Sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ cấm các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc, Line nổi lên như một sự lựa chọn hàng đầu
Sau khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ cấm các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc, đa phần sự chú ý đổ dồn vào TikTok - nền tảng mạng xã hội cực kỳ phổ biến trong việc chia sẻ các video ngắn. Thế nhưng TikTok lại không phải ứng dụng duy nhất rơi vào tầm ngắm của Washington.
“Gã” khổng lồ nhắn tin Trung Quốc WeChat, thuộc sở hữu của Tencent Holding, hiện cũng đang trở thành mục tiêu giám sát của Washington và rất có thể tương lai của WeChat cũng không sáng sủa hơn TikTok khi mà lệnh cấm các ứng dụng Trung Quốc từ phía Washington có thể sẽ được mở rộng, và người dùng sẽ tìm kiếm các lựa chọn thay thế "an toàn" hơn.
Li Wen – một cô gái 24 tuổi làm nghề tư vấn giáo dục, tự nhận là một người dùng trung thành của WeChat, nhưng khi hơn một chục người bạn của cô bắt đầu thiết lập tài khoản trên Line - một ứng dụng nhắn tin của Nhật Bản thì cô đã quyết định làm điều tương tự.
"Vui lòng kết bạn với tôi trên Line trong trường hợp một ngày nào đó bạn không thể liên lạc với tôi trên WeChat nữa", Li đăng tải dòng trạng thái mới trên ứng dụng WeChat, cùng với mã QR cho tài khoản Line mới của cô.
Mặc dù Li đã có thời gian rất dài sinh sống và làm việc ở Los Angeles và chỉ về Trung Quốc sáu năm trước, WeChat vẫn là ứng dụng được sử dụng nhiều nhất của cô. "Phần lớn các quan hệ xã hội của tôi được kết nối thông qua WeChat," Li cho biết. "Tôi không chỉ sử dụng nó để nói chuyện với gia đình và bạn bè ở Trung Quốc, mà hầu hết bạn bè của tôi ở Mỹ trò chuyện qua WeChat."
Li, giống như nhiều người dùng WeChat khác, hiện đang lo lắng rằng rất có thể Washington cũng sẽ áp dụng các lệnh cấm WeChat tương tự như lệnh cấm TikTok, khi đó cô có thể mất các kết nối trực tuyến quan trọng, cả trong cuộc sống lẫn công việc.
"TikTok và WeChat là những nền tảng mạng xã hội lớn nhất ở Trung Quốc, và xung quanh các nền tảng này cũng có rất nhiều nghi vấn về việc thu thập thông tin người dùng. Chúng tôi sẽ có những hành động mạnh mẽ để ngăn chặn điều đó", cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào ngày 12 tháng 7 vừa qua. Chỉ vài ngày sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Washington đang xem xét việc cấm các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước.
Một mối quan tâm của giới chức quản lý Mỹ là liên kết được cho là giữa các ứng dụng này và chính phủ Trung Quốc, rằng các ứng dụng này có thể cung cấp cho Bắc Kinh quyền truy cập vào dữ liệu của người dùng Mỹ. Khi được hỏi liệu người Mỹ có nên giữ các ứng dụng truyền thông xã hội Trung Quốc trên điện thoại của họ hay không, ông Pompeo đã không ngần ngại khẳng định: "Chỉ khi bạn muốn thông tin cá nhân của mình trong tay Đảng Cộng sản Trung Quốc!".
Mặc dù chi tiết về lệnh cấm WeChat vẫn chưa rõ ràng, nhưng rất nhiều người dùng đã để tâm tìm kiếm các ứng dụng nhắn tin thay thế. Theo thống kê của công ty nghiên cứu thị trường Sensor Tower, Line – một ứng dụng nhắn tin Nhật Bản đã được cài đặt ít nhất 119.000 lần tại Mỹ trong khoảng thời gian từ ngày 13 đến 19 tháng 7, tăng 213% so với tổng số 38.000 của tuần trước. Trong khi đó, các ứng dụng nhắn tin của Mỹ như WhatsApp và Facebook Messenger đã không ghi nhận sự gia tăng đáng chú ý trong khoảng thời gian đó, cũng theo Sensor Tower.
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc liên tục gia tăng, WhatsApp, Instagram và các ứng dụng truyền thông xã hội lớn khác như Telegram và Signal bị chặn ở Trung Quốc nhưng Line, một ứng dụng nhắn tin phổ biến ở châu Á thì lại có thể là một ngoại lệ.
"Tất cả các ứng dụng nước ngoài đều bị chặn ở Trung Quốc đại lục. ... Nhưng ít nhất Line không thuộc sở hữu của một công ty Mỹ, điều này khiến chính phủ Trung Quốc sẽ nương tay hơn", Li nói.
Line, một ứng dụng được phát triển bởi “gã khổng lồ công nghệ” Naver của Hàn Quốc và gần đây đã sáp nhập với Yahoo Nhật Bản. Line - ứng dụng hiện có hơn 200 triệu người dùng toàn cầu đang hoạt động có một ưu điểm rất được người dùng ưa chuộng là kho nhãn dán hết sức phong phú của mình.
"Tôi là một fan hâm mộ lớn của Line Friends, vì vậy khi tôi bắt đầu nghĩ đến việc tìm kiếm một ứng dụng nhắn tin dự phòng, Line là ứng dụng đầu tiên nghĩ đến", Ceci - một luật sư hiện đang sinh sống ở New York và sử dụng ứng dụng WeChat để liên lạc với các đồng nghiệp của cô ở Trung Quốc hàng ngày.
Line Friends - các nhân vật hoạt hình độc đáo được tạo thành nhãn dán để sử dụng trong chức năng trò chuyện của ứng dụng - đã được sử dụng trong một loạt các sản phẩm, từ quần áo và đồ chơi đến quán cà phê, kể từ khi chúng được tách ra độc lập từ Line Corp như một công ty độc lập năm 2015. Mặc dù ứng dụng này đã từng bị chặn ở Trung Quốc, Line Friends vẫn mở hơn bảy cửa hàng tại Trung Quốc kể từ năm 2014, điều này đã giúp thương hiệu Line trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Trung Quốc hơn một số ứng dụng truyền thông xã hội nước ngoài khác.
Tuy nhiên, có nhiều khả năng tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn trong thời gian tới. Nhật Bản gần đây đã bắt đầu xem xét cấm TikTok, một động thái chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh không thể ngồi yên.
Có thể bạn quan tâm