Lấp khoảng trống trong việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm

YẾN NHUNG 04/06/2024 00:30

Trước hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý về quản lý an toàn thực phẩm.

>> Phòng, chống ngộ độc thực phẩm - nhiệm vụ không của riêng ai

Theo đó, vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khoẻ và tính mạng con người. Trong thời gian qua, hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng liên tục xảy ra ở Việt Nam khiến hàng trăm người phải nhập viện cấp cứu đã cho thấy, vấn đề mất an toàn thực phẩm hiện nay đang thực sự báo động.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm làm hơn 2.100 người mắc, 28 trường hợp tử vong. Con số này cao hơn nhiều so với năm 2022. Quý I/2024, trên toàn quốc ghi nhận 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 659 người mắc (tăng gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó có 3 người tử vong. Riêng trong tháng 3/2024, cả nước xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm làm 368 người mắc. 

Quý I/2024, trên toàn quốc ghi nhận 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 659 người mắc

Quý I/2024, trên toàn quốc ghi nhận 16 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 659 người mắc - Ảnh minh họa: ITN

Nguyên nhân ngộ độc thực phẩm một phần đến từ sự thiếu vắng quản lý sát sao, chưa đủ răn đe của các ngành chức năng và các cơ quan, tổ chức liên quan. Thực tế, nhiều cơ sở kinh doanh dính sai phạm trong quy trình vệ sinh an toàn thực phẩm. Theo đó, một số cơ sở dù có chứng chỉ vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng những đơn vị mà họ nhập nguyên liệu vẫn không thể đảm bảo truy xuất hết nguồn gốc thực phẩm, bản thân các cơ sở này không lưu mẫu để kiểm định khi cần.

Đáng chú ý, phần lớn các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm không có địa điểm cố định, cơ sở kinh doanh thực phẩm đường phố cũng thuộc quản lý của ngành công thương.

Từ thực tế trên dễ dàng nhận thấy khoảng trống trong quản lý vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân. Do đó, ông Nguyễn Duy Ngọc, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an kiến nghị, phải khắc phục tình trạng phân công trách nhiệm chưa rõ ràng trong quản lý an toàn thực phẩm tại địa phương, nhất là cấp xã, phường.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn thực phẩm ngay tại thời điểm bắt đầu các lễ hội lớn, kết hợp tuyên truyền mạnh mẽ; xây dựng ngay cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, làm cơ sở để xử lý hình sự đối với các trường hợp tái phạm…

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách, pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý về quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đặc biệt là thực phẩm đường phố.

đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình

>> Tiếp tục hoàn thiện Nghị định 15/2018/NĐ-CP về an toàn thực phẩm

Tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình, đề nghị Chính phủ, Quốc hội cần rà soát và nâng mức xử phạt đối với các sai phạm trong hoạt động kinh doanh về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhằm đảm bảo chế tài đủ mạnh. Đồng thời, cần tập trung đầu tư nguồn lực, quan tâm đến nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.

Cùng với đó, cần chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan xây dựng phần mềm ứng dụng quản lý việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm, chất lượng cung cấp của từng cơ sở bán hàng lưu động, đường phố.

“Việc này sẽ tạo thuận lợi cho cả người mua lẫn việc truy xuất nguồn gốc, cũng như trong xử lí sai phạm”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.

Bên cạnh vấn đề đã nêu, đại biểu cho biết, thời gian qua, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm của Chính phủ quy định về 10 nhóm quản lý Nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó có điều chỉnh với quản lý thức ăn đường phố.

Tuy vậy, việc quản lý thức ăn đường phố nổi lên nhiều vấn đề rất đáng lo ngại, nếu không ban hành các văn bản pháp luật để hoàn thiện thể chế sẽ khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước.

Do đó, đại biểu mong muốn, trong thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Bộ Công Thương sớm rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện cơ chế cho quản lý thức ăn đường phố nói riêng, vệ sinh an toàn thực phẩm nói chung; đặc biệt là về công tác quản lý nhà nước và nguồn lực (trong đó có nguồn nhân lực). Mặc dù Bộ Y tế là cơ quan chủ trì, nhưng để quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm hiệu quả đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa nhiều bộ ngành khác.

“Bộ Công Thương phụ trách quản lý các cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm nhưng theo kết quả tự rà soát của tôi, hiện mới có công văn của Bộ điều chỉnh với thực phẩm đường phố. Tôi mong rằng, qua chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Bộ trưởng và Bộ Công Thương sẽ xây dựng các giải pháp để sớm hạn chế vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là với thức ăn đường phố”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho biết.

Được biết, theo chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV, từ ngày 4/6 - 6/6 sẽ diễn ra phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Kiểm toán, Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Có thể bạn quan tâm

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Kéo dài thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM

    TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Kéo dài thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM

    20:00, 01/04/2023

  • Khai trương Phòng kiểm nghiệm, kiểm chứng an toàn thực phẩm tại Hà Nội

    Khai trương Phòng kiểm nghiệm, kiểm chứng an toàn thực phẩm tại Hà Nội

    09:33, 21/07/2023

  • Xuất khẩu sang EU: An toàn thực phẩm là yếu tố then chốt

    Xuất khẩu sang EU: An toàn thực phẩm là yếu tố then chốt

    04:00, 03/03/2024

  • Nhức nhối “thực phẩm bẩn”

    Nhức nhối “thực phẩm bẩn”

    03:20, 25/09/2023

  • Bảo vệ sức khoẻ trước

    Bảo vệ sức khoẻ trước "rừng" thực phẩm bẩn

    03:00, 08/02/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Lấp khoảng trống trong việc quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO