Ngày 12/11, tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều từ các đại biểu.
Liên quan đến Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, ĐB Hoàng Văn Cường nhận định: Luật Đầu tư công có hiệu lực từ ngày 1/1/2015 đến nay có hiệu quả rất tốt. Nguyên tắc phải có vốn mới được phê duyệt dự án đầu tư và phải trả nợ trước rồi mới được phê duyệt đầu tư giúp chúng ta thực hiện đầu tư tập trung hơn, khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải trước đây. Bởi, nguyên tắc này giúp hạn chế tối đa những dự án đã được phê duyệt nhưng không có vốn, dự án treo. Cũng vì thế, số lượng các dự án triển khai trong giai đoạn này chỉ bằng 50% so với trước đây và nợ đọng xây dựng cơ bản được ưu tiên giải quyết.
Một tác dụng nữa được ĐB Hoàng Văn Cường nhấn mạnh là Luật đã tăng cường vai trò tự chủ của các địa phương. “Trước đây, các địa phương trông chờ vào các nguồn vốn đi xin của T.Ư, nếu không nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, không thể xin được vốn, địa phương phải tự đi tìm ngồn vốn đầu tư cho mình. Vừa qua, một số dự án của các địa phương không dùng ngân sách T.Ư đã có phần tăng hơn so với trước”, ĐB nói.
Tuy nhiên, ĐB Hoàng Văn Cường cho rằng, Luật Đầu tư công còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện mà một trong những hậu quả nghiêm trọng nhất là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công rất chậm. ĐB đoàn Hà Nội nhấn mạnh: “Chậm ngay từ khâu ban đầu là xác định các dự án phân bổ đầu tư đến quá trình triển khai. Đây cũng chính là tác động đặt ra yêu cầu phải thay đổi Luật Đầu tư công”.
Trong khi đó, ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng dự án Luật chưa thực sự phù hợp với thông lệ quốc tế. Nội dung dự thảo dường như tập trung về phần phân bổ nguồn lực, trong khi đánh giá kết quả đầu ra chưa thực sự rõ ràng. Dự thảo Luật thiếu vắng quy định đánh giá hiệu quả nguồn lực sau đầu tư. Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam không thể một mình một sân. Trong khi các nước, quy định pháp luật đều rất quan tâm đến hiệu quả sau đầu tư như thế nào. Do đó, cần nghiên cứu, bổ sung thêm.
Về báo cáo đánh giá tác động môi trường, ĐB Mai cho biết, các địa phương phản ánh, ngay từ khâu tiền khả thi mà chúng ta quy định về đánh giá tác động môi trường là chưa hợp lý. Lần sửa đổi này nên khắc phục tình trạng này.
Có thể bạn quan tâm
11:01, 29/10/2018
11:33, 21/09/2018
01:14, 23/08/2018
Liên quan đến nội dung này, Phó Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, mặc dù Luật Đầu tư công chưa quy định thẩm quyền của Thường trực HĐND, nhưng qua quá trình thực hiện, đã có Nghị định hướng dẫn giao cho Thường trực HĐND quyết định chủ trương đầu tư giữa hai kỳ họp và báo cáo.
“Hiện, Hà Nội giao Thường trực HĐND, Thường trực HĐND báo cáo HĐND trong phiên họp gần nhất. Thực tiễn, Hà Nội và 63 tỉnh, TP làm rất tốt nội dung này. Một năm, Hà Nội xây dựng chủ trương đầu tư khoảng hơn 200 dự án, vậy mà cứ chờ đến 2 kỳ họp HĐND thì rất chậm. Thực tế đó cho thấy nội dung này cần được thể chế hóa vào Luật là hoàn toàn hợp lý”, ĐB Quốc hội Nguyễn Thị Bích Ngọc nói.