LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Còn nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển

ĐÌNH ĐẠI - QUÂN BẢO 08/09/2023 14:40

Đó là đánh giá của Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công tại Diễn đàn Liên kết phát triển logistics – Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ.

>> LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Khu thương mại tự do - đột phá phát triển kinh tế

Phát biểu tại Diễn đàn Liên kết phát triển logistics – Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); UBND Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp Hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Sở Công Thương Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phối hợp tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày 08/09/2023, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá, Đông Nam Bộ là thị trường đầy tiềm năng và hấp dẫn cho ngành logistics phát triển. Bởi tính sơ bộ, hoạt động thương mại của vùng diễn ra sôi động, đóng góp khoảng 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, ngành logistics của vùng Đông Nam Bộ còn có nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển hơn nữa trong những năm tới đây thông qua một loạt chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước được ban hành gần đây.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công

Theo đó, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022  của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã xác định mục tiêu đến năm 2030 “Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước; trung tâm khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực”.

Nghị quyết cũng nêu rõ định hướng: “Phát triển mạnh, đồng bộ hệ thống logistics cấp quốc gia, quốc tế gắn với cảng biển; đầu tư phát triển hệ thống logistics cảng và cảng trung chuyển quốc tế tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Hình thành khu Thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ; và ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng KTXH, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông”.

Bên cạnh đó, ngày 09/01/2023, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 81/2023/QH15 về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, trong đó định hướng: “Tập trung phát triển cảng Cái Mép - Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế, gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.”

Đặc biệt, ngày 11/7/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 825/QĐ-TTg thành lập Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ. Việc Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng cũng cho thấy tầm quan trọng của yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở Đông Nam Bộ. Đáng lưu ý, 2 trong 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm của Hội đồng được nêu rõ “Điều phối trong lĩnh vực đô thị, logistics, dịch vụ chất lượng cao gồm trung tâm tài chính, trung tâm logistics vùng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số”.

“Hiện tại vùng Đông Nam Bộ có khoảng 14.800 doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics, chiếm gần 50% tổng số doanh nghiệp logistics cả nước. Đây là một tỷ trọng rất cao. Trong đó, tập trung chủ yếu tại TP.HCM với hơn 11.000 doanh nghiệp, Bình Dương gần 1.700 doanh nghiệp và Đồng Nai hơn 1.200 doanh nghiệp. Vùng đảm nhận 45% tổng khối lượng hàng hóa và hơn 60% khối lượng hàng container của cả nước thông qua hệ thống cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh), Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu)”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công thông tin. 

Diễn đàn Liên kết phát triển logistics – Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ.

Toàn cảnh Diễn đàn Liên kết phát triển Logistics – Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ.

Cũng theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng chỉ ra một hạn chế của vùng Đông Nam Bộ là “Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội vùng và liên vùng còn thiếu, yếu, chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển và sức lan toả của vùng”.

Ông cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp trong ngành logistics đã có sự đầu tư khá tốt về hạ tầng và công nghệ. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thể tự kết nối hạ tầng giữa các tỉnh, thành trong vùng, giữa khu sản xuất chế biến, khu công nghiệp với cảng, sân bay và giữa vùng với các thị trường. Các doanh nghiệp có thể đầu tư vào chính cơ sở của mình như kho, bãi, cảng, v.v. nhưng về kết nối thì doanh nghiệp không làm được.

Ngoài ra, Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đưa ra chủ trương “Hình thành Khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ”, đây là một chủ trương mới, nhằm tạo không gian đặc thù, tạo động lực thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ, đóng vai trò làm “đầu tàu” kéo theo sự phát triển của cả Vùng và cả nước.

“Để đạt mục tiêu có cảng trung chuyển quốc tế, cần có các khu thương mại tự do để trợ lực, tạo sức thu hút cho hàng hóa đến cảng, trong đó, liên kết nội vùng, liên vùng có vai trò đặc biệt quan trọng”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đánh giá.

Ông Công cũng cho rằng, việc hình thành phát triển khu thương mại tự do sẽ giúp tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung tạo đột phá trong phát triển kinh tế bởi các lợi ích hình thành một hệ sinh thái thương mại và logistics hoàn chỉnh để nâng cao sức cạnh tranh của địa phương và khu vực, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thúc đẩy phát triển sản xuất, thương mại, dịch vụ trực tiếp tại nội khu thương mại tự do, tạo ra cơ hội mời gọi các doanh nghiệp hàng đầu thế giới tới tham gia hoạt động và đầu tư.

Do đó, ông đánh giá cao, việc Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp cùng với Hiệp Hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã có sáng kiến phối hợp với Sở Công thương, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tổ chức Diễn đàn Liên kết phát triển logistics hôm nay.

Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đề nghị các đại biểu tham dự Diễn đàn tích cực trao đổi thông tin, thảo luận về định hướng phát triển logistics của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và các địa phương Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam; nhận diện điểm nghẽn trong chuỗi hoạt động logistics; nhận diện khó khăn trong phát triển của doanh nghiệp logistics của Vùng; đồng thời bàn về các giải pháp thúc đẩy liên kết vùng, phát triển chuỗi logistics vùng Đông Nam Bộ; mô hình quốc tế về phát triển liên hợp cảng kết hợp khu thương mại tự do - gọi cho mô hình lý tưởng cho Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ; hoàn thiện hạ tầng logistics cho phát triển vận tải đa phương thức…

“Tôi tin tưởng, các vị lãnh đạo các địa phương trong vùng, các chuyên gia trong và ngoài nước và chính các doanh nghiệp tham dự Diễn đàn ngày hôm nay sẽ cùng nhau tìm ra các giải pháp để định hướng quy hoạch, liên kết phát triển nhằm tăng sức cạnh tranh cho ngành logistics cũng như biến tiềm năng ngành này trở thành động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông nam Bộ”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ thêm.

Có thể bạn quan tâm

  • Thúc đẩy quan hệ hợp tác VCCI - Bà Rịa Vũng Tàu, hỗ trợ doanh nghiệp

    Thúc đẩy quan hệ hợp tác VCCI - Bà Rịa Vũng Tàu, hỗ trợ doanh nghiệp

    13:00, 08/09/2023

  • LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ (Bài 2): Bài toán thu hút hàng hoá khu vực

    LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ (Bài 2): Bài toán thu hút hàng hoá khu vực

    12:50, 08/09/2023

  • LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ (Bài 1): Nhiều điểm nghẽn “kìm chân”

    LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ (Bài 1): Nhiều điểm nghẽn “kìm chân”

    12:03, 07/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Còn nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO