Muốn phát triển mạnh mẽ du lịch nhất thiết phải có sự liên kết, hợp tác phát triển sản phẩm trong nước và quốc tế.
>>Doanh nghiệp Ấn Độ tới khảo sát dịch vụ du lịch tại Việt Nam
Tại “Hội thảo – Talk Show về phát triển sản phẩm du lịch di sản” được diễn ra chiều ngày 23/3/2023 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia là các đơn vị lớn trong ngành du lịch như Vietnam Airline, Vietjet Air, Bamboo Airway, Sungroup, VJC… cùng đưa ra nhận định, COVID-19 đã dạy cho những người làm du lịch phải nhận ra một điều rằng “muốn phát triển mạnh mẽ du lịch nhất thiết phải có sự liên kết, hợp tác phát triển sản phẩm trong nước và quốc tế".
Bà Nguyễn Thị Mai Anh – Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch Hà Nội (HPA) cho biết, Thành phố đã phối hợp với CLB lữ hành UBNESSCO Việt Nam triển khai rất nhiều hội nghị xúc tiến du lịch và nhiều hoạt động khảo sát tour tuyến, tìm kiếm thị trường tìm kiếm thị trường bên ngoài… Sự gắn kết của Trung tâm với các đơn vị, sở ngành đã triển khai có hiệu quả mục tiêu tăng tốc phục hồi đà phát triển du lịch như chỉ đạo của Chính Phủ.
Có thể nói, trong đại dịch COVID-19 du lịch đóng băng hoàn toàn, thì sau đại dịch cũng không phải lúc nào việc kinh doanh cũng “xuôi chèo mát mái”. Các đơn vị doanh nghiệp du lịch, lữ hành cũng đã phải đương đầu với không ít khó khăn.
Hiện nay giá vé hàng không đang cao, nhiều doanh nghiệp lữ hành cho biết, việc giá vé chặng bay nội địa đang có giá tương đương với giá của chặng bay quốc tế, khiến cho nhiều khách du lịch chọn du lịch xuất ngoại nhiều hơn du lịch nội địa. Bà Võ Thị Thiên Hương – Giám đốc kinh doanh Anya Hotel Group Quy Nhơn chia sẻ: “Quy Nhơn, Bình Thuận đang rất cần nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ và phối hợp từ các đơn vị. Đặc biệt là đường hàng không, bởi muốn đến được Bình Thuận hiện nay, giá vé đang rất cao nên việc thu hút khách đến còn đang gặp khó”.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Dương Hoài Nam – Giám đốc VP Miền Bắc Vietjet Air nhận định, giá vé cao vẫn còn nằm trong khung quy định giá trần đã được quy định. Một thực tế đặt ra là càng bay nhiều sẽ càng lỗ nhiều khi mà giá dầu tăng lên gấp 1,5 lần. Tính tại thời điểm tháng 6, 7/2022 giá dầu lên tới 160 USD/thùng, trong khi kế hoạch trong đầu năm chỉ có 50 - 70 USD/thùng. Do đó tất cả các hãng hàng không đều không có chi phí để bù vì vẫn bị hạn chế bởi giá trần, không được phép vượt hơn.
Vậy giải pháp nào cho việc thu hút khách du lịch khi giá cả thị trường còn nhiều biến động ảnh hưởng trực tiếp đến giá dịch vụ ngành du lịch?
Bà Nghiêm Thu Hòa – Giám đốc Cao cấp Thương mại Bamboo Airway bày tỏ nguyện vọng gửi gắm đến các đơn vị lữ hành cần phải có kế hoạch dài hạn hơn trong năm vì vé đã bán gần hết đến quý III. Do đó, các đơn vị phải có sản phẩm tốt hơn, cần phải có đề nghị và gửi nhu cầu đến các đơn vị hàng không sớm hơn để có sự hỗ trợ và liên kết có hiệu quả.
Ông Nguyễn Thanh Dương – Phó Giám đốc Chi nhánh Việt Nam Airline, Vietnam Airline cũng cho biết, hiện Vietnam Airline đã khôi phục lại hoàn toàn các đường bay như trước COVID-19. Kinh nghiệm đặt ra với Vietnam Airline đó chính là sản phẩm dịch vụ hấp dẫn, chính sách đa dạng hóa luôn được triển khai ngay từ những năm 2022, đó là các sản phẩm dành cho các công ty lữ hành, du lịch. Ông Dương nhấn mạnh: “Cung ứng sản phẩm dịch vụ cho khách du lịch phải là ưu tiên số 1”.
