Lỗ hổng trong đấu thầu, đấu giá - Bài 1: Khi quan chức… nhúng chàm

Diendandoanhnghiep.vn Chia nhỏ gói thầu để áp hình thức chỉ định thầu, đưa tiêu chí “đặc thù” để nhà thầu quen mặt có thể thắng thầu… là những hiện tượng đang gây bức xúc trong dư luận trong thời gian qua.

Nhiều vụ việc đã được cơ quan chức năng phát hiện, khởi tổ vụ án, khởi tố bị can liên quan vì trực tiếp hoặc gián tiếp gây thiệt hại tài sản của Nhà nước, Nhân dân nhưng nhiều lỗ hổng pháp lý trên lĩnh vực đấu thầu, đấu giá vẫn chưa thể khắc phục kịp thời.

Báo động vi phạm đấu thầu, đấu giá

Để hoàn thiện cơ sở hành lang pháp lý, tạo minh bạch, công khai, từ năm 2013 Quốc hội đã thông qua Luật Đấu thầu, quy định rất rõ những hành vi nghiêm cấm trong quá trình đấu thầu. Luật Giá năm 2012 và hàng loạt Nghị định, Thông tư liên quan để hướng dẫn thực hiện, thi hành cũng đã được ban hành, áp dụng.

Riêng về Luật Đấu thầu, đến ngày 28/2/2020, Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 25/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/4/2020 thay thế Nghị định số 30/2015/NĐ-CP hướng dẫn về Luật Đấu thầu cũng có nhiều quy định mới liên quan đến lựa chọn nhà thầu.

Được biết, tại Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 quy định 9 hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu, lựa chọn nhà thầu gồm: Đưa, nhận, môi giới hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn để can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động đấu thầu;  Không bảo đảm công bằng, minh bạch; Gian lận, thông thầu…

Trong đó, hành vi chia dự án, dự toán mua sắm thành các gói thầu trái với quy định của Luật này nhằm mục đích chỉ định thầu hoặc hạn chế sự tham gia của các nhà thầu theo quy định tại Điều 89 của Luật Đấu thầu năm 2013 cũng được quan tâm.

Đặc biệt, hành vi thông thầu để bắt tay “thổi giá” vật tư, vật liệu…trong đấu thầu, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước, bỏ túi, tư lợi cá nhân đã xảy ra trong thời gian qua, gây bức xúc trong dư luận.

Nhiều vụ việc đã bị cơ quan chức năng tiến hành khởi tố, bắt tạm giam các cá nhân liên quan đến vi phạm nhưng sự việc vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Hàng loạt các vụ việc vi phạm những điều cấm trong Luật Đấu thầu đã bị phát hiện, phanh phui ở các địa phương trên địa bàn cả nước.

Và, “miếng bánh vẽ” trong hoạt động đấu thầu ở ngành y tế, giáo dục cũng đã được cơ quan có thẩm quyền tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can ở Tp Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Điện Biên, Quảng Ninh…

Các bị can nguyên là cựu lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội bị cơ quan chức năng tống đạt các quyết định khởi tố, bắt tam giam vì liên quan đến vi phạm trong đấu thầu,p/

Các bị can nguyên là cựu lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội bị cơ quan chức năng tống đạt các quyết định khởi tố, bắt tam giam vì liên quan đến vi phạm trong đấu thầu cung cấp thiết bị, vật tư Y tế (ảnh: Bộ Công an)

Đơn cử, mới đây cơ quan CSĐT Bộ Công an đã tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bắt tạm giam 9 bị can xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội.

Trong đó, 04 bị can nguyên là lãnh đạo của Bệnh viện Tim Hà Nội gồm Hoàng Thị Ngọc Hưởng (Phó Giám đốc), Nguyễn Thị Dung Hạnh (Kế toán trưởng), Đoàn Trọng Bình (Phó trưởng Phòng phụ trách Phòng Vật tư) và Nghiêm Tuấn Linh (Phó phòng Vật tư) vi phạm liên quan đến hành vi làm tăng chi phí, gây thiệt hại tài sản cho Nhà nước và người bệnh, gây thất thoát trên 40 tỷ đồng tại 02 gói thầu mua sắm thiết bị, vật tư trong thời gian qua.

