Mặc dù các yếu tố thúc đẩy của các lĩnh vực là khác nhau, có bảy nguyên tắc dường như áp dụng cho tất cả lĩnh vực, được xem như một lộ trình hướng tới các chuỗi cung ứng không phát thải.
Theo nghiên cứu mới công bố của HSBC và Boston Consulting Group (BCG), một nửa trong tổng số 100 nghìn tỷ đô Mỹ đầu tư cho các chuỗi cung ứng để cân bằng khí thải sẽ cần được rót vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Điều này đã nhấn mạnh vai trò của một mặt trận mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Nghiên cứu “Hướng đến các chuỗi cung ứng cân bằng khí thải” tính toán rằng các doanh nghiệp SME trên toàn cầu cần từ 25 đến 50 nghìn tỷ đô Mỹ, nhưng việc tập trung vào phân khúc này sẽ càng tạo thêm sự phức tạp cho những thách thức khí hậu, do các doanh nghiệp SME thường ít có chuyên môn trong vấn đề khí hậu, và việc tiếp cận các nguồn vốn để thực hiện các hoạt động chuyển đổi chống biến đổi khí hậu còn hạn chế.
Nghiên cứu cho thấy rằng giải quyết các vấn đề này không chỉ dừng lại ở việc đưa ra những chính sách khuyến khích các doanh nghiệp SME cộng tác với nhau trong việc chia sẻ công nghệ, nguồn lực và bí quyết để tạo nên hành động thực tế. Thách thức lớn hơn có thể là sự cần thiết thay đổi mang tính quy mô lớn về mặt sản phẩm, mô hình kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp. Cuối cùng, do sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các công ty và nhu cầu chuyển đổi kinh tế toàn diện, các chuỗi cung ứng trở thành chìa khóa mấu chốt.
Nghiên cứu đã xác định rằng cần phải có một ‘cuộc thử thách về vai trò lãnh đạo' liên quan đến nhiều tác nhân. Kết quả cho thấy các công ty lớn không thể chỉ yêu cầu các tiêu chuẩn mới và ‘đòi hỏi nhiều hơn’ ở các nhà cung ứng của họ, vì điều này sẽ dẫn đến việc chậm tiến độ và không đạt được mục tiêu. Thay vào đó, để đạt hiệu quả, họ cần cùng nhau đầu tư và cung cấp thanh khoản thông qua hoạt động tài trợ chuỗi cung ứng, chia sẻ kiến thức và nguồn lực liên quan đến sự chuyển đổi này, đồng thời giúp tuyên truyền về đổi mới và công nghệ trong chuỗi cung ứng.
Các chính phủ sẽ cần thiết lập các chính sách ưu đãi để cân bằng lại phương trình kinh tế hoặc áp đặt sự thay đổi thông qua các chính sách về công bố thông tin đồng thời đảm bảo sự đồng bộ giữa các khu vực tài phán. Các cơ quan ban ngành và các tổ chức phi chính phủ sẽ cần phổ biến kiến thức và nguồn lực, vận động hành lang để thay đổi - sử dụng chuyên môn trong lĩnh vực của họ để hỗ trợ các nhà cung ứng và phát triển các tiêu chuẩn của ngành. Đồng thời, người tiêu dùng sẽ cần phải chấp nhận sự thỏa hiệp về giá cả, hình thức hoặc chức năng và sẵn sàng phản ứng, ngay cả khi điều đó có nghĩa là họ phải thay đổi thói quen.
Các ngân hàng sẽ có vai trò độc nhất để hỗ trợ bất kể khách hàng ở quy mô nào. Họ có thể tách riêng quỹ tài trợ tập trung cho các hoạt động chuyển đổi, sử dụng dữ liệu và kinh nghiệm phong phú của mình để dự đoán các dự án có thể mang lại tác động và đưa ra các xem xét việc quản lý rủi ro liên quan đến cân bằng khí thải. Ngoài ra, ngân hàng cũng có thể hợp tác với khách hàng trong các chương trình tài trợ chuỗi cung ứng bền vững nhằm giảm chi phí vay vốn cho các doanh nghiệp SME, và trong khi tiếp tục tạo điều kiện đầu tư thông qua thị trường vốn và hợp vốn, các ngân hàng cũng cần hợp tác nhiều hơn với các chính phủ và ngân hàng phát triển trong các dự án hợp tác công-tư (PPP) để có thể gia tăng tài trợ hơn.
Nhận xét về kết quả nghiên cứu, bà Natalie Blyth, Giám đốc toàn cầu Trung tâm thanh toán quốc tế và tài trợ chuỗi cung ứng của Tập đoàn HSBC, cho biết: “Mặc dù việc ngày càng nhiều doanh nghiệp lớn tham gia thực hiện cam kết cân bằng khí thải là một tín hiệu tích cực, nhưng thực tế là việc kiểm soát phát thải một cách gián tiếp từ các hoạt động của đối tác trong chuỗi giá trị (thuộc 'Phạm vi 3' theo Tiêu chuẩn Khí nhà kính - Greenhouse Gas Protocol) sẽ cực kỳ khó khăn nếu không có các hành động khẩn cấp hỗ trợ các doanh nghiệp SME. Báo cáo này nhấn mạnh vai trò của một mặt trận mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và xây dựng liên minh, phá bỏ các rào cản giữa các chuỗi cung ứng và các bên liên quan, đồng thời chuyển đổi chuỗi cung ứng một cách toàn diện.”
Lộ trình chuyển đổi
Báo cáo dựa trên một nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực ô tô và dệt may vì đây là hai lĩnh vực đại diện cho hai điểm cuối của chuỗi cung ứng. Mặc dù các yếu tố thúc đẩy của các lĩnh vực là khác nhau, có bảy nguyên tắc dường như áp dụng cho tất cả lĩnh vực, được xem như một lộ trình hướng tới các chuỗi cung ứng không phát thải.
Xem lại thiết kế sản phẩm. Thay vì chỉ tối ưu hóa các quy trình hiện có, hãy xem lại thiết kế sản phẩm. Nếu chỉ giải quyết các vấn đề ở ngọn sẽ không thể xây dựng được chuỗi cung ứng cân bằng khí thải, cần phải có sự đánh giá toàn diện về cách mọi người sử dụng sản phẩm và cách chúng được tạo ra.
Đề cao sự hợp tác. Chuỗi cung ứng không cân xứng thể hiện ở việc nhân tài, giáo dục và nguồn lực chất lượng hàng đầu tập trung ở một đầu, trong khi nhiều doanh nghiệp SME nhỏ hơn, kém phức tạp hơn trong chuỗi cung ứng cần được giúp đỡ. Tất cả đều cần hợp tác để thành công: chia sẻ kiến thức, công nghệ, đầu tư và nguồn lực.
Xây dựng năng lực cần thiết cho sự thay đổi. Quá trình chuyển đổi sẽ bộc lộ những lỗ hổng về kỹ năng và kiến thức, nhất là với các nhà cung ứng SME. Đào tạo và phát triển năng lực sẽ giúp đẩy nhanh sự chuyển đổi này.
Đầu tư vào công nghệ khí hậu. Để đạt mục tiêu cân bằng khí thải vào năm 2050, cần đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát triển ngay từ bây giờ cùng với việc hợp tác chặt chẽ giữa ngành công nghiệp, khoa học và tài chính nhằm thúc đẩy việc ứng dụng cải tiến vào thị trường ở quy mô lớn.
Phát triển cấu trúc dữ liệu tốt hơn. Cần phải xây dựng các hệ thống có thể thu thập dữ liệu hoạt động trên toàn bộ chuỗi cung ứng, nhờ đó giúp các chỉ số ESG minh bạch, nhất quán và có thể so sánh được phổ biến rộng rãi, bao gồm cả việc phổ biến cho người tiêu dùng cuối cùng để họ có thể đưa ra các quyết định tại thời điểm mua hàng.
Suy nghĩ về chính sách và tiêu chuẩn một cách tổng thể. Sự thiếu nhất quán trước giờ trong các chính sách, tiêu chuẩn và thông lệ thị trường đã dẫn đến việc các doanh nghiệp phải tuân theo các yêu cầu thay đổi không ngừng của đối tác - làm tăng tính phức tạp và chi phí. Cần tăng tốc trong việc đưa ra tính nhất quán. Các chuỗi cung ứng xuyên biên giới và cần có các chính sách với tiêu chuẩn chung cao và khả thi.
Kích hoạt tài chính. Nguồn vốn phù hợp, có giới hạn và mục tiêu là yếu tố quan trọng, nhưng các ngân hàng sẽ không thể thực hiện một mình. Các ngân hàng cần tiếp cận với các cơ chế để cùng nhau hợp tác (ví dụ: hợp vốn), cùng đầu tư với các doanh nghiệp và hình thành các quan hệ đối tác công - tư (PPP) để tài trợ cho những nơi cần thiết nhất. Điều này đòi hỏi cấu trúc dữ liệu phù hợp, có tính minh bạch và khả năng truy nguyên nguồn vốn – cho thấy chúng được đưa đến đâu, sử dụng như thế nào và bởi ai.
Ông Sukand Ramachandram, Giám đốc Điều hành và Đối tác Cấp cao, BCG, cho biết: “Chúng ta không thể đạt được các mục tiêu về khí hậu mà không có sự thay đổi của các doanh nghiệp SME, và báo cáo này đưa ra lộ trình cho sự chuyển đổi đó. Các chính phủ, ngành công nghiệp và công ty có tư duy tiến bộ sẽ để mắt đến cơ hội kinh tế dành cho những người có thể truyền cảm hứng và khuyến khích mọi người, đồng thời đi tiên phong từ tham vọng đến hành động".
Có thể bạn quan tâm
IMF: Đứt gãy chuỗi cung ứng và sức ép giá đang kiềm chế đà phục hồi
03:55, 15/10/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Đảm bảo sản xuất và chuỗi cung ứng
04:00, 06/10/2021
Chuỗi cung ứng và niềm tin nhà đầu tư
04:00, 28/09/2021
Phục hồi chuỗi cung ứng bằng công nghệ logistics đột phá
12:08, 26/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Tiêm vaccine liên tỉnh bao phủ chuỗi cung ứng
15:14, 25/09/2021
[Infographic] Kết nối chuỗi cung ứng
11:00, 15/09/2021