Ngành du lịch vẫn đang đứng trước những khó khăn và thách thức mới. Một trong những khó khăn lớn nhất đối với ngành du lịch hiện nay là nguồn nhân lực.
>> Quảng Nam - Đà Nẵng liên kết phát triển du lịch
Đó là chia sẻ của ThS. Bùi Thị Ngọc Hiếu Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM tại Hội thảo “Liên kết vùng trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam chất lượng cao sau đại dịch COVID-19”, mới đây. Bà cho biết, năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến mọi mặt của nền kinh tế, xã hội, trong đó, ngành du lịch đã chịu ảnh hưởng trực diện và toàn diện. Số lượng khách cũng như doanh thu du lịch đã sụt giảm mạnh, tăng trưởng của ngành du lịch giảm sâu. Ngành du lịch có hơn 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên nhiều doanh nghiệp phải chuyển loại hình kinh doanh hoặc đóng cửa, nhiều người lao động phải rời bỏ ngành để tìm kiếm việc làm khác.
Theo bà Ngọc Hiếu, năm 2021 vừa qua là giai đoạn hết sức khó khăn của ngành du lịch cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng. Đến thời điểm hiện nay, với hiệu quả của các chính sách phòng chống dịch cũng như chiến lược phủ vắc xin trên diện rộng của Chính phủ và các địa phương, tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, đời sống kinh tế xã hội đã trở lại với trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt và an toàn kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19.
“Tuy nhiên, ngành du lịch vẫn đang đứng trước những khó khăn và thách thức mới. Một trong những khó khăn lớn nhất đối với ngành du lịch hiện nay là nguồn nhân lực, thách thức này không chỉ đối với Việt Nam mà tất cả các nước trong khu vực, trên thế giới đều đang phải đối diện. Tại TP.HCM, vấn đề nguồn nhân lực du lịch đã và đang đặt ra nhiều khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước, cho hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch và cho công tác đào tạo trong giai đoạn phục hồi và phát triển du lịch”, bà Hiếu nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM Bùi Thị Ngọc Hiếu cho rằng, trước dịch COVID-19, ngành du lịch TP.HCM trăn trở về nguồn nhân lực không đồng đều về chất lượng, tính chuyên nghiệp thì sau tác động của dịch bệnh COVID-19, vấn đề đáng lo ngại là tình trạng nguồn nhân lực đang trở nên thiếu và yếu cả về chất lượng lẫn số lượng.
Theo đại diện ngành du lịch TP.HCM, nguyên nhân là do sự chuyển dịch về nguồn lao động giữa các ngành nghề, giữa các địa phương, do thời gian gián đoạn đứt gãy chuỗi hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, khiến 80% lao động ngành du lịch phải nghỉ việc hoặc chuyển nghề. Tính đến giữa tháng 4/2022, tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn Thành phố là 796 doanh nghiệp, giảm 1.341 doanh nghiệp so với năm 2019.
Nhìn nhận, TP.HCM với lợi thế là địa phương có hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đào tạo nghề chuyên ngành du lịch quy mô lớn nhất nước, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho khu vực phía Nam với 24 trường đại học, 20 trường cao đẳng và 19 trường trung cấp. Trung bình, hàng năm có khoảng 12.000 người được đào tạo về ngành du lịch. Nhưng bà Hiếu cho rằng, chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu lao động của ngành.
“Hiện Thành phố có 140.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch, trong đó, 15% có trình độ đại học, 50% có trình độ cao đẳng, trung cấp. Qua đó, cho thấy, cơ cấu, chỉ tiêu đào tạo chưa hợp lý giữa các loại hình của ngành du lịch. Nguồn nhân lực đào tạo chưa thực sự đạt chuẩn, một số cơ sở đào tạo chưa chú ý đến việc đào tạo nguồn nhân lực trình độ và chất lượng tay nghề cao, chưa chú trọng đào tạo các nghiệp vụ chuyên sâu, chưa chú trọng đào tạo nhân lực quản lý của ngành”, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM nhìn nhận.
Nhận thức được thực trạng trên, với vai trò là trung tâm du lịch hàng đầu của cả nước, ngành du lịch TP.HCM đã đề ra 2 giải pháp chính để khắc phục.
Một là, chủ động phối hợp với các cơ sở đào tạo đa dạng hóa hình thức đào tạo từng cấp, tập trung ngắn hạn, dài hạn, tập huấn, bồi dưỡng, thành lập lên các khoa nghiệp vụ du lịch để đào tạo trình độ nghiệp vụ chuyên môn quản lý, kỹ năng ngoại ngữ chuyên nghiệp và trình độ quốc tế về tất cả các mặt, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là trong giai đoạn hậu COVID-19 hiện nay.
Hai là, chủ động liên kết, hợp tác với các địa phương, đặc biệt đối với các khu vực gần kề như khu vực đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ, luôn xác định công tác đào tạo nguồn nhân lực là một trong bốn nội dung trọng tâm trong các chương trình hợp tác liên kết giữa các địa phương.
Có thể bạn quan tâm
Vietravel khai mở du lịch thể thao
11:00, 13/05/2022
Quảng Nam - Đà Nẵng liên kết phát triển du lịch
00:35, 13/05/2022
Hải Dương: Sắp tổ chức chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, thương mại
20:31, 12/05/2022
“Cú hích” du lịch Việt
20:21, 12/05/2022
18/05: Diễn đàn "Luồng xanh" cho du lịch cất cánh - Chuyên đề II: Chuyển đổi số: Động lực phát triển bền vững
14:58, 12/05/2022
Doanh nghiệp du lịch cần “chiêu hiền đãi sĩ”
11:15, 11/05/2022
Doanh nghiệp du lịch đang hồi sinh mạnh mẽ
14:49, 10/05/2022