“Đến hẹn lại lên”, vấn đề an toàn thực phẩm luôn “nóng” vào dịp cuối năm. Đây là thời điểm thực phẩm “bẩn” có cơ hội trà trộn vào thị trường, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng…
>>Nhức nhối “thực phẩm bẩn”
Theo đó, thời gian qua, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện những vụ buôn bán thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc, tuy nhiên, do lợi nhuận cao, bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, các đối tượng vẫn đang âm thầm vận chuyển, kinh doanh các loại thực phẩm nhằm trục lợi.
Tại Hà Nội, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết, trong 10 tháng năm 2023, qua công tác thanh tra, kiểm tra, các lực lượng chức năng phát hiện 10.240 cơ sở vi phạm, trong đó có 6.578 cơ sở bị phạt tiền với số tiền phạt hơn 14 tỷ đồng. Việc vận chuyển, buôn bán, thực phẩm nhập lậu, không đảm bảo an toàn thực phẩm từ các tỉnh khác vào Hà Nội mặc dù có giảm nhưng vẫn diễn ra.
Còn theo đại diện Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, 11 tháng năm 2023, ngành đã kiểm tra và phát hiện hơn 700 vụ vi phạm về toàn thực phẩm (ATTP), thu giữ nhiều tấn hàng hóa, cá biệt là vụ thu giữ 53 tấn thịt hết hạn sử dụng. Lực lượng quản lý thị trường đã chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để xem xét xử lý hình sự 5 vụ việc vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về ATTP.
Nhiều ý kiến cho rằng, tâm lý không yên tâm về ATTP là tâm lý chung của nhiều người tiêu dùng về các mặt hàng thực phẩm bán trên thị trường. Thực tế, nhiều năm qua, quản lý an toàn thực phẩm vẫn là bài toán gây đau đầu cho cơ quan quản lý không chỉ riêng Hà Nội mà còn nhiều địa phương khác. Nỗi lo về sự an toàn của thực phẩm không chỉ một ngày mà rất nhiều ngày và luôn luôn thường trực trong mỗi gia đình, trong mỗi bữa ăn.
Đáng chú ý, vào mỗi dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ nội tạng động vật cũng như thực phẩm gia tăng. Do vậy, các đối tượng thường thu mua thực phẩm từ nhiều nguồn không xác định, không có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ được tuồn vào nội địa nhiều nhất qua đường bộ, đưa về các tỉnh, thành phố lớn để tiêu thụ. Nếu không được phát hiện kịp thời, số nội tạng động vật và các sản phẩm hàng hóa không đảm bảo ATTP có thể sẽ được tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Đáng nói, tình trạng này tái diễn hàng năm, song đến nay vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.
>>Bảo vệ sức khoẻ trước "rừng" thực phẩm bẩn
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quanh câu chuyện này, ông Nguyễn Duy Phương – Tổng giám đốc Công ty Headway Vina cho rằng, vấn nạn thực phẩm bẩn liên tiếp bị phát hiện xử lý nhưng khó có thể dập tắt trong thời gian qua là do lợi nhuận đem lại quá lớn. Cũng theo ông Phương, một trong những nguyên nhân khiến các vụ sản xuất, kinh doanh vi phạm về ATTP còn xuất phát từ thực tế nhiều nơi người dân có xu hướng lựa chọn những mặt hàng giá rẻ. Lợi dụng nhu cầu đó, các đối tượng đã vận chuyển hàng nhập lậu vào Việt Nam tiêu thụ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Quyết – một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm cho biết, việc đưa "thực phẩm bẩn" ra thị trường để tiêu thụ có nguyên nhân lớn từ những người sản xuất, kinh doanh, vì chạy theo lợi nhuận mà bất chấp hậu quả.
Tác hại của thực phẩm kém chất lượng tác động đến xã hội rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, ông Quyết cho rằng, cần có chế tài xử phạt một cách nghiêm khắc đối với hành vi này để đủ sức răn đe, không để tái diễn, có thể thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn cơ sở sản xuất, kinh doanh, thậm chí xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng. “Cần nghiên cứu sử dụng một phần giá trị kinh tế từ xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm để hỗ trợ cho các nạn nhân, giảm bớt tổn hại gây ra cho người tiêu dùng”, ông Quyết đề xuất.
Đưa ra giải pháp để ngăn chặn tình trạng này, ông Quyết cho rằng, trước tiên cần nhìn nhận trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát nguồn gốc thực phẩm và quy trình sản xuất trước khi đưa sản phẩm ra thị trường để từ đó có giải pháp quản lý chặt chẽ hơn. Đặc biệt, theo ông Quyết, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc truy xuất nguồn gốc và các thông tin cơ bản về sản phẩm. Bên cạnh đó, hình thành thói quen mua sắm, tiêu dùng thông minh để thực phẩm, nông sản "bẩn", hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không còn cơ hội tồn tại.
“Đi đôi với việc tuyên truyền về tác hại của "thực phẩm bẩn" cũng cần cung cấp thông tin chính xác, kịp thời đến người tiêu dùng để người dân tự biết bảo vệ mình; lựa chọn các sản phẩm phù hợp và cảnh báo cho cộng đồng biết về những nguy cơ, hành vi sản xuất, kinh doanh gian dối, phi đạo đức”, ông Quyết kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm