Xuất khẩu sang EU: An toàn thực phẩm là yếu tố then chốt

TRƯỜNG ĐẶNG 03/03/2024 04:00

Rau quả chế biến, đặc biệt từ các quốc gia đang phát triển phải đáp ứng những yêu cầu rất khắt khe để được phép xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU).

Nhà xuất khẩu rau củ quả Việt Nam cần thực hiện nhiều biện pháp để xuất được sang EU, bao gồm vấn đề an toàn thực phẩm

Các nhà xuất khẩu rau củ quả cần thực hiện nhiều biện pháp để xuất được sang EU, bao gồm vấn đề an toàn thực phẩm

Xuất khẩu trái cây, rau và các loại hạt đã qua chế biến sang châu Âu đồng nghĩa với việc nhà sản xuất cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn cao về chất lượng và an toàn thực phẩm.

>>Xuất khẩu sang EU: Thị trường tỷ đô chờ rau quả Việt

Thực phẩm được tiêu thụ ở EU vốn yêu cầu khắt khe về dư lượng độc hại, nhưng các giới hạn về các chất gây ô nhiễm khác nhau đang tiếp tục tăng lên. Bên cạnh đó, việc tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc, tính minh bạch và các hoạt động xã hội và môi trường có trách nhiệm đang dần trở nên quan trọng hơn, dẫn tới việc ra đời của nhiều chương trình chứng nhận khác nhau.

Yêu cầu bắt buộc

Luật Thực phẩm chung là khuôn khổ pháp lý về an toàn thực phẩm ở EU, trong đó EU đã thành lập Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA), nơi chịu trách nhiệm xây dựng Luật an toàn thực phẩm cụ thể và tạo ra các khuôn khổ kiểm soát thực phẩm.

Luật này dựa trên cách tiếp cận “Từ trang trại đến bàn ăn”, tức là tất cả thực phẩm phải được truy xuất nguồn gốc trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng châu Âu, mọi nhà kinh doanh thực phẩm cần triển khai hệ thống Phân tích mối nguy của các điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) vào hoạt động hàng ngày.

Với các công ty vi phạm, các trường hợp riêng lẻ có thể được báo cáo thông qua Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi (RASFF), công chúng có thể truy cập miễn phí. Vào năm 2022, RASFF đã báo cáo 4.361 trường hợp không tuân thủ trong quá trình thanh tra chính thức. Các vi phạm phổ biến nhất liên quan tới độc tố nấm mốc, hay dư lượng thuốc trừ sâu và chất bảo quản.

Cơ quan xúc tiến nhập khẩu từ các nước đang phát triển (BCI) của EU lưu ý rằng nếu một quốc gia không tuân thủ Luật thực phẩm châu Âu nhiều lần, điều này có thể dẫn đến các điều kiện nhập khẩu chặt chẽ hơn hoặc thậm chí đình chỉ nhập khẩu từ quốc gia đó. Sản phẩm từ các quốc gia liên tục không tuân thủ sẽ được đưa vào danh sách đen theo quy định về mức độ kiểm soát chính thức tăng cường đối với hàng nhập khẩu.

Các thành phần gây ô nhiễm cần quan tâm

Chất gây ô nhiễm thực phẩm là những chất không mong muốn và có hại trong thực phẩm có thể gây bệnh cho người tiêu dùng. Có thể có các chất trong thực phẩm do quá trình sản xuất, đóng gói, vận chuyển hoặc bảo quản. Chúng cũng có thể đến từ môi trường bên ngoài.

Nhiều chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý cơ quan kiểm soát thực phẩm của EU sẽ yêu cầu giấy chứng nhận sức khoẻ và báo cáo thử nghiệm phân tích đối với một tỷ lệ phần trăm nhất định của lô hàng từ các quốc gia được chỉ định.

>> Xuất khẩu sang EU: Lưu ý về đăng ký nhãn hiệu

Các cuộc thanh tra của châu Âu đã thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt và rộng rãi để giảm thiểu chất gây ô nhiễm trong thực phẩm. Quy định của Uỷ ban châu Âu (EC) đặt ra mức tối đa cho một số chất gây ô nhiễm trong sản phẩm thực phẩm. Quy định này được cập nhật thường xuyên và bao gồm các giới hạn cho các sản phẩm cụ thể.

Tại đó, một loạt hướng dẫn về an toàn thực phẩm cần được doanh nghiệp lưu ý

Một loạt hướng dẫn về an toàn thực phẩm của EU cần được doanh nghiệp lưu ý

Côn trùng là một vấn đề ô nhiễm quan trọng đối với trái cây sấy khô và các loại hạt còn nguyên vỏ nhập khẩu vào châu Âu. Côn trùng chết có thể được tìm thấy trong bao bì. Một số loại côn trùng cũng có thể phát triển bên trong quả và tiếp tục phát triển khi bảo quản.

Để ngăn ngừa ô nhiễm côn trùng, các nhà cung cấp từ các nước đang phát triển như Việt Nam... nên sử dụng các biện pháp phòng ngừa như khử trùng và xử lý nhiệt độ. Các loại ô nhiễm khác do vật thể lạ bao gồm bụi bẩn, đá, thủy tinh và các bộ phận kim loại (ví dụ từ máy móc và dụng cụ nông nghiệp).

Cơ quan CBI đưa ra lời khuyên rằng, nên sử dụng máy dò kim loại để ngăn ngừa ô nhiễm từ các hạt kim loại, kết hợp với phân loại vật lý và điều khiển bằng mắt. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất chỉ nên áp dụng các chất khử trùng đã được phê duyệt chính thức như CO2, Phosphine và Sulfuryl fluoride. Cần lưu ý methyl bromide và ethylene oxit bị cấm ở EU.

Ngoài ra, theo dữ liệu của EU, việc từ chối nhập khẩu đối với rau quả chế biến nhập khẩu chủ yếu liên quan đến ô nhiễm vi sinh vật. Các loại chất gây ô nhiễm vi sinh phổ biến nhất trong trái cây và rau quả chế biến là salmonella, Escherichia coli, listeria, norovirus và viêm gan A. Quy định của châu Âu về tiêu chí vi sinh đối với thực phẩm đặt ra giới hạn đối với vi sinh vật gây bệnh, độc tố và chất chuyển hóa của chúng.

Trong lĩnh vực chế biến rau quả, ô nhiễm vi sinh vật có thể do nước bẩn được sử dụng để tưới tiêu, làm sạch hoặc chế biến. Bàn tay bẩn, người xử lý, phương tiện đóng gói và vận chuyển bị nhiễm bệnh cũng có thể truyền vi khuẩn và vi rút. Vì vậy, các nhà cung cấp phải hướng dẫn nhân viên của mình cách sử dụng các biện pháp vệ sinh tốt, khi ngày càng có nhiều người mua ở châu Âu yêu cầu thanh trùng để ngăn ngừa ô nhiễm vi sinh vật.

Quy trình tiêu chuẩn trước khi xuất khẩu rau quả chế biến sang châu Âu bao gồm việc kiểm tra vi sinh vật gây bệnh trong phòng thí nghiệm. Nhiều xét nghiệm có thể được thực hiện nhanh chóng nhưng một số xét nghiệm cần có thời gian, chẳng hạn như xét nghiệm viêm gan A và norovirus.

Độc tố nấm mốc là những chất độc hại do nấm tạo ra, thường được gọi là nấm mốc. Những chất độc này rất ổn định và có thể tồn tại trong các quá trình xử lý chuyên sâu như xử lý nhiệt.

Các loại nhiễm độc tố nấm mốc phổ biến nhất trong lĩnh vực rau quả chế biến là aflatoxin (thường có trong lạc), ochratoxin A (thường có trong nho khô) và patulin (liên quan tới trái cây và rau quả bị mốc). Độc tố Alternaria hiện đang được EFSA điều tra. Mặc dù không có giới hạn nhưng vẫn có những khuyến nghị về mức độ chỉ định cho các sản phẩm như cà chua chế biến, các loại hạt và quả sung khô.

Để kiểm soát độc tố nấm mốc tốt nhất, nhà sản xuất cần quản lý dịch hại trong vườn cây ăn quả và thực hành tốt sau thu hoạch, chẳng hạn như thu hoạch kịp thời và sấy khô đúng cách sau thu hoạch; kiểm soát chặt chẽ điều kiện độ ẩm và nhiệt độ trong quá trình bảo quản và vận chuyển. Phát hiện và loại bỏ kịp thời vật liệu bị ô nhiễm khỏi chuỗi cung ứng cũng là những biện pháp kiểm soát quan trọng. Ngoài ra, cần tự động phân loại màu và phân loại bằng tay thường được sử dụng để loại bỏ các loại hạt bị mốc.

Có thể bạn quan tâm

  • Châu Âu hoãn sáng kiến nguồn nước, tác động thế nào tới nhập khẩu?

    Châu Âu hoãn sáng kiến nguồn nước, tác động thế nào tới nhập khẩu?

    04:00, 20/02/2024

  • Châu Âu kỳ vọng phục hồi tích cực hơn

    Châu Âu kỳ vọng phục hồi tích cực hơn

    03:00, 13/02/2024

  • Động lực nào tăng sức cạnh tranh của châu Âu?

    Động lực nào tăng sức cạnh tranh của châu Âu?

    04:00, 08/02/2024

  • Nông nghiệp châu Âu

    Nông nghiệp châu Âu "vật lộn" với nhiều khó khăn

    03:00, 05/02/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xuất khẩu sang EU: An toàn thực phẩm là yếu tố then chốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO