Ngay sau khi Thủ tướng Shinzo Abe ngỏ ý từ chức, ông Trump đã phái Bộ trưởng Quốc phòng đến gặp gỡ với người đồng cấp phía Nhật để thắt chặt liên minh!
Trong một động thái mới nhất tại châu Á-Thái Bình Dương, Bộ trưởng quốc phòng hai nước đồng minh Mỹ-Nhật đã nhóm họp tại Guam và dần lộ ra kế hoạch thắt chặt liên minh kìm hãm Trung Quốc tại Biển Đông.
Đây là bước đi mới của Washington nhưng không hề bất ngờ nếu xét mối quan hệ bền chặt giữa họ với Tokyo kể từ sau thế chiến thứ 2. Mặt khác, Nhật - Trung có mối thâm thù lịch sử dường như không thể hóa giải.
Họp báo sau cuộc gặp với người đồng cấp phía Mỹ, ông Kono khẳng định: “Đối với vấn đề Biển Đông và Hoa Đông, chúng tôi xác nhận rằng cả Mỹ và Nhật sẽ cực lực phản đối mọi quốc gia đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực”.
Thủ tướng Nhật Bản, Zhinzo Abe đã công khai chỉ trích Trung Quốc về cuộc khủng hoảng virus corona. Đáng chú ý, Bộ trưởng quốc phòng Kono được cho là người thay thế ông Abe khi đương kim Thủ tướng ngỏ ý từ chức vì lý do sức khỏe. Vì vậy, bước đi mới của Mỹ có hai mục đích.
Một là, nhanh chóng tiếp cận “ứng viên Thủ tướng Nhật”, kế “tiên phát chế nhân” của Washington nhằm đề phòng Tokyo thời hậu Shinzo Abe có thể ngả về phía Bắc Kinh!
Hai là, tiếp tục khẳng định chính sách đối đầu với Trung Quốc tại Biển Đông, bằng cách tăng cường thắt chặt các liên minh truyền thống, ngoài Nhật Bản còn có Australia, Hàn Quốc và lôi kéo thêm Ấn Độ.
Trong bộ tứ này, Tokyo đóng vai trò là then chốt. Theo luật, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF) không được phép duy trì lực lượng có khả năng gây ra chiến tranh vũ trang.
Nhưng thực tế SDF ngày nay là một trong những quân đội hùng mạnh nhất thế giới. Theo tờ Asia Times, Nhật Bản chi tiêu quốc phòng đứng thứ 8 thế giới. Dưới thời Trump, ông Abe luôn phải chịu áp lực gia tăng ngân sách cho lĩnh vực này.
Điều 9 Hiến pháp Nhật Bản không có phép sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp ngoài biên giới đã được Chính phủ ông Abe “giải thích lại” theo hướng nới lỏng, cho phép bảo vệ đồng minh khi chiến sự xảy ra.
SDF hiện có gần 0,25 triệu binh sỹ, được trang bị vũ khí và công nghệ mới nhất được mua chủ yếu từ Mỹ, bao gồm một loạt các tên lửa, máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng, tàu ngầm diesel-điện công nghệ tiên tiến nhất thế giới. Đó là lý do đầu tiên để Mỹ “chọn mặt gửi vàng”.
Nhật Bản có lợi ích trực tiếp tại biển Hoa Đông, quần đảo Senkaku là nơi mà cả Trung Quốc và Nhật Bản đồng thời tuyên bố chủ quyền, đã từng có xung đột xảy ra tại khu vực này. Nguồn gốc tranh chấp không chỉ là lãnh thổ mà còn là mỏ khí khổng lồ mới phát hiện.
Biển Hoa Đông là một trong hai cửa ngõ ra biển hiếm hoi của Bắc Kinh, nếu muốn chặn đường Trung Quốc tiến về Thái Bình Dương, Mỹ phải kiểm soát được vùng biển này - Nhật Bản chính là chốt chặn quan trọng, các quần đảo Okinawa; các đảo Amani, Tukonoshima, Yoron tạo thành vòng cung bao vây biển Hoa Đông.
Từ năm 2015, Nhật Bản thường xuyên tham gia tập trận Malabar - đây được xem là cơ chế tập trận biểu dương sức mạnh hải quân của Mỹ và đồng minh tại châu Á-Thái Bình Dương.
Đó là tất cả những lý do để ông Trump phái Bộ trưởng Quốc phòng đến hội đàm với người đồng cấp phía Nhật Bản để tiếp tục thảo luận tìm cách khống chế Trung Quốc.
Cần nói thêm rằng, ASEAN đã được thử thách khả năng phản ứng với Bắc Kinh về vấn đề chủ quyền trên biển, Tổng thống Trump đã biết kết quả! Chống Trung Quốc, chỉ có bộ tứ liên minh do Mỹ dẫn đầu.
Có thể bạn quan tâm
Trung Quốc tập trận tại Biển Đông nhằm vào ai?
05:00, 28/08/2020
Trung Quốc sẽ tiếp tục làm gì tại Biển Đông?
06:30, 26/08/2020
Biển Đông: Mối hiểm nguy từ dân quân biển của Trung Quốc
05:00, 26/08/2020
Biển Đông: Lời cảnh báo vô nghĩa của Trung Quốc!
05:00, 31/08/2020
Mỹ đặt lệnh trừng phạt thương mại lên các thực thể Trung Quốc vì quân sự hóa Biển Đông
01:00, 28/08/2020