Diễn đàn Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ được tổ chức từ 13h30 – 17h00, ngày 27/09/2023 tại Hội trường tầng 7, Tòa nhà VCCI.
>>Chiều nay (27/09): Diễn đàn: Liên kết Doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững Vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ
Trong bối cảnh số lượng, quy mô các doanh nghiệp nhỏ, năng lực cạnh tranh hạn chế, vệc tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.
Mới đây, tại Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng điều phối Trung du và miền núi phía Bắc, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Chủ tịch Hội đồng điều phối Vùng nhấn mạnh, các tỉnh cần quan tâm đến công tác quy hoạch; tích cực tham gia ý kiến vào quá trình tổ chức thực hiện: Các địa phương nghiên cứu, rà soát cơ chế, chính sách hiện hành để điều chỉnh, đề xuất bổ sung về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng Trung du và miền núi phía Bắc, thúc đẩy liên kết vùng bảo đảm quy định, thực hiện đồng bộ, nhất quán. Các tỉnh tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư, huy động nguồn lực; sử dụng nguồn vốn đầu tư công để dẫn dắt các nguồn lực đầu tư ngoài nhà nước thực hiện chương trình, dự án quan trọng của vùng, ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng giao thông. Đặc biệt, hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong vùng giải quyết những vấn đề liên tỉnh, liên vùng không thuộc thẩm quyền của các địa phương trong vùng...
Diễn đàn Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững Vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ được tổ chức từ 13h30 – 17h00, ngày 27/09/2023 tại Hội trường tầng 7, Tòa nhà VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, cửa ngõ phía Bắc của quốc gia, có vai trò quyết định đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Thời gian qua Vùng đã có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước song quy mô còn khiêm tốn (chỉ chiếm khoảng 8 - 9% GRDP cả nước), chưa địa phương nào trong Vùng tự cân đối được ngân sách, phát triển vùng ở nhiều lĩnh vực còn thấp hơn mức trung bình cả nước, đây vẫn là “vùng trũng” và là “lõi nghèo” của cả nước (tỷ lệ nghèo đa chiều của Vùng năm 2022 là 22%, gấp gần 3 lần bình quân cả nước).
Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Vùng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 11). Để đạt được các mục tiêu đề ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 96/NQ-CP (Nghị quyết 96) ngày 01/8/2022 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 11. Một trong những mục tiêu cụ thể mà Nghị quyết 96 đề ra là trong giai đoạn 2021 - 2030, tăng trưởng GRDP vùng đạt 8,0 - 9,0%/năm; đến năm 2030, quy mô kinh tế vùng đạt khoảng 2.100 nghìn tỷ đồng (giá hiện hành); tổng thu ngân sách nhà nước đạt 190 nghìn tỷ đồng…
Tuy nhiên, các tỉnh trung du miền núi Bắc Bộ mới chỉ có mật độ doanh nghiệp chưa bằng 1/3 mức trung bình của cả nước. Tính đến hết năm 2022 toàn vùng mới chỉ có 39.341 doanh nghiệp. Và có tới 8 tỉnh trong Vùng góp mặt trong nhóm 10 tỉnh có số doanh nghiệp hoạt động thấp nhất cả nước. Các doanh nghiệp không chỉ nhỏ lẻ về quy mô mà còn thiếu tính liên kết.
Điều này tỷ lệ thuận khi trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) VCCI công bố, đa số các tỉnh thuộc Vùng này nằm ở trong nhóm khá và trung bình. Trong vòng 5 năm gần nhất, vị trí bét bảng về chỉ số PCI đều thuộc về các tỉnh thành khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Năm 2022, trong 14 tỉnh thuộc Vùng chỉ có 4 tỉnh nằm trong TOP 30 PCI năm 2022. PCI một mặt cho thấy những chế bất cập của các địa phương trong vùng nhưng nhưng một mặt cho thấy dư địa cải thiện môi trường kinh doanh của Vùng vẫn còn nhiều.
Chính vì vậy, tại Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực Nghị quyết 11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư - coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, vừa cấp bách, vừa lâu dài; trong đó phải nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số... Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu hình thành các chuỗi giá trị ngành, sản phẩm của vùng như trung tâm sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo trình độ cao tại Thái Nguyên và Bắc Giang; trung tâm chế biến sản phẩm nông nghiệp tại Sơn La; trung tâm sản xuất và chế biến gỗ tại Tuyên Quang; trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc tại Lào Cai.
Vì vậy Diễn đàn Liên kết doanh nghiệp thúc đẩy phát triển bền vững vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ sẽ tập trung thảo luận, đánh giá thực tế về các chính sách, công tác hoạch định, kết nối phát triển vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ thời gian qua; những khó khăn vướng mắc; nhận diện cơ hội đầu tư của các doanh nghiệp, nhà đầu tư; lắng nghe ý kiến, kiến nghị, đối thoại từ doanh nghiệp, nhà đầu tư. Qua đó, gợi mở các giải pháp, hướng đi mới thúc đẩy phát triển bền vững nội vùng và liên vùng như mục tiêu mà Đảng và Chính phủ đã đề ra.
Có thể bạn quan tâm