Thời học sinh, chúng tôi được dạy lịch sử bằng một góc nhìn hào hùng.
Lên thêm vài lớp, chúng tôi được tiếp cận với những cuộc chiến tranh sinh động, bắt đầu cảm thấy bất bình khi lật dở những trang sách mà trong đó miêu tả cảnh giặc ngoại xâm đốt nhà, cướp của, giết người, cai trị nước ta bằng bạo lực.
Nhưng, lịch sử đúng nghĩa nó vốn là cuốn sách rất có hậu, kế ngay sau tang thương là nỗ lực vùng dậy giải phóng khỏi ách đô hộ.
Tôi hăm hở đọc từng chữ để theo dõi nghĩa quân Lê Lợi dần lớn lên như thế nào; và đầy ngưỡng mộ Ngô Quyền điều khiển thủy binh đánh lùi quân Nam Hán; thích thú tìm hiểu vì sao Quang Trung hành quân thần tốc ra Bắc tết Kỷ Dậu (1789) mang theo hàng chục vạn quân, lương mà giặc quá bất ngờ, hoảng loạn...
Để rồi khi đọc sử thế giới, tôi bỗng phát hiện ra rằng, năm 1789 là năm nhân dân Pháp làm cuộc cách mạng Tư sản vĩ đại nhất loài người, ở một đất nước xa xôi phía Đông bán cầu, người Việt cũng làm nên chiến công hiển hách đánh tan 20 vạn quân xâm lược Bắc phương, giành lại độc lập. Ta đâu thua kém?
Cũng có khi, tôi lâm vào tuyệt vọng khi phong trào khởi nghĩa bị đàn áp đẫm máu. Tôi bỗng... lo cho họ! và cũng từ đó, tôi bắt đầu yêu thương tha thiết Tổ quốc non sông mình.
Nửa cuối của một bài học luôn là khúc khải hoàn ca, khi quân ta thắng như chẻ tre, quân địch tháo chạy không còn manh giáp. Đất nước lại thanh bình, một minh quân mới lên ngôi, giảm sưu thuế, vỗ về nhân dân đến thái bình thịnh trị.
Những bài học lịch sử cứ như thế, lặp đi lặp lại chỉ có khác là mỗi triều đại chống một kẻ thù khác nhau, như Nguyễn Trãi viết trong “Bình Ngô đại cáo”: Từ Đinh, Lý, Trần, Lê cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên…
Mười mấy cuộc kháng chiến chống quân xâm lược phương Bắc ngót một ngàn năm, sách sử, nhân gian lưu lại một kho tàng khổng lồ mà sách giáo khoa chỉ là lát cắt nhỏ.
Có thể bạn quan tâm
16:02, 02/10/2018
17:43, 26/06/2018
01:31, 31/05/2018
17:14, 03/04/2018
01:22, 05/02/2018
05:39, 28/01/2018
06:51, 18/01/2018
Nhờ công bằng với lịch sử mà rất nhiều thế hệ sau này đã biết đến hình ảnh “quả cam bóp nát” trong lòng bàn tay người thanh niên trẻ Trần Quốc Toản vì khát khao cống hiến; biết đến Hai Bà Trưng; người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ.
Biết đến ải Chi Lăng, gò Đống Đa; biết nhà Trần ba lần đánh thắng đội quân xâm lược hùng mạnh nhất thế giới; biết đến rường cột sức mạnh của dân tộc ta là lòng yêu nước nồng nàn…để tự hào mình là người Việt.
Nhưng có một cuộc chiến mới cách đây chưa đầy 40 năm, cũng không kém phần oanh liệt và “đây cùng là điều chúng ta phải tự hào” - như lời Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện chiến lược Bộ Công an.
Một cuộc chiến vệ quốc vĩ đại gần tròn thập kỷ, vẫn còn quá nhiều nhân chứng sống, nhưng có phải chúng ta chưa nói đủ về nó?
Hãy xem giai đoạn 10 năm sau khi ký Hiệp định Geneve (1954-1965) lịch sử Việt Nam vô cùng phong phú, các sự kiện quan trọng xuất hiện từ chính trị, xã hội đến văn hóa, giáo dục.
Cuộc chiến tranh biên giới 1979, Trung Quốc đã sử dụng 9 quân đoàn chủ lực và một số sư đoàn bộ binh độc lập (tổng cộng 32 sư đoàn) cùng nhiều đơn vị binh chủng với quân số lên tới hơn 60 vạn dọc biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta (Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng đến Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu).
Cuộc xâm lược tàn bạo đã phá huỷ nặng nề cơ sở hạ tầng của các tỉnh biên giới; giết hại nhiều dân thường vô tội như các vụ thảm sát kinh hoàng ở Kim Quang (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) hay giết hại 43 người dân (phần lớn là phụ nữ, trẻ em) rồi vứt xác xuống giếng ở thôn Tổng Chúp (Cao Bằng).
Tướng Lê Mã Lương hồi ức: “Đội quân đó vào nhà dân vơ vét tất cả những gì có thể dùng được và trong lịch sử, tôi chưa thấy một quân đội của nước lớn nào phát động chiến tranh lại như thế”.
Về địa lý, Trung - Việt đã được định mệnh sắp đặt bên nhau đời đời, 1000 năm xung đột, giao tranh, cả hữu hảo hòa bình. Không biết bao nhiêu máu của hai dân tộc đổ xuống, cũng có những tình cảm trong sáng đáng trân trọng, thế rồi những lớp lớp người sau vẫn dũng cảm nhìn vào rồi gác lại để tồn tại cùng nhau.
Sá chi một cuộc chiến tuy dài mà ngắn so với lịch sử - 10 năm? Để chúng ta sòng phẳng với lịch sử, để không phải boăn khoăn với hậu thế.
Rõ ràng, hậu thế sẽ không biết “tự hào” về điều gì nếu chúng không biết cha ông mình đã từng anh dũng như thế nào.
Không ai có thể vui nếu thương đau bị khuấy lên, nhưng hàng ngàn hàng vạn người nằm xuống nơi biên ải - họ xứng đáng được nhắc đến với tư cách là một gạch nối của lịch sử dân tộc.
Chúng ta từng tự hào vì đánh thắng các đế quốc hùng cường nhất thế giới đương đại và có thể hơn thế.
Chỉ trước đó 4 năm ngày xảy ra chiến tranh biên giới Tây Bắc, tức là năm 1975 “Mỹ cút ngụy nhào”. Chúng ta đã sòng phẳng với lịch sử giai đoạn chống Mỹ, nhưng không vì thế mà mối bang giao Việt - Mỹ khó hàn gắn.
Các Mác nói rằng “con người vừa là sản phẩm vừa là chủ thể của lịch sử”, trong lịch sử ấy dĩ nhiên có cả chiến tranh. Ở khía cạnh “con người là sản phẩm của lịch sử” là nguyên tắc bất di bất dịch không bao giờ cho phép lãng quên bất cứ hành trình nào đã đi qua - với tư cách là nơi thoát thai ra con người hôm nay.
Công nhận lịch sử để khẳng định chính mình. Để khi có niềm tin rằng, chúng ta đủ sức mạnh để tồn tại trên địa cầu, thì cũng sẽ đủ niềm tin để xây dựng đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.
Lịch sử để được gọi là lịch sử - bản thân nó từng là hiện tại, hiện thực. Việc mô tả lại quá trình hiện thực, hiện tại ấy không phải là khơi gợi hận thù, mà là để sòng phẳng, không phụ với công lao tiền bối, làm thêm rạng rỡ tương lai cho con cháu!