Nghiên cứu - Trao đổi

Luật Dữ liệu: Cần quy định chặt chẽ về chia sẻ dữ liệu cá nhân

Yến Nhung 27/10/2024 11:00

Góp ý Dự án Luật Dữ liệu, nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định chi tiết hơn về thu thập, chia sẻ các loại dữ liệu cá nhân, dữ liệu sinh trắc học.

Theo đó, Dự thảo Luật Dữ liệu (Dự thảo) gồm 7 chương, 67 điều, quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu…

7_phap-1725493858106 (2) (1)
Đa số các đại biểu Quốc hội, chuyên gia đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu - Ảnh minh họa: ITN

Đa số các đại biểu Quốc hội, chuyên gia đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Về cơ sở chính trị, nội dung tại Dự thảo đã thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong những năm gần đây

Về cơ sở pháp lý, Dự thảo đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp với hệ thống pháp luật hiện hành. Dự thảo có phạm vi điều chỉnh liên quan đến nhiều văn bản luật, dự án luật đang được xây dựng, các vấn đề liên quan đến tạo lập, sử dụng, khai thác và quản lý dữ liệu hiện đang được quy định rải rác ở các luật như: Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Căn cước công dân, Luật Lưu trữ... và một số luật đang trong quá trình soạn thảo như Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Góp ý hoàn thiện Dự thảo, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội cho biết, hiện nay tất cả ngành, lĩnh vực đều phải thực hiện công tác điều tra, khảo sát và có cơ sở dữ liệu riêng. Như vậy, các cơ sở dữ liệu này là nguồn tài nguyên số quý giá, giúp nghiên cứu, phân tích nhiều vấn đề và hoạch định các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên trong Dự thảo, Chính phủ mới đề cập việc quản lý, liên thông và chia sẻ dữ liệu phi cá nhân và không đề cập đến dữ liệu cá nhân. Do đó, cần phải đưa quy định về chia sẻ dữ liệu cá nhân vào, cái gì được phép khai thác và cái gì không được phép khai thác.

“Dữ liệu cá nhân về tình trạng bệnh tật, tuổi, sức khỏe là bí mật. Song nếu tách hoàn toàn tên, địa chỉ thì những dữ liệu này hoàn toàn có thể khai thác mà không xâm phạm đến quyền và lợi ích của người dân. Với dữ liệu về bệnh tật, tuổi, tình trạng gia đình, nghề nghiệp thì đương nhiên qua phân tích có thể nhìn nhận được xu thế phát triển bệnh nghề nghiệp thế nào và đưa ra quyết định về quản trị Nhà nước”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

28-7-2024 -Luat DL add (1)
Nhiều ý kiến cho rằng, cần quy định chi tiết hơn về thu thập, chia sẻ các loại dữ liệu cá nhân, dữ liệu sinh trắc học - Ảnh minh họa: ITN

Đồng quan điểm, ông Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, khi có hành lang pháp lý đầy đủ, việc thu thập, phân tích dữ liệu sẽ được thực hiện rất hiệu quả trong các mô hình kinh doanh, khởi nghiệp.

Ông Quân dẫn chứng các sàn thương mại điện tử sử dụng những thuật toán rất hiệu quả trong việc phân tích xu thế của người mua hàng, từ đó gợi ý các sản phẩm thông qua thói quen lướt internet. Hay như nhiều chiến dịch bầu của của các quốc gia, họ sử dụng dữ liệu để nắm bắt tâm lý người dân, đưa ra chiến lược tranh cử hiệu quả.

Do đó, cơ quan soạn thảo cần quy định chi tiết hơn về thu thập, chia sẻ các loại dữ liệu sinh trắc học, bởi công nghệ nhận diện khuôn mặt hiện nay đã rất phổ biến. Nhiều cơ quan, trường học không cần thẻ ra vào, chỉ cần nhận diện khuôn mặt. Việc này vừa hiệu quả, vừa đảm bảo an ninh. Ngoài ra, Chính phủ cần quy định chi tiết chia sẻ và sử dụng cơ sở dữ liệu liên thông cho mục đích nghiên cứu.

“Theo Dự thảo, việc chia sẻ các dữ liệu này chỉ được giao thẩm quyền cho Bộ trưởng và lãnh đạo tương đương. Song, dữ liệu rất nhiều thứ, các bộ không quản lý được hết, nếu nhà khoa học được tiếp cận với các loại dữ liệu y tế thì phân tích được rất nhiều thứ. Chỉ cần dữ liệu bệnh tật, số tiền chi tiêu, số loại thuốc trong một năm của người bệnh Việt Nam là có thể dùng thuật toán chạy ra hết được các xu hướng, nhưng tiếp cận rất khó. Dự thảo cần nêu rõ các trường dữ liệu cho phép khai thác, chia sẻ, kết nối vì mục đích khoa học, nghiên cứu”, ông Lê Quân nhấn mạnh.

Bên cạnh những vấn đề nêu trên, nhằm hoàn chỉnh các quy định của Dự thảo, ông Lê Xuân Quý, Trưởng phòng Xây dựng và phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc xây dựng Luật cần phân định rõ các loại dữ liệu của cơ quan nhà nước với các loại dữ liệu của tổ chức, cá nhân.

“Đồng thời, cần phải xây dựng thêm một chương để quy định riêng về xây dựng, phát triển và quản lý đối với các vấn đề về dữ liệu của tổ chức, cá nhân”, ông Lê Xuân Quý đề nghị.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Luật Dữ liệu: Cần quy định chặt chẽ về chia sẻ dữ liệu cá nhân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO