Mặc dù đã có nhiều chuyển biến tích cực trong những năm qua, tuy nhiên, theo các doanh nghiệp chất lượng của các văn bản pháp luật chưa thực sự tốt, đặc biệt, là các văn bản hướng dẫn thực thi...
>> Chính sách tiền tệ Việt Nam nhìn từ ảnh hưởng của Fed
Nhằm nhận diện các vấn đề và tìm kiếm các giải pháp nâng cao chất lượng của văn bản pháp luật về kinh doanh, ngày 11/11, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Chất lượng của quy định và sự thuận lợi của môi trường kinh doanh”. Hội thảo được thực hiện trong khuôn khổ Dự án Tăng cường tiếng nói của doanh nghiệp trong việc giám sát và thực hiện tái cơ cấu kinh tế (thuộc Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam – Aus4Reform).
Thông tin tại Hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng thư ký, Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho biết, dù đã có nhiều động thái thúc đẩy cải cách nhưng trên thực tế doanh nghiệp vẫn phản ánh tình trạng vướng mắc, bất cập khi thực hiện các hoạt động kinh doanh. Điều này một phần xuất phát từ việc chất lượng của các văn bản pháp luật chưa thực sự tốt, đặc biệt là các văn bản hướng dẫn thực thi.
Theo ông Tuấn, Báo cáo “Chất lượng của Thông tư, công văn với hiệu quả của cải cách thể chế” được công bố tại Hội thảo có nêu thực trạng thông tư vẫn còn quy định về điều kiện kinh doanh — điều bị cấm trong Luật Đầu tư 2020; các quy định tại thông tư vẫn còn chưa đảm bảo tính thống nhất, minh bạch, khả thi, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đặc biệt, có những Thông tư bị đình chỉ thi hành khi vừa mới phát sinh hiệu lực trong thời gian ngắn.
>>FED tăng lãi suất (Kỳ I): Tác động đến các nền kinh tế
Cụ thể, Báo cáo cho rằng, có những Thông tư ban hành điều kiện kinh doanh “công khai”, có những Thông tư lại ban hành điều kiện kinh doanh ở dạng “ẩn”, lồng ghép trong các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Ví dụ như bộ quy tắc “thực hành tốt” trong kinh doanh dược, “thực hành tốt” đặt ra các yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân lực nên cũng có tính chất như là điều kiện kinh doanh, buộc doanh nghiệp phải đáp ứng nếu muốn gia nhập và hoạt động trong lĩnh vực này.
“Việc Thông tư ban hành điều kiện kinh doanh sẽ khiến môi trường đầu tư, kinh doanh trở nên kém thuận lợi; rào cản từ các điều kiện kinh doanh được ban hành mà không được giám sát chặt chẽ bởi các cơ quan Nhà nước cũng như cộng đồng doanh nghiệp”, ông Tuấn chia sẻ.
Bên cạnh những nội dung đã nêu, Báo cáo của VCCI cũng chỉ rõ vấn đề về tình trạng lạm dụng ban hành Thông tư trong một số ngành, lĩnh vực, việc áp dụng pháp luật bị lệ thuộc quá lớn vào Thông tư…
Xoay quanh thực tế đã nêu, tại Hội thảo, nhiều ý kiến cũng cho rằng, đáng lo ngại là doanh nghiệp ít có cơ hội đóng góp ý kiến đối với phiên bản dự thảo cuối cùng của Thông tư trước khi được ban hành, nên đã từng có Thông tư vừa được ban hành đã phải tạm ngừng, điển hình như Thông tư 15/2019/TT-BKHCN về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thép không gỉ bị ngưng hiệu lực sau 8 tháng ban hành… Hệ quả là cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước phải mất nhiều chi phí, thời gian để “làm lại từ đầu” trước khi quyết định tạm hoãn hiệu lực của văn bản này.
Thông tin tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hiệp hội Bệnh viện tư nhân Việt Nam cho biết, Thông tư đang làm khổ doanh nghiệp, chưa kể các Thông tư dạng này thường to hơn Nghị định.