Đồng quan điểm, bà Trần Nguyện – Phó Tổng giám đốc Sun World Holding nhận định, COVID-19 như là một ván cờ được xóa đi làm lại. Sun World Holding đã mất đi 80% thị phần khách du lịch. Nhưng làm sao để phục hồi trở lại một cách nhanh chóng ổn định và bền vững khi mà giá vé tăng từ 6 đến 12%? Việc đầu tiên là chúng ta phải có sản phẩm tốt.
Bà Trần Nguyện cũng nêu rõ, Năm 2022, ngành du lịch đón 101,2 triệu lượt khách nội địa. Các hãng hàng không như Vietjet Air, Vietnam Airline… đều tăng trưởng tốt ở ngưỡng cùng kỳ so với trước đại dịch; các công ty du lịch chuyên thị trường inbound và outbound cũng tăng trưởng tốt… Chỉ cần có sản phẩm tốt thì khách vẫn chọn.
Chia sẻ kinh nghiệm từ Sun, bà Trần Nguyện cho biết, tại Sun World Đà Nẵng đã thay đổi bộ nhận diện sản phẩm mới, ở Phú Quốc cũng có những chương trình tour mới trọn gói, các địa điểm khách cũng tương tự. Điều này có nghĩa là là Sun world đã tập trung đầu tư vào làm mới sản phẩm, thiết kế các sản phẩm phù hợp với các đơn vị du lịch lữ hành.
Nhưng có sản phẩm tốt thì sao? Chúng ta không thể làm truyền thông cho sản phẩm đó một mình, dù bỏ ra hàng triệu USD cũng sẽ không thành công. Chúng ta phải liên kết lại. Phải cùng nhau truyền thông, marketing vì điểm đến.
Mặt khác, bà Nguyện nhấn mạnh, nếu làm một mình sẽ không thành công mà chúng ta phải liên kết lại. Trong đó cần có sự chủ động của các cơ quan quản lý Nhà nước trong xúc tiến đến thị trường chiến lược thông quan media trip, farrm trip, … Về phía các đơn vị hàng không cần mở rộng thêm các loại vé và đường bay. Đồng hành cùng các đơn vị lữ hành, các sự kiện kích cầu du lịch... có sự phối hợ của cả cộng đồng để hạn chế sự cạnh tranh về giá.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Mạnh Việt – Giám đốc Tập đoàn khách sạn Mường Thanh cho biết, giá vé máy bay tuy cao nhưng chúng ta phải có sự kết hợp, cùng nhau bán cho khách sạn là các gói packet bao gồm cả vé máy bay, lưu trú, ăn uống và điểm đến. Các đơn vị du lịch lữ hành, một trong những kênh xương sống để phát triển nguồn khách cho các cơ sở lưu trú. Mường Thanh đã có gần 60 khách sạn tại 40 tỉnh, thành phố nhưng đều có sự phối hợp với khai thác nguồn khách đường bộ, du thuyền, đường biển và đường hàng không.
Ông Việt nhấn mạnh: “Sau COVID-19 đã cho chúng ta một chiến lược thực tế hơn về đào tạo nhân lực có bài bản, chọn lọc, chúng ta đánh giá lại chất lượng dịch vụ để từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm đến với du khách. Các đơn vị dịch vụ du lịch phải cùng nhau cân đối, kết hợp các gói sản phẩm là cần thiết. Không thể đi du lịch mà không có hàng không”.
Ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch CLB Lữ hành UNESCO Hà Nội nhận định: “Đến ngày hôm nay chúng ta không thể đi một mình được nữa. Có lẽ chưa bao giờ chúng ta liên kết chặt chẽ với nhau nhiều như thế này. Chúng ta hãy cùng nắm tay, cùng liên kết để ngành du lịch tăng tốc và phát triển hơn nữa trong tương lai.”
"Hội thảo – Talk Show về phát triển sản phẩm du lịch di sản" được tổ chức bởi Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Dịch vụ - UBND thành phố Hà Nội và UNESCO Travel Fesst (UTF) và Hiệp hội UNESCO Thành phố Hà Nội, CLB Lữ Hành UNESCO Hà Nội phối hợp tổ chức. Hội thảo có sự tham gia của ông Norisyam Odzali - Phó Lãnh sự Cục Xúc tiến Du lịch Malaysia tại Việt Nam; bà Melati Irawati Masoed – Tham tán công sứ, Đại sứ quán Indonesia tại Việt Nam; các Sở du lịch, Hiệp hội du lịch các tỉnh/thành phố và hàng trăm đơn vị du lịch, lữ hành trong nước và quốc tế tham dự cùng chia sẻ về các giải pháp liên kết, hợp tác và phát triển sản phẩm du lịch. |
Có thể bạn quan tâm