thống về văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, những người có công với đất nước được lưu giữ và thể hiện trong lễ hội Lam Kinh từ nhiều năm qua.

Lễ hội Lam Kinh năm 2023 với chủ đề “Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ” với chất liệu truyền thống, kết hợp với các hiệu ứng sân khấu hiện đại. Đây là dịp để người dân trên khắp mọi miền Tổ quốc tỏ lòng ngưỡng vọng với công lao to lớn của Anh hùng dân tộc Lê Lợi và các tướng sĩ.

fbfb

Đại biểu và du khách về dự lễ hội Lam Kinh 2023

Ông Đầu Thanh Tùng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Lễ hội Lam Kinh năm 2023 đã đọc diễn văn khai mạc Lễ hội Lam Kinh năm 2023. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đất và người Thanh Hóa đã in dấu với những cống hiến to lớn trong nhiều sự kiện trọng đại, tiêu biểu trong số đó là cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Anh hùng dân tộc Lê Lợi lãnh đạo chống ngoại xâm phương Bắc ở nửa đầu thế kỷ XV.

Du khách và nhân dân về với lễ hội Lam Kinh không chỉ để chứng kiến phần đại lễ quy mô hoành tráng; mà còn để mỗi người dân được sống dậy tinh thần yêu nước sục sôi của hào khí Lam Sơn; hòa mình trong không khí hào hùng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn qua các màn trình diễn được đầu tư công phu, với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ. Phần sân khấu hóa đã tái hiện lại những dấu ấn với “hội thề Lũng Nhai”, “Lê Lai cứu chúa”, “Giải phóng thành Đông Quan”, “Lê Thái tổ đăng quang”...Từ đó, người dân có thể hình dung cụ thể những cống hiến, công đức của người anh hùng áo vải cùng các tướng sĩ và Nhân dân Thanh Hóa nói riêng, Nhân dân cả nước nói chung trong cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược diễn ra cách đây 605 năm.

>>Về Tây Bắc theo chân mùa Lễ hội Pay Tái

bfbf

Chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh với chủ đề "Khởi nghĩa Lam Sơn - dấu son rực rỡ"

Lễ hội Lam Kinh còn là nơi trình diễn các trò diễn dân gian truyền thống xứ Thanh như: Xuân Phả, trò chiềng, múa Rồng, Bình Ngô, Sanh Ngô, trống hội... mà tiêu biểu hơn cả là trò Xuân Phả - di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trò diễn đã tăng thêm tính đặc sắc cho lễ hội Lam Kinh với các điệu múa, hát, âm nhạc hay những chiếc mặt nạ kỳ dị cùng với những biểu tượng linh vật tượng trưng cho phẩm cấp quan lại phong kiến. Sự kết hợp của các trò diễn cho thấy sức sống mãnh liệt, dẻo dai của các trò diễn trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đồng thời, khẳng định Thanh Hóa là một vùng đất giàu truyền thống, một kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú, sống động, giàu màu sắc, biểu cảm và cũng đầy tính nghệ thuật của người dân các dân tộc Thái, Mường, Kinh.

nngn

Chương trình Lễ hội được dàn dựng công phu, kết hợp với sân khấu hiện đại, với sự tham gia của nhiều diễn viên, ca sĩ nổi tiếng, đông đảo học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. Các nghệ nhân từ các huyện Ngọc Lặc, Thọ Xuân trình diễn trò Xuân Phả, diễn tấu cồng chiêng…góp phần tạo nên không gian lễ hội mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống xứ Thanh. 

Du khách Lê Thị Vân đến từ thành phố Hà Nội cho biết, Lễ hội Lam Kinh đã thực sự trở thành gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giúp cho lịch sử luôn sống mãi trong thế hệ mai sau. Đặc biệt, với một không gian văn hóa đặc sắc, cùng những ý nghĩa và giá trị vô giá, lễ hội Lam Kinh đã khẳng định vai trò quan trọng trong dòng chảy lịch sử, văn hóa. Đồng thời, thể hiện sức mạnh tự thân, sức sống quật cường trước bao biến động lịch sử. Vì vậy, hàng năm gia đình tôi đều đưa gia đình về đây thắp hương, dự lễ hội và tham quan tại Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Lễ hội còn là dịp để giới thiệu, quảng bá giá trị và hình ảnh Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kin. Nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa trong thời kỳ hội nhập; thúc đẩy sự liên kết, hợp tác trong quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử; tuyên tuyền về truyền thống lịch sử, văn hoá, đất và người Thanh Hoá đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Có thể bạn quan tâm

  • Độc đáo lễ hội “Thành Tuyên”

    Độc đáo lễ hội “Thành Tuyên”

    01:23, 29/09/2023

  • Quảng bá du lịch qua lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

    Quảng bá du lịch qua lễ hội chọi trâu Đồ Sơn

    09:02, 23/09/2023

  • Vincom khởi động lễ hội “Tươi màu sắc Việt - Vui Tết đoàn viên”

    Vincom khởi động lễ hội “Tươi màu sắc Việt - Vui Tết đoàn viên”

    14:16, 03/09/2023

  • Góp thêm ánh sáng cho lễ hội Deepavali, Vietjet tung vé bay chỉ từ 0 đồng tới Ấn Độ

    Góp thêm ánh sáng cho lễ hội Deepavali, Vietjet tung vé bay chỉ từ 0 đồng tới Ấn Độ

    16:33, 14/09/2023

  • TP.HCM lần đầu tổ chức Lễ hội

    TP.HCM lần đầu tổ chức Lễ hội "Rạng danh văn hóa ẩm thực Việt"

    20:49, 29/08/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lễ hội Lam Kinh 2023: Dấu ấn quảng bá du lịch mạnh mẽ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO