Theo CEO WiGroup, để ổn định tỷ giá và ghìm lãi suất, NHNN sẽ vẫn phải sử dụng linh hoạt cả hai công cụ điều hành, bao gồm một phần dự trữ ngoại hối và một phần tăng lãi suất.
>>Tăng lãi suất giữ tỷ giá, cân nhắc nới thêm trần tín dụng
Tình hình vĩ mô tháng 9/2022 được đánh giá là sẽ khó khăn và thực tế đã phản ánh khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất, ảnh hưởng lớn đến thị trường chứng khoán toàn cầu, cũng như các vấn đề về tỷ giá, lãi suất tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới.
Theo ông Phan Lê Thành Long, chuyên gia tài chính đánh giá, trong phiên giao dịch đầu tháng 10, chỉ số VN-Index đã giảm xuống dưới 1.100 điểm, khiến các nhà đầu tư mới trên thị trường chứng khoán cũng có bài học đầu tiên về rủi ro thị trường chịu tác động bởi nhiều yếu tố, nhất là yếu tố vĩ mô. Ngoài ra, còn có những yếu tố mang tính tin đồn hay điểm trọng yếu liên quan tới khối ngân hàng, cụ thể là các thông tin về đến tình trạng tài chính yếu kém của ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới Credit Suisse.
Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup giải thích, chúng ta đang ở giai đoạn mà hậu quả của việc tăng lãi suất, hay thắt chặt chính sách tiền tệ bắt đầu thẩm thấu một cách rõ ràng vào các tài sản tài chính. Những đơn vị quỹ đầu tư nắm giữ nhiều tài sản tài chính, trong đó các ngân hàng đầu tư thường khá nhạy cảm với những biến động này.
Tương tự ở Việt Nam, mối lo ngại về việc tăng lãi suất ảnh hưởng đến thị trường tài chính biến động, tỷ giá, dòng tiền,... tác động đến tài sản tài chính ra sao cũng là một vấn đề đáng quan tâm. Không phải ngẫu nhiên, thị trường chứng khoán có xu hướng giảm mạnh những ngày gần đây, vì lúc này là thời điểm khá căng thẳng cả trong nước và quốc tế.
Đối với các vấn đề liên quan đến vĩ mô tháng 9 và quý 3 là điều không quá khó để nhìn thấy được, vậy bối cảnh trong thời gian tới như thế nào, Việt Nam sẽ chấp nhận tỷ giá biến động hay tăng lãi suất, khi đây là một trong hai sự lựa chọn tác động rất lớn tới dòng tiền vào thị trường? Trả lời câu hỏi lớn này, vị CEO phân tích, từ tháng 5/2022 đến nay, Việt Nam đã có khoảng 4 lần tăng tỷ giá chào bán, nhưng tình hình vẫn tương đối căng thẳng và biến động từ 22.700 - 24.000 VND/USD vẫn chưa có xu hướng được xoa dịu.
“Song cũng phải nhìn nhận, tỷ giá của Việt Nam chỉ biến động khoảng 4,3%, còn các quốc gia khác như Nhật Bản, khối EU đã mất giá tiền tệ lên tới 17 - 18%. Như vậy, ngoại trừ việc mất giá so với USD thì VND vẫn là một đồng tiền tăng giá so với các đồng tiền khác.
Để ghìm tỷ giá ở mức thấp, NHNN đã phải liên tục bán USD ra, dẫn đến dự trữ ngoại hối giảm từ hơn 110 tỷ USD xuống khoảng 87 tỷ USD. Hiện dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang chạm mức cảnh báo và nếu tiếp tục dùng dự trữ ngoại hối để dìm đà tăng của tỷ giá là rất khó. Do đó, nếu không dùng dự trữ ngoại hối đủ nhiều thì sẽ phải sử dụng công cụ tiếp theo là tăng lãi suất”, ông Báu nói.
>>Giá của ổn định tỷ giá
Vị CEO WiGroup cho biết thêm, khi Fed tăng lãi suất từ xấp xỉ 0% - 3,25%, tức là Fed đã tăng 3% lãi suất, thì từ lúc đó đến bây giờ, Việt Nam cũng đã tăng lãi suất Chính phủ và liên ngân hàng từ 1% lên 5%, nghĩa là bản thân Việt Nam cũng đã tăng lãi suất khoảng 4 - 5% - mức tăng nhiều hơn lãi suất Fed Fund Rate. Có thể thấy, NHNN buộc phải nhấc nền lãi suất để giảm tải áp lực tỷ giá và chênh lệch âm lãi suất. Trong lần điều chỉnh lãi suất vừa rồi, NHNN Việt Nam cũng tạo ra vùng lãi suất mục tiêu ở khoảng 4 - 5%.
“Về lãi suất và tỷ giá thời gian này, NHNN vẫn phải dùng cả hai công cụ, một phần dự trữ ngoại hối, một phần tăng lãi suất và tiếp tục để cho VND mất giá từ nay đến cuối năm thêm khoảng 1%. Có một vấn đề cần tính toán lại đó là cán cân tổng thể vừa qua âm khoảng 5 tỷ USD, nếu quý 3/2022 âm tiếp 5 tỷ USD, thì về cơ bản lượng ngoại tệ ròng chảy ra khỏi Việt Nam chỉ khoảng hơn 10 tỷ USD. Trong khi NHNN phải bán ra 20 tỷ USD, điều đó chứng tỏ đang có nhu cầu đầu cơ về USD nội tại trong nền kinh tế Việt Nam, chứ không hẳn nền kinh tế cần ngần đó tiền.
Thời gian qua, Việt Nam không tăng mạnh lãi suất vì sợ tăng trưởng kinh tế sẽ bị chậm lại, nhưng thực tế các dự báo cho thấy kinh tế toàn cầu và Việt Nam trong năm 2023 sẽ chậm lại từ quý 4. Lãi suất có tăng thì cũng chỉ từ 1-1,5%, do đó, tác động đến tăng trưởng kinh tế không quá lớn. Với mức độ tăng lãi suất khoảng 1-2%, thì áp lực cũng đã phản ánh vào hiện tại, nên đâu đó sẽ không còn phản ánh quá nhiều nữa.
Nếu chấp nhận ghìm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế và buông tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến hoạt động vay ngoại tệ khối tư nhân đã tăng trưởng mạnh mẽ, từ 500 tỷ vào năm 2014 lên 2 triệu tỷ ở thời điểm hiện tại”, CEO WiGroup phân tích.
Đáng chú ý, dòng vốn ngoại hiện nay đang khá nhạy cảm trước thông tin về tỷ giá ở các quốc gia mới nổi và đang phát triển. Nếu Việt Nam phát tín hiệu ra thị trường là không kiểm soát tỷ giá, thì áp lực về dòng vốn ngoại trong ngắn hạn sẽ mạnh hơn nữa. Ông Báu dự báo, cơ quan quản lý đâu đó sẽ chấp nhận tỷ giá mất giá, nhưng vẫn phát tín hiệu ra thị trường về việc kiểm soát tỷ giá bằng nâng lãi suất hay bằng dự trữ ngoại hối.
Có thể bạn quan tâm
17:11, 04/10/2022
17:10, 04/10/2022
16:00, 02/10/2022
13:30, 29/09/2022
15:57, 27/09/2022