Liên kết đào tạo ngoại ngữ - liên mà không kết

NHẬT QUANG 09/10/2023 03:00

Việc liên kết được tiến hành dưới hình thức trung tâm ngoại ngữ bán giáo trình, tài liệu giảng dạy cho nhà trường và giáo viên của nhà trường sẽ dạy học sinh theo giáo trình này.

Hết kì nghỉ hè, vào năm học chính thức, các lớp học nâng cao trình độ ngoại ngữ ở các trung tâm, câu lạc bộ nghệ thuật, sở thích, chương trình trại hè, lớp học kĩ năng sống giảm sút nguồn học viên do học sinh bận rộn với lịch học chính khoá trong nhà trường.

Số học viên tiếp tục theo học ít ỏi làm nguồn thu từ học phí sụt giảm. Để duy trì trung tâm, tìm nguồn đảm bảo thu nhập cho giáo viên, các trung tâm xoay xở tiếp thị nhiều khoá đào tạo ngoại ngữ nâng cao cho nhân viên văn phòng làm việc trong doanh nghiệp, rồi tiếp cận đến nhà trường - đặc biệt là bậc tiểu học với mô hình liên kết đào tạo ngoại ngữ và hệ luỵ bắt đầu từ đây.

Trường Tiểu học Nguyễn Đốc Tín (An Lão, Hải Phòng) đang thử nghiệm triển khai liên kết dạy Toán tư duy, Kỹ năng sống, Tiếng Anh yếu tố nước ngoài. Ảnh: Hoàng Khôi

Trường Tiểu học Nguyễn Đốc Tín (An Lão, Hải Phòng) đang thử nghiệm triển khai liên kết dạy Toán tư duy, Kỹ năng sống, Tiếng Anh yếu tố nước ngoài. Ảnh: Hoàng Khôi/Lao động

Nhiều giám đốc trung tâm ở khu vực đồng bằng duyên hải Bắc Bộ tìm mọi mối quan hệ kết nối nhờ vả quan chức giáo dục làm việc tại Phòng, Sở Giáo dục – Đào tạo. Sau đó sẽ có “chỉ đạo miệng" xuống các cơ sở nhà trường đề nghị hỗ trợ liên kết với trung tâm để tiến hành khoá đào tạo có thu phí đối với học sinh, đặc biệt là khoá ngoại ngữ nâng cao như học trực tiếp với giáo viên nước ngoài…

Việc liên kết được tiến hành dưới hình thức trung tâm ngoại ngữ bán giáo trình, tài liệu giảng dạy cho nhà trường và giáo viên của nhà trường sẽ dạy học sinh theo giáo trình này. Chất lượng, nội dung của giáo trình không qua hội đồng thẩm định, hoàn toàn do trung tâm soạn ra, những kiến thức này dễ dàng tìm kiếm miễn phí từ mạng Internet. Hàng tháng sẽ thu học phí từ học sinh cho tới kết thúc khoá học, tiền thu được sẽ dùng trả thù lao cho giáo viên, chi trả cho nhà trường số còn lại trung tâm hưởng.

Một cách khác là giáo viên của trung tâm đến trường lên thời khoá biểu và trực tiếp dạy học sinh, thu phí sau đó trích lại cho nhà trường. Đây là mô hình tham nhũng công sức giáo viên và cơ sở vật chất một cách trá hình, giáo viên bỗng nhiên thành người dạy thuê cho trung tâm chỉ bằng bộ giáo trình tài liệu được cấp. Còn chất lượng dạy, học ra sao, có thẩm tra kết quả đào tạo hay không thì không ai trả lời, chưa kể trung tâm tận dụng cơ sở vật chất của nhà trường để giảng dạy mà không cần đầu tư địa điểm, phòng học, trang thiết bị giảng dạy… mà vẫn thu được lợi nhuận.

Phần lợi nhuận này đi đến túi ai thì chính lãnh đạo nhà trường cũng không hề biết, chỉ biết khó có thể từ chối những lời đề nghị hỗ trợ từ cấp lãnh đạo bên trên. Nếu từ chối thì sau này dễ mất đi “mối quan hệ tốt đẹp” cùng với các chính sách hỗ trợ nhà trường được triển khai từ trên xuống, nặng hơn có thế ảnh hưởng trực tiếp tới vị trí “chiếc ghế” lãnh đạo nhà trường đang nắm giữ.

Nhà trường khó một thì phụ huynh và học sinh khó mười. Do bổ sung lịch học của trung tâm, giờ học phải thay đổi, xáo trộn lịch học tập kế hoạch đưa đón con của phụ huynh. Ai có thể thu xếp đón con được tầm 15 giờ chiều khi ai cũng còn phải bận rộn làm việc mưu sinh.

Vốn dĩ chương trình học tập tại nhà trường được nghiên cứu lên lịch chi tiết, đảm bảo cung cấp lượng kiến thức vừa sức đối với học sinh, nhất là học sinh tiểu học, nay thêm các chương trình học ở trung tâm thì hiệu quả chẳng biết đến đâu? Liệu có cần thiết với mặt bằng chung của học sinh phổ thông Khi giáo viên người nước ngoài không nói được tiếng Việt, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, trong khi với trẻ tiểu học diễn giải cho học sinh hiểu vấn đề bằng tiếng Việt đã là khó rồi.

Học sinh tiểu học vẫn trong giai đoạn tư duy từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng. Các ông Tây, bà Tây vào xì xồ một lúc rồi đi ra, trong khi trong đầu các em hầu như không đọng lại được gì, chỉ là gắn mác người nước ngoài để thu tiền học.

Khả năng trình độ năng lực, học vấn của các “thầy Tây” cũng không có cơ chế quy trình đánh giá kiểm soát. Học phí thì cha mẹ vẫn phải cố chắt bóp mà đóng vì không đóng tiền thì đến giờ học ấy sẽ không được tham dự, các con sẽ phải lang thang vật vờ ở ngoài lớp một cách bất công và tội nghiệp. Còn các bé trong lớp không biết sẽ lĩnh hội được những gì?

Trẻ con tiểu học thì chưa đủ nhận thức để bức xúc, phụ huynh thì ngoài việc phải còng lưng gánh thêm món học phí mang tên tự nguyện, vì nếu không “tự nguyện” thì tiết học này sẽ xen vào giữa giờ, các cháu không học sẽ thành người thừa trong lớp. Ra ngoài thì lấy ai trông nom, kiểm soát đón đưa. Rõ ràng là việc này có liên mà không có kết, chỉ có sự lãng phí, kém hiệu quả và bức xúc mà thôi.

Giáo viên chịu áp lực trực tiếp từ phụ huynh và học sinh, nhưng họ cũng chỉ là nạn nhân trong trò chơi “đừng để tiền rơi” bằng chỉ đạo miệng, góp thêm nguyên nhân giáo viên bỏ việc ngày càng nhiều, cùng với đó lớp trẻ không còn mặn mà với lựa chọn đứng trên bục giảng theo sự nghiệp “trồng người”.

Đề nghị ngành giáo dục có ngay đoàn thanh tra làm rõ vấn đề bất cập này, làm rõ xử nghiêm nếu có vi phạm để đảm bảo sự trong sạch trong môi trường của nền giáo dục - đào tạo nước nhà.

Có thể bạn quan tâm

  • Doanh nghiệp bắt tay đào tạo nguồn nhân lực ngành bán lẻ Việt Nam

    14:39, 29/09/2023

  • Ứng dụng học ngoại ngữ bằng AI

    03:00, 07/04/2023

  • Bộ Giáo dục Đào tạo không yêu cầu dừng thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế

    11:13, 11/11/2022

  • Khởi nghiệp thành công từ “vốn” ngoại ngữ

    08:22, 22/03/2022

  • Thay “chất” trong giảng dạy ngoại ngữ

    02:00, 20/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Liên kết đào tạo ngoại ngữ - liên mà không kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO