Ngày 25/10/2023, UBND tỉnh Long An phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị Kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu – Long An 2023 dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
>> Long An: “Đất lành” cho doanh nghiệp
Tham dự Hội nghị có bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Nguyễn Văn Út - Chủ tịch UBND tỉnh Long An; ông Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An; đại diện các cơ quan ngoại giao; đại diện lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Vụ châu Âu châu Mỹ, Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu, Cục thương mại điện tử và Kinh tế số và các tham tán thương mại Việt Nam tại các nước Nhật Bản, UAE, Singapore, Trung Quốc; đại diện sở ngành, địa phương; doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các hiệp hội ngành hàng.
Tại các điểm cầu trực tuyến, có lãnh đạo thương vụ Việt Nam tại các nước: Hoa Kỳ, Ấn Độ, Quảng Châu – Trung Quốc, Osaka – Nhật Bản, Indonesia.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út cho biết, Long An có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của cả nước; là cửa ngõ giao thoa giữa vùng ĐBSCL và vùng Đông Nam bộ, có vị trí quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa giữa 02 vùng; liền kề TP. Hồ Chí Minh và có đường biên giới giáp ranh với Vương quốc Campuchia, thuận lợi cho phát triển kinh tế biên mậu.
Năm 2022, quy mô kinh tế của tỉnh đạt hơn 156 nghìn tỷ đồng, đứng đầu vùng ĐBSCL và xếp thứ 13 cả nước; đời sống người dân ngày càng được nâng cao, GRDP bình quân đầu người đạt 90,2 triệu đồng/người; thu hút đầu tư FDI đạt hơn 10 tỷ USD, thuộc top 10 cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI đứng top 10/63 tỉnh, thành trong cả nước.
Long An là tỉnh đầu tiên của vùng ĐBSCL được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thu hút đầu tư vào Long An 09 tháng đầu năm 2023 rất tốt, với 82 dự án FDI với số vốn đầu tư 543 triệu USD. Long An không những là điểm sáng về thu hút đầu tư mà là tỉnh có kim ngạch xuất khẩu đứng đầu vùng ĐBSCL. Toàn tỉnh với hơn 900 doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Sản phẩm, hàng hóa của tỉnh không ngừng khẳng định về chất lượng, uy tín, nâng cao khả năng cạnh tranh, đã cung cấp ổn định cho các thị trường xuất khẩu, với hơn 110 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng hàng hóa: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU…
Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhận định: Qua Hội nghị với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp, hệ thống phân phối nước ngoài tại một số khu vực thị trường xuất khẩu có tiềm năng, có triển vọng phát triển đối với một số hàng hóa của tỉnh, sẽ có nhiều thông tin hữu ích cho các doanh nghiệp trong việc phát triển chiến lược kinh doanh; xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu trên thị trường tiềm năng; tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối hàng hóa toàn cầu và xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ giữa doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam với hệ thống phân phối nước ngoài.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng gợi mở nhiều định hướng, giải pháp cho tỉnh, hiệp hội ngành hàng trong việc nâng cao khả năng cung cấp hoạt động hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh, phấn đấu đạt mục tiêu 7,2 tỷ USD vào năm 2023 và phát triển xuất khẩu bền vững trong những năm tiếp theo.
Chủ tịch UBND Long An khẳng định quan điểm của tỉnh là "muốn đi xa phải đi cùng nhau" nên chính quyền tỉnh luôn đồng hành cùng với sự phát triển của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Sau Hội nghị, có nhiều thoả thuận, giao dịch thương mại được ký kết; các đơn vị tham dự sẽ gặp gỡ được nhiều đối tác, khách hàng và có thêm nhiều ý tưởng kinh doanh được gợi mở...để từ đó Long An trở thành điểm hẹn kinh doanh uy tín cho các doanh nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh thị trường tiêu thụ vẫn còn khó khăn do nhu cầu thị trường nội địa và thế giới phục hồi chậm chạp, Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành cùng các địa phương nói chung và Long An nói riêng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương nhằm tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của tỉnh cả ở thị trường trong nước và ra thị trường quốc tế.
Với chủ trương đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các kênh trực tuyến, thương mại điện tử cho hàng Việt Nam tại thị trường trong nước và cả quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tích cực thúc đẩy và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho sản phẩm Việt Nam với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại tất cả các khu vực trên thế giới.
Định hướng thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị tỉnh Long An tiếp tục quan tâm, ưu tiên nguồn lực cho xúc tiến thương mại; đẩy mạnh các phương thức xúc tiến thương mại thông qua nền tảng số, trên môi trường thương mại điện tử.
Song song với việc tiếp tục duy trì thị phần xuất khẩu tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, thị trường truyền thống như Đông Bắc Á, EU, ASEAN, cần đẩy mạnh khai thác thị trường ngách, thị trường còn nhiều dư địa, tiềm năng như châu Phi, Nam Á trong đó đặc biệt chú ý thị trường châu Phi với gần 1,5 tỷ dân, nhập khẩu hơn 800 tỷ USD/năm, có vai trò vừa là thị trường nhập khẩu các mặt hàng ta có thế mạnh như nông sản (gạo, cà phê, hạt tiêu), dệt may, da giày, thực phẩm… vừa là thị trường cung cấp các nguyên liệu đầu vào quan trọng cho sản xuất.
Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA, nhất là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua hướng dẫn áp dụng quy tắc xuất xứ, thuận lợi hóa thủ tục cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi để khai thác các cơ hội từ các Hiệp định; đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới; tổ chức kết nối giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp lớn toàn cầu, tham gia sâu vào hệ thống phân phối ở nước ngoài.
Bộ Công Thương tin tưởng rằng, chuỗi cung ứng hiện tại sẽ được củng cố và phát triển, thị trường xuất khẩu sẽ ngày càng được mở rộng đồng thời sẽ có thêm nhiều chuỗi cung ứng mới được hình thành, góp phần đưa các sản phẩm thế mạnh của Long An nói riêng và của Việt Nam nói chung đi xa hơn và bền vững hơn.
Hội nghị diễn ra 2 phiên làm việc. Phiên 1 với chủ đề "Tiềm năng, cơ hội thị trường xuất khẩu", giới thiệu về bức tranh xuất khẩu 2023 và cơ hội, thách thức đối với xuất khẩu thời gian tới; tiềm năng xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới. Phiên 2 với chủ đề "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế", các doanh nghiệp, tập đoàn chia sẻ về nhu cầu, giải pháp, kiến nghị phát triển thị trường.
Dịp này, Sở Công Thương Long An ký kết ghi nhớ với 03 đơn vị là Công ty TNHH dịch vụ EB – đại diện Central Retail, Foodnamoo Việt Nam (Hàn Quốc) và Công ty OSB – đại diện Alibaba về nghiên cứu, triển khai các dự án tại tỉnh Long An, thúc đẩy giao thương, kết nối tiêu thụ hàng hóa của tỉnh vào hệ thống phân phối của các doanh nghiệp. Hiệp hội du lịch Long An và Foodnamoo Việt Nam (Hàn Quốc) ký kết ghi nhớ về nghiên cứu hợp tác phát triển du lịch.
Hội nghị Kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu Long An năm 2023 nhằm thực hiện mục tiêu phát triển xuất khẩu của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, tìm kiếm các đối tác, nhà nhập khẩu, người mua hàng tiềm năng; góp phần tăng cường quảng bá sản phẩm, thương hiệu, kết nối giao thương, mở rộng thị trường.
Có thể bạn quan tâm
Long An: Chú trọng phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ logistics
15:58, 23/09/2023
Long An: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao
15:43, 23/09/2023
Long An: Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN, khu kinh tế
15:38, 23/09/2023
Long An: “Đất lành” cho doanh nghiệp
15:04, 23/09/2023
Long An: Điểm đến hấp dẫn
01:00, 22/09/2023