Luật Quy hoạch vướng “nhiều rào cản”

NGUYỄN VIỆT thực hiện 19/04/2022 11:00

Sáng ngày 19/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề đánh giá công tác lập các quy hoạch theo Luật Quy hoạch, các khó khăn, vướng mắc, đề xuất các giải pháp tháo gỡ...

>>Rà soát pháp luật: Luật Quy hoạch 2017 vẫn chậm đi vào thực tiễn

Trao đổi với DĐDN, ĐBQH Trần Văn Lâm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết, vấn đề lớn nhất hiện nay là tiến độ triển khai Luật Quy hoạch rất chậm.

- Theo ông nguyên nhân từ đâu mà Quốc hội đã phải thực hiện một chuyên đề giám sát lớn như vậy?

Trước tiên là vấn đề tiến độ triển khai. Cho ý kiến về kết quả bước đầu triển khai chuyên đề giám sát trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, riêng phối hợp giám sát mà còn chậm như thế thì tổ chức thực hiện, trách nhiệm quản lý nhà nước thế nào?

Mặc dù theo báo cáo sơ bộ ban đầu, việc chậm có nguyên nhân cả khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, đối với việc tiến độ lập quy hoạch chậm, Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu thời gian tới giám sát cần làm rõ hơn các nguyên nhân.

Về khách quan, đây là lần đầu tiên triển khai công tác quy hoạch mới và làm theo quy trình. Tuy nhiên, Luật quy định làm từ trên xuống dưới, nhưng thực tế đang làm từ dưới lên trên.

Trước đây, trong quá trình thảo luận xây dựng các ĐBQH cũng đã lo lắng về vấn đề triển khai. Bởi vì, khi đến thời điểm các luật và một số quy hoạch đã hết hiệu lực thì quá trình chuyển tiếp – trong khi chưa kịp xây dựng quy hoạch mới, đã dẫn đến “trống” quy hoạch. Trên thực tế đang xảy ra như vậy.

 Quy hoạch cấp quốc gia phải mang tính định hướng, tổng quát và có tầm chiến lược. Ảnh: Hoàng Minh

Quy hoạch cấp quốc gia phải mang tính định hướng, tổng quát và có tầm chiến lược. Ảnh: Hoàng Minh

Đặc biệt, vướng mắc lớn nhất hiện nay là tích hợp quy hoạch. Quy hoạch trước đây có rất nhiều ngành, lĩnh vực nhưng bây giờ làm theo cách thức tích hợp, nên dẫn đến tại nhiều địa phương triển khai không đồng bộ, thiếu thống nhất.

Về chủ quan, đó là việc phụ thuộc vào năng lực làm công tác quy hoạch, trong đó phải kể đến năng lực của các nhà tư vấn. Tại Việt Nam hiện nay có rất ít các nhà tư vấn đủ năng lực để triển khai lập quy hoạch tích hợp từ cấp tỉnh cho đến ngành, vấp vùng và cấp trung ương.

>>Rà soát mâu thuẫn các luật quy hoạch, xây dựng

Nhiều địa phương đã xây dựng quy hoạch, ví dụ Bắc Giang trình lên đến Thủ tướng Chính phủ cùng các cơ quan thẩm định, Hội đồng tư vấn thẩm định “hàng năm nay”, nhưng cấp trên vẫn chưa phê duyệt được. Bởi ở trên còn chưa hình dung được hết thì làm sao có thể phê duyệt ở dưới. Nếu phê duyệt mà sau này không đồng bộ chung với toàn quốc, toàn ngành, toàn vùng thì lại trở thành “vấn đề” lớn.

- Ông có kiến nghị gì để tháo gỡ vướng mắc này?

Để đẩy nhanh tiến độ đầu tiên phải giải quyết vấn đề tư vấn đang rất thiếu. Nhiều địa phương không mời được tư vấn, đặc biệt tư vấn có chất lượng, còn thuê tư vấn nước ngoài cũng không phù hợp với thực tế ở Việt Nam và không “rành” Luật Quy hoạch của chúng ta. Do đó, phải đào tạo “cấp tốc” đội ngũ tư vấn đủ lớn mạnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Với trách nhiệm quản lý nhà nước, không thể “phó mặc” cho một cơ quan về quy hoạch như Sở KH&ĐT ở các địa phương, hoặc “một mình” Bộ KH&ĐT đứng ra làm. Tất cả các ngành, các hệ thống đều phải nhận lấy trách nhiệm của mình trong công tác quy hoạch này.

- Như vậy, vấn đề nằm ở trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong công tác quy hoạch, thưa ông?

Đặc biệt, vai trò điều phối của UBND tỉnh với các ngành chức năng trong xây dựng quy hoạch. Ngành kế hoạch đầu tư chủ trì, các ngành phải tập trung những con người ưu tú nhất, những bộ óc tinh hoa nhất cùng tham gia.

Vừa qua, tôi có đi giám sát về công tác quy hoạch thì nhận thấy, có những quy hoạch vừa xây dựng ban hành xong đã thấy lạc hậu. Ví dụ, quy hoạch đất đai quốc gia vừa được Quốc hội thông qua, nhưng quay trở lại “áp” vào các địa phương để triển khai thì không khả thi.

Thẳng thắn nhìn nhận, trước đây công tác quy hoạch chưa thực sự được coi trọng, làm mang tính chất “đối phó”, cứ làm thấy vướng đâu thì điều chỉnh quy hoạch, quy hoạch “chạy” theo nhà đầu tư, khiến chất lượng quy hoạch rất thấp.

Do đó, bên cạnh việc tăng cường nhận thức thì phải gắn trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu, thủ trưởng các cơ quan, “tư lệnh” các ngành, lĩnh vực cùng thực hiện nhiệm vụ quy hoạch.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó chủ tịch Quốc hội:

Bộ GTVT có 4 quy hoạch đã được phê duyệt, còn quy hoạch đang chờ phê duyệt. Đây là kết quả khá tốt nhưng vẫn chậm so với yêu cầu đề ra. Để nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về công tác quy hoạch, xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Bộ GTVT cần báo cáo cụ thể, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân người đứng đầu làm chậm tiến độ lập quy hoạch, gây lãng phí nguồn lực, chất lượng quy hoạch chưa cao, tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT:

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tiến độ quy hoạch chậm là đội ngũ tư vấn để xây dựng quy hoạch theo phương pháp mới vừa thiếu và lại vừa yếu, phải vừa làm vừa học hỏi, vừa rút kinh nghiệm. Ngoài ra, còn vướng vấn đề nguồn lực, bởi công tác quy hoạch rất mới và rất khó, đòi hỏi một định mức chi phí rất cao, mà định mức của quy định nhà nước không thể đáp ứng được yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Luật Quy hoạch vướng “nhiều rào cản”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO