Nuôi dưỡng trong mình ngọn lửa nhiệt huyết, niềm đam mê cháy bỏng và nghị lực phi thường, nhiều phụ nữ đã khẳng định vị thế của mình bằng những dự án khởi nghiệp đầy ý nghĩa, giàu tính nhân văn.
Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025” đã qua 6 năm triển khai, thu hút sự tham gia của đông đảo của phụ nữ trên khắp vùng miền Tổ quốc. Các dự án khởi nghiệp của phụ nữ đã truyền cảm hứng và lan tỏa tinh thần vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng tới phụ nữ cả nước.
Theo bà Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, qua 6 năm triển khai Đề án, đã có trên 80.000 ý tưởng kinh doanh của phụ nữ được hỗ trợ; trên 70.000 phụ nữ mạnh dạn khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp; gần 5.000 tổ hợp tác/hợp tác xã do phụ nữ quản lý được thành lập; hơn 60.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn nâng cao năng lực, hỗ trợ kết nối các nguồn lực để phát triển.
Tại các địa phương, phụ nữ khởi nghiệp đã phát huy được tài nguyên bản địa, tận dụng tất cả những gì thiên nhiên ban tặng từ luỹ tre làng, hạt gạo quê hương, cây thảo mộc… để tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Từng sản phẩm của các chị đã thẩm thấu, mang nét đặc sắc của văn hóa Việt Nam, giảm thiểu tác động môi trường, mang lại cơ hội việc làm.
Đáng kể như Dự án Hợp tác xã mây tre đan Thủy Tuyết của chị Trương Thị Bạch Thủy, tỉnh Sóc Trăng; góp phần khôi phục ngành nghề truyền thống, gắn kết nghề truyền thống với du lịch bản địa; đã mang lại tay nghề cao và việc làm thu nhập ổn định cho 32 xã viên và 60 phụ nữ dân tộc Khmer trong làng nghề. Dự án Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và phát triển sữa gạo lứt hữu cơ của chị Hoàng Thị Thuỳ Linh ở Vĩnh Phúc, sản phẩm góp phần giảm thiểu biến chứng cho người bệnh đái tháo đường và cung cấp bữa ăn dinh dưỡng cho cho các bệnh nhân ung thư. Dự án “Lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc qua sản phẩm bánh khẩu xén, Chí chọp” của chị Lò Chúc Chi, tỉnh Điện Biên, tạo việc làm cho 150 lao động địa phương...
Những đóng góp của phụ nữ thông qua các hoạt động khởi nghiệp đã góp phần to lớn trong phát triển kinh tế đất nước. Đảng và Nhà nước luôn đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trong đó phụ nữ - chiếm hơn 50% dân số, gần 48% lực lượng lao động của đất nước ta - được đặc biệt quan tâm.
Luật Doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2018, Luật Hợp tác xã năm 2023 đều có nội dung ưu tiên hỗ trợ đối với đối tượng doanh nghiệp, hợp tác xã do nữ làm chủ, quản lý...; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 đề ra Chỉ tiêu “Tỷ lệ nữ giám đốc/chủ doanh nghiệp, hợp tác xã đạt ít nhất đạt 27% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030”.
Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, vừa được Bộ Chính trị ban hành ngày 10/10/2023 đã xác định rõ nhiệm vụ: Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ. Có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ, doanh nhân dân tộc thiểu số, doanh nhân hoạt động ở địa bàn KTXH khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Có thể bạn quan tâm