“Thông tư còn nguy hiểm hơn tham nhũng, vì Thông tư chất lượng kém khiến doanh nghiệp không làm được, cản trở doanh nghiệp thì người dân không có việc làm, Nhà nước không thu được ngân sách… Đáng ra, Thông tư là thúc đẩy doanh nghiệp làm theo luật, khoanh trước cho doanh nghiệp những vùng cấm”, ông Đệ bày tỏ.
Tại Hội thảo, một số ý kiến cũng cho rằng, nếu không làm rõ các vấn đề đã nêu, tình trạng luật ống, luật khung, thậm chí Thông tư to hơn Nghị định như ông Đệ nói sẽ trở lại.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) cho rằng, nghiên cứu của VCCI đưa ra sớm thì tốt hơn nhiều. Trong bất động sản, 12 luật liên quan, mà không luật nào theo luật nào, nên doanh nghiệp như trong một mớ bòng bong, nhiều cuộc gặp tháo gỡ vẫn chưa xong.
“Nếu nói ách tắc thì chắc nói suốt ngày không hết, nhiều văn bản trớ trêu”, ông Hiệp chia sẻ.
Theo ông hiệp, sự trớ trêu này nằm cả ở Luật, Nghị định, đơn cử, Luật Nhà ở quy định bảo hành là của chủ đầu tư là 60 tháng với nhà chung cư, Luật Xây dựng quy định thời hạn bảo hành tối đa đối với công trình cấp đặc biệt và cấp 1 cũng chỉ tối đa là 24 tháng.
“Hai văn bản Luật này đều do Bộ Xây dựng được giao chủ trì soạn thảo, nhưng do 2 Cục của Bộ chắp bút thôi mà đã ra hai quy định khác nhau về cùng 1 vấn đề. Tôi đã chất vấn Bộ Xây dựng nhưng không ai trả lợi được. Doanh nghiệp không biết thực hiện thế nào, nên có doanh nghiệp nói với tôi họ không dám đầu tư nữa”, ông Hiệp chia sẻ.
Cũng chia sẻ về thực trạng đã nêu, bà Trần Ngọc Ánh - Đại diện Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN cho hay, thực tế các doanh nghiệp tham gia góp ý nhiều văn bản, nhưng cũng không biết được tiếp thu thế nào, nhưng khi văn bản ra thì lại không thấy tiếp thu, không thực hiện được, đến mức có trường hợp cơ quan quản lý phải ra công văn để xử lý.
Nhưng ở hình thức công văn, nhiều khi doanh nghiệp nhận được mà không biết vận dụng ra sao, vì cách trả lời "liệt kê các quy định hiện có" trong khi doanh nghiệp cần là làm theo quy định nào thì không rõ.
Theo bà Ánh, còn có nỗi khổ từ các quy định không tương thích với các quốc gia khác, nên nhiều doanh nghiệp bị phạt, không cho thông quan, vì vậy, phải cải cách từ phương pháp làm văn băn quy phạm pháp luật.
“Quy định là do con người tạo ra, muốn cởi trói thì phải tháo bỏ mọi rào cản”, bà Ánh bày tỏ.
Không chỉ những ý kiến đã nêu, xoay quanh hội thảo, đại diện Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp và các chuyên gia cũng nêu nhiều quan ngại xung quanh việc xây dựng và ban hành chính sách của các đơn vị, cơ quan quản lý Nhà nước.
Được biết, nhằm tăng cường chất lượng văn bản, tiếp tục tiến trình cải cách, tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, trong Báo cáo nghiên cứu của mình, VCCI đã đề xuất 5 kiến nghị: Minh bạch quy trình xây dựng Thông tư; Có tiêu chí về điều kiện kinh doanh; Kiểm soát việc ủy quyền cho Thông tư từ Luật; Nâng cao chất lượng báo cáo RIA (đánh giá tác động); Minh bạch về quy trình tiếp nhận phản ánh vướng mắc.
Có thể bạn quan tâm
Đẩy mạnh cải cách quản lý thuế, tạo môi trường kinh doanh minh bạch
14:39, 20/10/2022
Yên Bái nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh
14:09, 22/07/2022
Báo chí – Tiếng nói tích cực góp phần cải thiện môi trường kinh doanh
03:50, 21/06/2022
Tiếng nói phản biện: Thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh
03:50, 18/06/2022
Quảng Ninh tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư FDI
01:23, 11/11/2022