Không chỉ liên kết với các địa phương, doanh nghiệp trong nước, tỉnh Quảng Nam cũng đang thực hiện xúc tiến các thị trường quốc tế thông qua doanh nghiệp tại nước đó.
>>Cơ hội quảng bá du lịch làng nghề
Giai đoạn hiện hay, tỉnh Quảng Nam đang nỗ lực liên kết với các địa phương tại miền Trung như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Thừa Thiên Huế,... để phát triển du lịch, từng bước hình thành trung tâm du lịch của cả nước. Đặc biệt, các địa phương này đều có lợi thế về du lịch quốc tế, vì vậy ngoài việc xây dựng các sản phẩm phục vụ tốt cho khách nội địa thì cũng cần đồng bộ cho khách quốc tế, đặc biệt là trong bốn sản phẩm trọng tâm là du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng biển - đảo và các sản phẩm du lịch bổ trợ.
Về sự liên kết, thời gian quan tỉnh Quảng Nam đã thực hiện kết nối với các địa phương trọng điểm về du lịch trong vùng đã cải thiện khá nhiều. Vừa qua, tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn đề nghị bổ sung tuyến Cù Lao Chàm - Đà Nẵng và Cù Lao Chàm - Lý Sơn vào danh mục tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo trong vùng biển Việt Nam, đây là động thái liên kết vùng du lịch biển - đảo của 3 địa phương đã đề cập từ lâu.
Ngoài ra, Quảng Nam cũng thực hiện liên kết với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh để kết nối 2 đầu, gia tăng lượng khách đến địa phương. Kết quả cho thấy lượng khách nội địa đã phục hồi vượt bậc và địa phương cũng đang chờ sự phục hồi tương tự với các thị trường quốc tế.
Mới đây, Quảng Nam đã liên tục xúc tiến du lịch tại các thị trường Hàn Quốc, Ấn Độ, Malaysia.,... để thúc đẩy thu hút khách du lịch. Đặc biệt tại Malaysia có sự tham gia, phối hợp của của 3 tỉnh, thành gồm Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế.
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch Quảng Nam cho hay địa phương đã giới thiệu điểm đến, cập nhật thông tin, sản phẩm du lịch mới và dịch vụ du lịch của các doanh nghiệp đến các đối tác tại Malaysia. Cùng với đó, các địa phương cũng chiếu phim, trưng bày hình ảnh về văn hóa, du lịch, sản phẩm OCOP Quảng Nam - Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế; tổ chức không gian (B2B) để 22 doanh nghiệp du lịch tiếp cận, trao đổi, giới thiệu thông tin, chào bán các sản phẩm, dịch vụ du lịch và ký kết hợp tác, phát triển thị trường với các đối tác.
“Đồng thời, dịp này, 03 địa phương đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Hữu nghị Malaysia - Việt Nam nhằm đẩy mạnh truyền thông, quảng bá văn hóa, du lịch đến người dân Việt Nam tại Malaysia, du khách và đối tác tại Malaysia. Riêng Quảng Nam tập trung đẩy mạnh việc quảng bá giới thiệu các sản phẩm du lịch xanh, du lịch hướng đến cộng đồng với thông điệp “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”, ông Nguyễn Thanh Hồng cho biết.
Thông tin tự vị này, giai đoạn trước dịch, thị trường khách Malaysia luôn là thị trường tiềm năng của Quảng Nam, lượt khách năm sau luôn cao hơn năm trước, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2015 – 2019 hơn 74%/năm. Trong 10 tháng đầu năm 2023, cùng với sự phục hồi về khách quốc tế, khách Malaysia cũng đã bắt đầu tăng trở lại, nằm trong top 5 thị trường khách quốc tế lớn nhất Quảng Nam.
“Hiện nay, tỉnh đang tập trung nâng cấp và xây dựng mới sản phẩm theo hướng du lịch xanh, bền vững, nhiều sản phẩm du lịch xanh được xây dựng, đưa vào phục vụ khách và đã được du khách đón nhận. Ngành du lịch cũng đang tập trung phối hợp với các ngành, địa phương để tham mưu UBND tỉnh rà soát bổ sung quy hoạch các khu vực mặt biển có thể phát triển các sản phẩm du lịch thể thao, du lịch giải trí biển; phát triển một số khu vực kinh tế đêm, quy hoạch sân golf... để phục vụ nhu cầu của du khách và thu hút khách ở dài ngày, chi tiêu nhiều hơn. Bên cạnh đó, tập trung đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong ngành du lịch, phát triển du lịch thông minh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng cường công tác quảng bá xúc tiến, liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trọng điểm du lịch, với các ngành, lĩnh vực như hàng không, truyền thông...trong nước và quốc tế”, ông Hồng thông tin thêm về kế hoạch thời gian tới.
Tại sự kiện kết nối vừa qua, Đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia, Tham tán Nguyễn Thị Ngọc Anh khẳng định quan hệ Việt Nam-Malaysia trong suốt 50 năm qua luôn không ngừng được vun đắp, nâng cấp lên Quan hệ Đối tác Chiến lược năm 2015. Đồng thời, hợp tác du lịch cũng xây dựng được nền tảng vững chắc thông qua ký kết Thỏa thuận Hợp tác Du lịch cấp Chính phủ năm 1994, mở Văn phòng Xúc tiến Du lịch Malaysia tại Việt Nam và tăng cường các hoạt động hội chợ, quảng bá du lịch ở cả hai nước.
Malaysia hiện nằm trong nhóm 10 thị trường nguồn khách du lịch lớn nhất của Việt Nam. Hiện tại, hợp tác du lịch hai nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng, cũng như kỳ vọng quan hệ hợp tác trong lĩnh vực này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, không chỉ giới hạn trong khuôn khổ song phương mà còn mở rộng trong khu vực Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Có thể bạn quan tâm