Liên kết doanh nghiệp trong nước và FDI ngành điện tử: Tác động lan toả chưa như kỳ vọng

Ngọc Hà - Đinh Thanh 15/06/2018 14:15

Trong 100 doanh nghiệp lớn ngành điện tử, có 99 doanh nghiệp FDI và chỉ có 1 doanh nghiệp nội địa.

Đây là chia sẻ của TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI tại Hội thảo: "Tăng cường đối thoại chính sách giữa quốc gia đầu tư và quốc gia tiếp nhận đầu tư - Tối đa hoá tác động của các doanh nghiệp đa quốc gia đối với việc làm bền vững trong ngành điện tử tại Việt Nam" do VCCI, phối hợp cùng Chính phủ Nhật Bản, ILO, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thực hiện.

Hai mặt của ngành công nghiệp điện tử

TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI

TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI cho biết: "Trong 100 doanh nghiệp lớn ngành điện tử, có 99 doanh nghiệp FDI và chỉ có 1 doanh nghiệp nội địa"

Chia sẻ về vai trò của ngành công nghiệp điện tử, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho rằng, ngành điện tử chính là minh chứng cho sự thành công của Việt Nam trong quá trình phát triển cũng như quá trình hội nhập. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó ngành này cũng là biểu hiện cho sự thất bại của Việt Nam.

Theo phân tích của Chủ tịch VCCI, thành công bởi lẽ, chỉ trong một thời gian ngắn, ngành điện tử Việt Nam đã trở thành một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế. Việt Nam đã trở thành 1 trong 12 công xưởng sản xuất điện tử hàng đầu của thế giới và là công xưởng điện tử thứ 3 trong khu vực ASEAN.

Trong năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này đạt hơn 71 tỉ USD, gấp 2,5 lần công nghiệp dệt may và gấp gần 5 lần ngành da giày. Đây cũng là quán quân những ngành định hướng xuất khẩu của Việt Nam.

Trong vòng 5 năm qua (từ năm 2012 đến năm 2017), số lượng các doanh nghiệp điện tử tăng gấp 2 lần và đạt 1.237 doanh nghiệp vào năm 2015. Số lao động trong ngành này tăng 3 lần từ tổng số lao động trong ngành 238.821 năm 2011 đã tăng đến 611.429 lao động tính đến cuối năm 2017. Ngành này đang tiếp tục trở thành ngành có sức thu hút lớn trong hoạt động thu hút FDI đầu tư vào Việt Nam.

Tuy nhiên, theo TS. Vũ Tiến Lộc, điểm chưa thành công trong ngành điện tử được thể hiện ở điểm, 100 doanh nghiệp lớn nhất của ngành điện tử thì có tới 99 doanh nghiệp FDI, và chỉ có 1 doanh nghiệp nội địa Việt Nam. Theo đó, FDI chiếm tới 95% kim ngạch xuất khẩu của ngành này và chiếm tới 70% doanh số tiêu thụ ngành điện tử tại thị trường nội địa.

"Nhìn một cách tổng quan, FDI trong ngành điện tử chủ yếu vẫn là các công xưởng lắp ráp hàng điện tử tại Việt Nam" - TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh và cho biết: “Các doanh nghiệp FDI trong ngành điện tử cũng như trong các ngành khác đang tồn tại các “ốc đảo” trong nền kinh tế Việt Nam. Không kết nối được với doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam vẫn đang cô đơn và không thể nào "kết hôn" được với doanh nghiệp FDI để hình thành ra một hệ sinh thái cộng sinh giữa doanh nghiệp FDI và nội địa”.

“Đó chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững và cùng có lợi. FDI sẽ không thể bén rễ sâu được vào nền kinh tế Việt Nam. Đây chính là thất bại của cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam”, TS. Vũ Tiến Lộc Phân tích.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, các doanh nghiệp FDI không mong muốn như vậy, mà mong muốn có cộng đồng các nhà cung ứng nội địa là doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam để tiếp sức, giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh.

“Tác động lan toả của FDI nói chung và FDI trong ngành điện tử nói riêng đã không đến như là một nhu cầu quan trọng. Đây là hai mặt trong ngành điện tử của Việt Nam trong thời gian qua”, TS. Vũ Tiến Lộc nhận định.

Bắt đúng mạch bệnh của doanh nghiệp

Nhiều

Chương trình được kỳ vọng sẽ mở ra giai đoạn mới cộng sinh cùng có lợi giữa doanh nghiệp FDI lớn và cộng đồng doanh nghiệp nội địa.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, việc thực hiện trách nhiệm xã hội trong ngành điện tử cũng còn nhiều tồn tại. Kết quả thanh tra lao động của ngành này trong khuôn khổ dự án năm 2017, đã phát hiện 1700 vi phạm lớn nhỏ. Điều này cho thấy cần có thêm những nỗ lực để đảm bảo chuẩn mực lao động trong ngành điện tử trong thời gian tới.

Xuất phát từ thực tế này, Chính phủ Nhật Bản, ILO, VCCI cũng như Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử quyết định triển khai dự án có tính chất thí điểm trong ngành điện tử và thành lập Liên minh Doanh nghiệp điện tử vào tháng 10/2017.

Theo Chủ tịch VCCI, mục tiêu của Liên minh này là hướng tới các mục tiêu tổng quát bao trùm quan trọng. Trong đó nhấn mạnh vào 2 nội dung quan trọng. Một là, xây dựng và thúc đẩy thúc đẩy chương trình hành động về thực hành lao động có trách nhiệm trong ngành điện tử; Hai là, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp FDI và nội địa Việt Nam.

“Đây chính là hai nội dung quan trọng để nâng cấp ngành điện tử trong bối cảnh mới, đảm bảo ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam có thể hội nhập thành công mang lại lợi ích cho cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và FDI”, TS Vũ Tiến Lộc cho biết thêm.

Điểm lại kết quả dự án: "Cải thiện số lượng và chất lượng việc làm thông qua các phương thức thực hành lao động trách nhiệm trong ngành điện tử tại Việt Nam" và vai trò Liên minh Doanh nghiệp điện tử, theo TS Vũ Tiến Lộc, dự án này và Liên minh đã làm được nhiều việc, với 127 doanh nghiệp đã tham gia và hưởng lợi từ dự án thông qua hoạt động đào tạo, tập huấn, đối thoại chính sách. Và cũng chính 127 doanh nghiệp này đã gián tiếp tạo ra gần một nửa số lao động trong ngành điện tử Việt Nam.

TS Vũ Tiến Lộc thông tin, ít có dự án nào, chỉ trong thời gian ngắn đã tạo tác động tích cực và lan toả như vậy. Điều này cho thấy chủ trương thành lập dự án và thành lập Liên minh đã bắt mạch đúng yêu cầu của ngành điện tử nói riêng và những ngành khác nói chung của Việt Nam, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều lao động.

Được biết, các cuộc đối thoại trong khuôn khổ của Liên minh được triển khai ở nhiều cấp độ khác nhau, từ cấp doanh nghiệp giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia, giữa doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách, đến cấp quốc gia giữa các đối tác xã hội và doanh nghiệp.

“Chương trình hôm nay là một trong những diễn đàn đối thoại có thể coi là cấp độ cao nhất giữa nước chủ đầu tư và nước nhận đầu tư về chủ đề tối đa hoá tác động của các doanh nghiệp đa quốc gia đối với việc làm bền vững trong ngành điện tử tại Việt Nam”, TS Vũ Tiến Lộc phân tích.

Cuộc gặp này sẽ góp phần mở ra giai đoạn mới cộng sinh cùng có lợi giữa doanh nghiệp FDI lớn và cộng đồng doanh nghiệp nội địa, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, thúc đẩy trách nhiệm xã hội, tạo việc làm bền vững trong ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam. Đặc biệt là hướng tới hình thành chuỗi cung ứng điện tử tại Việt Nam gắn với chuỗi cung ứng điện tử của thế giới có trách nhiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Liên kết doanh nghiệp trong nước và FDI ngành điện tử: Tác động lan toả chưa như kỳ vọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO