LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Khu thương mại tự do - đột phá phát triển kinh tế

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) 06/09/2023 09:42

Nghị quyết 24 đề ra nhiệm vụ, giải pháp về “Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ”.

>>LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Vai trò kết nối của đường thủy nội địa

 Cảng Cái Mép-Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hội tụ đầy đủ lợi thế để phát triển thành trung tâm logistics của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Cảng Cái Mép-Thị Vải, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hội tụ đầy đủ lợi thế để phát triển thành trung tâm logistics của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020, vùng Đông Nam Bộ trở thành vùng kinh tế đóng góp hàng đầu cho kinh tế cả nước.

Tận dụng tiềm năng

Trên cơ sở đánh giá thực trạng phát triển vùng Đông Nam Bộ, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đáng lưu ý, Nghị quyết 24 đề ra nhiệm vụ, giải pháp về “Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ”.

Theo cách hiểu phổ biến nhất, khu thương mại tự do có đặc thù là khu vực địa lý nằm trên một quốc gia hay vùng lãnh thổ, nhưng không áp dụng thuế xuất nhập khẩu và các biện pháp quản lý thương mại. Nếu sớm triển khai hiệu quả, giải pháp này sẽ giúp Bà Rịa-Vũng Tàu tận dụng hiệu quả các tiềm năng và cơ hội trong bối cảnh mới. Cụ thể là, thứ nhất, hàng hóa của các nước và vùng lãnh thổ, dù có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam hay không, đều có thể được chuyển đến, xử lý, chế biến, chia tách, đóng gói, gia công tại khu thương mại tự do của Bà Rịa-Vũng Tàu mà không phải chịu thuế xuất nhập khẩu. Sau đó, sản phẩm có thể có lựa chọn xuất khẩu sang một nước khác, hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.

Đặt trong bối cảnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang là một trong những trung tâm hàng đầu về thu hút FDI và logistics của cả nước, việc hình thành và phát triển khu thương mại tự do sẽ giúp tăng thêm sức hấp dẫn của tỉnh, và cả vùng Đông Nam Bộ, đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, khu thương mại tự do ở Bà Rịa-Vũng Tàu có thể là nơi thử nghiệm vận hành các sáng kiến, dự án chuyển đổi số gắn với hải quan nói riêng và quản lý hoạt động thương mại nói chung. Một nội dung quan trọng mà Việt Nam đang nghiên cứu trong thời gian gần đây là thúc đẩy thương mại không giấy tờ, trong đó có thương mại không giấy tờ xuyên biên giới, để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Nếu mạnh dạn triển khai theo hướng này, tỉnh cũng có thể có cơ hội tiếp cận hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác.

Ngoài ra, nếu tư duy và tổ chức hợp lý hướng đến phát triển bền vững, khu thương mại tự do ở Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có thể trở thành địa bàn thử nghiệm các mô hình kinh tế tuần hoàn, gắn với xử lý, chế biến các đầu vào từ nhập khẩu mà trước đây chúng ta thường coi là phế phẩm, phụ phẩm,… Việc nhập khẩu các mặt hàng này để sản xuất gia công theo cách tiếp cận truyền thống thường chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định phi thuế quan, và theo đó là tổn phí (thời gian, tài chính, nhân lực) cho doanh nghiệp.

>>LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Bà Rịa - Vũng Tàu có đủ yếu tố để xây dựng một khu thương mại tự do

Hiện thực hoá mục tiêu

Với những góc nhìn trên đây, để phát triển khu thương mại tự do trở thành một đột phá chiến lược phát triển cảng biển và kinh tế ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và vùng Đông Nam Bộ, thứ nhất, cần xác định địa điểm, quy mô xây dựng khu thương mại tự do trên địa bàn tỉnh, phù hợp với các quy hoạch liên quan, thực trạng và định hướng phát triển kết nối giao thông, dịch vụ (trong đó có dịch vụ logistics) ở quy mô vùng và liên vùng.
Theo đó, tỉnh cần đặc biệt trao đổi, lắng nghe ý kiến của cộng đồng nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài.

Thứ hai, rà soát các chính sách kinh tế, thương mại và các chính sách liên quan, trong đó có cả các chính sách phát triển nguồn nhân lực, phát triển các tiện ích phục vụ hoạt động của doanh nghiệp trong khu thương mại tự do. Trên cơ sở đó, xác định các chính sách cần thực hiện trong thẩm quyền của tỉnh, và kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện các cơ chế liên quan để vận hành kịp thời và hiệu quả khu thương mại tự do.

Thứ ba, nghiên cứu, kiến nghị thành lập mô hình tổ chức, bộ máy quản lý tinh gọn, hiệu quả, gắn với tư duy và phương thức quản trị hiện đại, minh bạch, gắn với tư duy liên kết vùng.

Thứ tư, xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực thể chế và kỹ thuật để chuẩn bị cho việc vận hành khu thương mại tự do trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Có thể bạn quan tâm

  • Liên kết logistics - phát triển Đông Nam Bộ

    14:25, 12/09/2023

  • Thúc đẩy dòng chảy logistics khu vực Đông Nam Bộ

    03:00, 11/09/2023

  • Hạ tầng mềm cho phát triển bền vững logistics Đông Nam Bộ

    21:39, 09/09/2023

  • Liên kết phát triển Logistics - Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ

    04:10, 09/09/2023

  • LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Vai trò kết nối của đường thủy nội địa

    16:37, 08/09/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Khu thương mại tự do - đột phá phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO