Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển; tiếp tục phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế.
>>LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Gỡ "điểm nghẽn" trong chuỗi hoạt động logistics Bà Rịa - Vũng Tàu
Đó là phát biểu của ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, tại Diễn đàn Liên kết phát triển logistics – Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI); UBND Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chỉ đạo, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp Hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) và Sở Công Thương Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu phối hợp tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày 08/09/2023.
Theo ông Nguyễn Văn Thọ, từ lâu, Bà Rịa-Vũng Tàu đã là một trong ba cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía nam, có điều kiện thuận lợi về hệ thống hạ tầng cảng biển, gần sân bay quốc tế Long Thành đang được xây dựng, và mạng lưới giao thông đường bộ tương đối hoàn thiện, các dự án kết nối với vùng hậu phương như cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống giao thông liên cảng Cái Mép-Thị Vải và đường sắt kết nối kinh tế vùng và vươn ra khu vực quốc tế. Đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu là tỉnh có nhiều bến cảng nhất thuộc khu vực phía Nam.
Với các điều kiện thuận lợi về phát triển logistics nêu trên, ngành logistics đã được xác định trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VI, lần thứ VII là một trong 4 trụ cột kinh tế của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; là động lực để thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong thời gian tới. Đặc biệt, tại Nghị quyết số 24-NQ/TW (Nghị quyết 24) ngày 07 tháng 10 năm 2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 một lần nữa khẳng định tiềm năng của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong lĩnh vực logistics khi xác định “tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là khu vực phát triển mạnh các ngành kinh tế biển: cảng biển, logistics, … Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ… tiếp tục phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế”.
Triển khai thực hiện Nghị quyết 24, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được giao xây dựng 02 Đề án lớn để tạo động lực phát triển ngành logistics, có tác động lan toả không chỉ cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và cho cả vùng Đông Nam Bộ. Đó là: Đề án nghiên cứu khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ và Đề án tiếp tục phát triển, hiện đại hóa Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn, có tầm cỡ khu vực Châu Á và quốc tế.
>>LOGISTICS VÙNG ĐÔNG NAM BỘ: Còn nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển
Cũng theo ông Thọ, Diễn đàn ngày hôm nay mang ý nghĩa vô cùng quan trọng với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung. Đây là dịp để địa phương có cơ hội được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia đầu ngành về logistics trong và ngoài nước nhằm triển khai Nghị quyết 24 trong lĩnh vực logistics một cách hiệu quả, thiết thực và thành công.
Dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được đánh giá là đa dạng, từ vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ khác với toàn tỉnh có hơn 300 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa; và kinh doanh dịch vụ kho bãi logistics. Về hạ tầng logistics cảng biển, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải là cụm cảng chính của cảng biển Bà Rịa – Vũng Tàu, hiện đã có 24 dự án đi vào hoạt động với tổng công suất thiết kế là 129 triệu tấn/năm, có tiềm năng là cửa ngõ quan trọng không chỉ của Việt Nam mà còn của khu vực Đông Nam Á. Hiện, cụm cảng này đã đón được siêu tàu container lớn nhất thế giới có tải trọng 232.000 DWT vào tháng 03 năm nay.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của Bộ Công Thương tại Báo cáo Logistics Việt Nam 2022, trình độ phát triển của các dịch vụ logistics tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của một trung tâm quan trọng của khu vực Đông Nam Bộ về vân tải biển và cả vận tải đa phương thức. Hệ thống dịch vụ kho bãi, trung tâm logistics sau cảng chưa theo kịp xu thế; thiếu hụt các dịch vụ logistics như mạng lưới dịch vụ kho hàng hoá tổng hợp, ICD, kho lạnh, dịch vụ về container, đóng gói hàng theo yêu cầu, …
Do đó, ông Thọ cho rằng, có thể nói đây cũng là một trong những điểm nghẽn mà tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu rất mong các nhà đầu tư, các công ty kinh doanh dịch vụ logistics quan tâm để khắc phục hạn chế này nhằm khơi thông, hiến kế cho ngành dịch vụ được ví như mạch máu của các ngành công nghiệp tại Bà Rịa – Vũng Tàu và khu vực.
Trong thời gian tới, ngành dịch vụ vận tải, logistics tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được dự báo sẽ có sự tăng trưởng mạnh mẽ cùng với việc hình thành các tuyến giao thông quan trọng nối liền khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ và lợi thế về khoảng cách của tỉnh với sân bay quốc tế Long Thành khi BRVT chỉ cách sân bay khoảng 30km.
"Chúng tôi đã định hướng phát triển khu vực dọc sông Thị Vải – Cái Mép đến cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu – đường vành đai 4 thành vùng công nghiệp – dịch vụ - đô thị cảng biển, tập trung các trung tâm logistics, khu thương mại tự do, cảng cạn cung cấp dịch vụ vận tải kho bãi gắn với hệ thống cảng biển Cái Mép – Thị Vải và sân bay quốc tế Long Thành".
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hy vọng Diễn đàn ngày hôm nay sẽ là một dịp để các doanh nghiệp ngành logistics, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng cảng, khu thương mại tự do, các đơn vị có liên quan về giải pháp phát triển logistics vùng Đông Nam Bộ giao lưu, trao đổi với các chuyên gia, nhà khoa học, các Hiệp hội doanh nghiệp tạo ra mạng lưới doanh nghiệp logistics mạnh mẽ hơn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung. Qua đó, góp phần xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng phát triển thông minh, hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng, phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa các tiểu vùng và các địa phương trong vùng trong tương lai.
Theo Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã định hướng một số nội dung cụ thể về phát triển trung tâm logistics: Phát triển các trung tâm logistics phục vụ trung chuyển hàng hóa giữa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với các tỉnh/thành khác ở khu vực phía Nam, trung chuyển hàng hóa xuất - nhập khẩu thông qua các cảng biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu gắn với quy hoạch phát triển hệ thống cảng sông, cảng biển của Tỉnh; Xây dựng trung tâm Logistics Cái Mép Hạ đạt tầm quốc gia và quốc tế, diện tích toàn bộ khu vực quy hoạch 1.686 ha, gắn liền với cảng Cái Mép để khai thác các lợi ích thương mại từ lợi thế cảng biển và vị trí của thị trường trung chuyển hàng hóa; Xây dựng trung tâm phân phối hàng hóa kết nối sân bay quốc tế Long Thành và cảng biển Cái Mép - Thị Vải nhằm kết hợp vận tải đa phương thức. Hình thành Trung tâm kiểm tra chuyên ngành tập trung với trang thiết bị đầy đủ để kịp thời thông quan hàng hóa; Đầu tư phát triển Trung tâm Logistics và Trung tâm phân phối ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và kết nối công nghệ cao; Bổ sung quy hoạch cảng cạn Phú Mỹ với diện tích 37,84 ha thuộc KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 và chủ trương đầu tư dự án cảng cạn có diện tích 38,62 tại KCN Cái Mép; Đầu tư Kho bãi logistics Phú Mỹ. Đặc biệt, tỉnh đang xây dựng đề án hình thành Khu thương mại tự do tại Cái Mép Hạ theo mô hình tiên tiến… |
Có thể bạn quan tâm
14:40, 08/09/2023
14:30, 08/09/2023
12:50, 08/09/2023
12:45, 08/09/2023
12:03, 07/09/2023