Luật sư Nguyễn Tiến Hòa, Đoàn Luật sư TP HCM khẳng định, sự chồng chéo trong thủ tục về đầu tư là một trong những yếu tố các nhà làm luật cần tìm hướng xử lý.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2019, tổng vốn đầu tư Việt Nam ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 508,14 triệu USD.
- Ông có thể nói rõ hơn về điều này không, thưa ông?
Năm 2005, Luật Đầu tư được sửa đổi theo hướng luật hóa hoạt động đầu tư ra nước ngoài, bao gồm cả hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam.
Đến năm 2014, Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015 đã góp phần xóa bỏ rào cản về đầu tư, kinh doanh không phù hợp với kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các nhà đầu tư, đặc biệt là về thủ tục đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
Với những dấu mốc quan trọng này, khuôn khổ pháp lý của hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã dần dần được hoàn thiện hơn. Nhờ đó, đến nay, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã tạo được những dấu ấn nhất định.
Cùng với đó là việc chuẩn hóa thủ tục đầu tư và việc hoàn thiện hành lang pháp lý phù hợp bối cảnh mới của cơ quan quản lý, tạo sự thông thoáng và giúp cơ quan quản lý nhà nước tăng cường hiệu lực quản lý với các dự án ngoài lãnh thổ Việt Nam.
-Sự thay đổi này đã tác động như thế nào tới cộng đồng doanh nghiệp trong những năm qua?
Trong xu thế toàn cầu hoá, nước ta đang khuyến khích các nhà đầu tư trong nước đầu tư ra nước ngoài để mở rộng thị trường khai thác, bổ sung nguồn lực phát triển kinh tế và thiết lập các mối quan hệ với các quốc gia khác.
Trước khi Luật Đầu tư năm 2005, phần lớn các dự án đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt đều xuất phát từ nhu cầu nội tại của doanh nghiệp. Kể từ khi hoạt động đầu tư ra nước ngoài được đưa vào trong Luật Đầu tư, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã có sự thay đổi lớn cả về chất và lượng rồi bùng nổ như giai đoạn hiện nay.
Sự thay đổi này đã tạo nên rất nhiều những thành quả đáng kể trong những năm vừa qua và có một ý nghĩa lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp. Khi mà trong 10 tháng đầu năm 2019, Việt Nam đã đầu tư sang 30 quốc gia, vùng lãnh thổ. Australia là địa bàn dẫn đầu về vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài với 140,63 triệu USD, chiếm 34,1% tổng vốn đầu tư. Hoa Kỳ xếp thứ 2 với 22 dự án, tổng vốn đầu tư là 61,46 triệu USD, chiếm 14,9% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Tây Ban Nha, Campuchia, Singapore, Canada… Những con số trên là rất ấn tượng cho thấy Việt Nam đang hội nhập với nền kinh tế thế giới vô cùng hiệu quả và góp phần phát triển nền kinh tế quốc gia.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài còn giúp cho các doanh nghiệp trong nước có cơ hội học hỏi, trao đổi và tiếp cận với công nghệ, thiết bị tiên tiến tăng tính năng động và cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.
- Nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp phàn nàn rằng việc duy trì thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài khiến doanh nghiệp tốn thời gian và chi phí, đồng thời khiến họ rất nản đầu tư. Ông nghĩ sao về điều này thưa ông?
Đúng là thủ tục chứng nhận đầu tư ra nước ngoài khiến doanh nghiệp mất thời gian và chi phí nhưng công bằng mà nói đầu tư ra nước ngoài không đơn thuần là việc của doanh nghiệp mà còn là hình ảnh của quốc gia.
Do đó, nếu chúng ta đổi mới cơ chế quản lý hoạt động đầu tư ra nước ngoài theo hướng bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài thì thay vào đó bằng cơ chế đăng ký hoạt động chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài tại cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, năm 2019 có 164 dự án được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới, với tổng vốn đầu tư bên Việt Nam đạt 403,15 triệu USD. Bên cạnh đó, có 29 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với vốn đầu tư tăng thêm 105 triệu USD.
Việc bỏ loại giấy này không phải là giải pháp nhằm tự do hóa dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, đồng thời cũng không đồng nghĩa với việc từ bỏ hay nới lỏng quản lý nhà nước đối với hoạt động này mà chỉ nhằm thay đổi phương thức quản lý nhà nước từ chế độ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sang chế độ quản lý, sử dụng dòng vốn đầu tư ra nước ngoài trên cơ sở phân định rõ trách nhiệm của nhà đầu tư và trách nhiệm của từng cơ quan quản lý chuyên ngành.
Tuy nhiên, việc áp dụng chế độ đăng ký chuyển tiền ra nước ngoài tại Cơ quan nhà nước quản lý ngoại hối cần được cân nhắc bởi cơ quan này không có thẩm quyền quản lý hoạt động đầu tư, trong đó có hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 14/03/2020
16:30, 12/03/2020
05:20, 08/03/2020
-Vậy chúng ta có nên hạn chế ngành nghề đầu tư ra nước ngoài không? Thưa ông?
Hoạt động đầu tư có rất nhiều vấn đề xoay quanh, đặc biệt ngành nghề là một trong những yếu tố hàng đầu khi nhà đầu tư dự định tiến hành đầu tư ra nước ngoài. Việc hạn chế ngành nghề đầu tư ra nước ngoài sẽ đi ngược lại quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, việc kiểm soát có thể trở nên khó khăn hơn.
Tuy nhiên, một số lĩnh vực, đặc biệt như bất động sản cũng có những yêu cầu chặt chẽ bởi việc thanh khoản bất động sản thường không ổn định. Vì vậy, chúng ta trước hết cần tôn trọng quy luật quốc tế cũng như quyền kinh doanh các doanh nghiệp Việt Nam, sau đó tùy vào bối cảnh kinh tế để xem xét các danh mục ngành nghề đầu tư cần siết chặt điều kiện, đảm bảo công bằng cho cả nhà nước và nhà đầu tư.
- Dự thảo Luật Đầu tư đang tiếp tục được mang ra lấy ý kiến, ông có đóng góp ý kiến như thế nào để dự thảo được hoàn thiện hơn?
Cho đến hiện tại Dự thảo đã sửa đổi 36 điều, bổ sung 4 điều và bãi bỏ 2 điều của Luật Đầu tư năm 2014. Một số nội dung quan trọng của Dự thảo Luật gồm: cấm đầu tư kinh doanh, đầu tư kinh doanh có điều kiện, bảo đảm thống nhất, đồng bộ của Luật đầu tư với các luật có liên quan … Hay như bãi bỏ danh mục quy định về chất ma túy và tiền chất; danh mục hóa chất, khoáng vật độc hại và danh mục động vật, thực vật hoang dã…
Tuy nhiên, sự chồng chéo trong thủ tục về đầu tư là một trong những yếu tố quan trọng phải xem xét, cụ thể là giai đoạn đăng ký, thẩm tra đầu tư. Hiện nay tùy theo tính chất quy mô dự án mà nhà đầu tư phải giải trình các vấn đề về đất đai, xây dựng, môi trường... sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư xong các nhà đầu tư vẫn phải thực hiện các thủ tục đó tại cơ quan khác. Thiết nghĩ, các nhà làm luật cần phải xem xét kỹ các điều kiện thủ tục để tránh gây khó khăn cho các nhà đầu tư.
- Trân trọng cảm ơn Luật sư!