Vào tháng 9/2021, ông Nguyễn Đức Chung (nguyên Chủ tịch UBND Tp Hà Nội) đã bị Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành cáo trạng vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội và một số đơn vị liên quan khác khi còn đương chức. Theo đó, lúc còn đương chức Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp năm 2016 tại Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội…

Siết chặt “barie” để răn đe vi phạm

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, những cá nhân, tổ chức vi phạm liên quan đến hoạt động đấu thầu, đấu giá đã được pháp luật xử lý, xử phạt bằng các bản án thích đáng để răn đe, giáo dục.

Nhưng thực tế, các hành vi vi phạm trên lĩnh vực này đang ngày càng có dấu hiệu tinh vi, dùng nhiều thủ thuật để qua mặt các cơ quan chức năng. Cá biệt, một số cá nhân, tổ chức mặc dù được pháp luật giao thẩm quyền để thực thi nhưng vẫn cố tình lợi dụng để bỏ lọt sai phạm, tiếp tay cho thông thầu, thổi giá thầu…nhằm trục lợi bất chính.

Ngay như hành vi “thổi giá” thiết bị y tế khiến hàng loạt cựu quan chức công tác trên lĩnh vực này “dính chàm” cũng cho thấy, nếu không có sự thông đồng, tiếp tay thì đơn vị dự thầu, thẩm định thầu làm sao có thể qua mặt được? Trong khi đó, theo Luật Giá năm 2012 vẫn không quy định cơ quan nào, cấp nào có quyền hậu kiểm kết quả thẩm định của cá nhân, tổ chức được giao thẩm định giá. Chỉ đến khi bị phát giác, cơ quan chức năng mới vào cuộc thì hậu quả đã xảy ra khó có thể khắc phục được.

Nhiều sai phạm liên quan đến các gói thầu cung cấp vật tư, thiết bị Y tế

Nhiều sai phạm liên quan đến các gói thầu cung cấp vật tư, thiết bị Y tế đã được phanh phui, phát hiện trong thời gian qua (ảnh minh hoạ)

Chính vì vậy, khi được giao nhiệm vụ thẩm định giá của gói thầu, một số doanh nghiệp đã dễ dàng qua mặt cơ quan chức năng để tô hồng, đánh bóng tài sản để “thổi giá” lên nhằm mục đích tăng lợi nhuận ăn chia dịch vụ.

Đáng quan tâm nữa, tại Điều 42 Luật Giá 2012 đã tạo ra kẽ hở, lỗ hổng quá lớn trong công tác thẩm định giá khi giao cho doanh nghiệp đã được chủ đầu tư ký hợp đồng phần việc này như cung cấp dịch vụ thẩm định giá; Nhận thù lao dịch vụ thẩm định giá theo giá thỏa thuận với khách hàng đã ghi trong hợp đồng…

Còn liên quan đến quy định về chỉ định thầu theo Luật Đấu thầu năm 2013 cũng còn nhiều kẽ hở để tạo ra “lợi ích nhóm” dễ dẫn đến sai phạm. Điển hình như tại điểm a khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu thì các gói thầu mua thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế để triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp cấp bách…nên được nhiều chủ đầu tư áp dụng phổ biến, rõ nhất là trong thời điểm dịch COVID-19 xảy ra trong thời gian qua ở các tỉnh, thành trên cả nước.

Mặt khác, việc quy định về hạn mức chỉ định thầu được quy định tại Điều 54 Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/06/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu cũng dễ nảy sinh tình trạng chia nhỏ gói thầu, gói dự án…để thực hiện.

Vì vậy, tại một số quy định về Luật Giá năm 2012 và Luật Đấu thầu năm 2013 đang tạo ra nhiều lỗ hổng về pháp lý bị nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng gây thất thoát, thiệt hại tài sản của Nhà nước, Nhân dân. Cho nên, sự cần thiết phải áp dụng thêm các ràng buộc chặt chẽ về pháp lý, tạo các “barie” để ngăn chặn lợi ích nhóm, tư lợi cá nhân trong lĩnh vực đấu thầu, đấu giá phải sớm được triển khai, thực hiện.

Bài 2: Kẽ hở đằng sau những chính sách cấp bách

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Lỗ hổng trong đấu thầu, đấu giá - Bài 1: Khi quan chức… nhúng chàm tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713578474 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713578474 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10