Các nhà khoa học đang lo ngại, ngày càng có nhiều bệnh nhân nhiễm COVID-19 đã hồi phục nhưng gặp phải những triệu chứng suy nhược nghiêm trọng về thể chất và tinh thần.
Sau khi nhiễm COVID-19, nhiều quốc gia ghi nhận ngày càng nhiều trường hợp bệnh nhân chuyển dần thành mạn tính. Tất cả đều gặp tình trạng gần giống nhau, ban đầu mắc COVID-19 nhẹ, sau đó hàng loạt vấn đề kỳ lạ xuất hiện. Các triệu chứng tồn tại trong nhiều tuần, thậm chí hàng tháng dù bệnh nhân đã âm tính SARS-CoV-2.
Theo Guardian, kết quả một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí y khoa Plos cho biết khoảng 25% bệnh nhân COVID-19, tương đương hàng triệu người ở Mỹ có những triệu chứng kéo dài của bệnh như đau đầu, đau bụng, chóng mặt, có vấn đề về tim mạch, suy giảm nhận thức hay trầm cảm.
Các triệu chứng kéo dài của COVID-19 vừa có thể là chấn thương thể chất, song cũng có khả năng là chấn thương tinh thần. Trong số đó có chứng rối loạn chức năng gây phản ứng viêm hoặc phản ứng miễn dịch trên cơ thể. Một số trường hợp mắc bệnh nặng có thể phải chịu thương tổn vĩnh viễn.
Bên cạnh đó, hơn 80% bệnh nhân bị mệt mỏi, khó chịu, khiến cuộc sống hàng ngày gặp trở ngại. Họ không thể hoàn thành công việc đơn giản nhất. Các nghiên cứu phát hiện tình trạng mệt mỏi dai dẳng xuất hiện ở ít nhất 62% bệnh nhân COVID-19 kéo dài. Các nhà khoa học cho biết cứ 10 người từng nhiễm virus SARS-CoV-2 thì một người phát triển triệu chứng mạn tính sau 12 tuần.
Đáng lo ngại, với nhóm bệnh nhân bị suy hô hấp cấp phải thở máy rồi bình phục, kết quả cho thấy hơn 80% bệnh nhân bị suy giảm thể chất, nhận thức hoặc tinh thần sau khi rời bệnh viện.
Theo Tiến sĩ Claire Steves, bác sĩ lão khoa tại Cao đẳng King London, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân của các triệu chứng COVID-19 kéo dài. Đồng thời, việc không có cơ sở y tế cũng như phác đồ điều trị cho những người bệnh đã dẫn tới tâm lý hoang mang và lo ngại, làm trầm trọng thêm các bệnh lý về tâm lý.
Chính vì vậy, chuyên gia này khuyến cáo, các cơ quan y tế cần xem xét xây dựng các chương trình hướng dẫn bệnh nhân tự theo dõi sức khỏe. “Nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nhân cải thiện chất lượng cuộc sống một cách đáng kể khi có khả năng tự theo dõi sức khỏe. Đồng thời tạo lập mạng lưới hỗ trợ từ cộng đồng để giúp người nhiễm COVID-19 chia sẻ cảm xúc và trải nghiệm cá nhân”. - Tiến sĩ Claire Steves nói.
Mặc dù vậy, mệt mỏi, đau nhức và sương mù não là triệu chứng dai dẳng, đáng lo ngại nhất của những người nhiễm COVID-19 kéo dài. Do đó, theo Valeria Mondelli, chuyên gia miễn dịch tại Kings College London, ủng hộ thử nghiệm thuốc chống viêm cho bệnh nhân.
"Các thuốc kháng sinh như minocycline - thường dùng cho bệnh nhân có mức độ viêm cao trong máu, hoặc thuốc ức chế cytokine sẽ là lựa chọn tiềm năng", bà nói. Dù cần nghiên cứu thêm, song nhiều phân tích riêng lẻ chứng minh bác sĩ có thể điều trị hiệu quả từng triệu chứng.
Hiện nay, Tổ chức Y tế thế giới WHO đang làm việc để có các chương trình bình phục tốt hơn dành cho người đang bị "COVID-19 kéo dài", đồng thời mở rộng nghiên cứu để hiểu biết hơn về triệu chứng này cũng như cách chữa trị.
Bên cạnh đó, đã có bằng chứng cho thấy việc tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 có thể giúp giảm bớt các triệu chứng kéo dài. Một báo cáo do nhóm LongCovidSOS thực hiện đã xem xét tác động của việc tiêm chủng đối với những người bị COVID -19 kéo dài.
Kết quả cho thấy rằng 56,7% trong số 900 người được hỏi cho biết, vaccine đã góp phần giảm nhẹ các triệu chứng của họ. Đặc biệt, triệu chứng ở người tiêm đủ hai liều vaccine nhẹ hơn. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, việc tiêm chủng vaccine là rất cần thiết, không chỉ ngăn chặn quy cơ bệnh tiến triển nặng, mà còn góp phần giảm các biến chứng của COVID-19 kéo dài.
Có thể bạn quan tâm
COVID-19 có dễ trở thành bệnh thông thường?
05:50, 14/09/2021
Sống chung với COVID-19: Đan Mạch - Hình mẫu thẻ xanh vaccine
11:06, 13/09/2021
"Nóng" cuộc đua phát triển vaccine COVID-19 cho trẻ em dưới 12 tuổi
07:28, 13/09/2021
Sống chung với COVID-19: Mỹ tung chiến lược 6 mũi nhọn chống dịch
11:30, 12/09/2021