Theo luật sư Đặng Văn Cường, việc xác định thuế giá trị gia tăng sẽ làm tăng giá cước phí, nhưng Grab đang có xu hướng tăng những chi phí, thiệt thòi về phía người lái xe.
Theo ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang, đây là loại thuế gián thu trên hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng sẽ chịu thuế. Các công ty mà ở đây là Grab chỉ là đơn vị thu hộ và nộp vào ngân sách nhà nước.
Luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Trong các loại hình vận tải thì xe “ôm” công nghệ, taxi công nghệ là loại hình mới mà hệ thống pháp luật đang dần dần từng bước hoàn chỉnh nên việc phát sinh những tranh chấp, khiếu kiện giữa các bên liên quan là có thể xảy ra.
Thời gian gần đây, các văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý, thu thuế của loại hình xe công nghệ này có những thay đổi đáng kể. Cụ thể, theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế, từ ngày 5/12, mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu.
Theo quy định này, nếu thuế GTGT với xe công nghệ tăng từ 3% lên 10% trên doanh thu và cước vận tải giữ nguyên, thu nhập của lái xe sẽ giảm 8%. Ví dụ, một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng, lái xe nhận về khoản doanh thu 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối). Với quy định tại Nghị định 126, lái xe sẽ chỉ còn nhận được 70.800 đồng. Bản chất của thuế GTGT là thu của người tiêu dùng, doanh nghiệp vận tải tăng vào giá cước để thu của người tiêu dùng nộp cho Nhà nước chứ không phải là thuế mà doanh nghiệp phải nộp.
“Với taxi công nghệ, lái xe phải nộp thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn thuế GTGT được tính vào giá thì khách hàng phải nộp. Tuy nhiên, việc xác định thuế GTGT sẽ làm tăng giá cước phí. Theo một số lái xe, họ phải thu nộp về công ty đến 20%, thậm chí đến 30 % thuế GTGT chứ không phải 10% như quy định. Chính vì vậy một số lái xe đã phản đối chính sách của hãng xe công nghệ này", luật sư Đặng Văn Cường nói.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, trường hợp các lái xe công nghệ không đồng ý với chính sách mới của doanh nghiệp thì có quyền thể hiện thái độ, nêu ý kiến của mình với doanh nghiệp. Tuy nhiên việc phản đối, tụ tập đông người không được gây mất an ninh trật tự, gây rối trật tự công cộng.
Trường hợp các lái xe quá khích tập trung đông người hò hét, đập phá, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội làm doanh nghiệp không thể hoạt động được hoặc gây ách tắc giao thông, đại diện Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng: Sẽ bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng. Còn trường hợp những người lái xe phản đối một cách "có trật tự", có kỷ luật không ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì vấn đề này pháp luật cho phép.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính - thuế chia sẻ trên VOV rằng, theo Nghị định số 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế có hiệu lực từ ngày 5/12, cách tính thuế giá trị gia tăng với các dịch vụ gọi xe công nghệ sẽ thay đổi. Các tổ chức hợp tác kinh doanh như Grab, Gojek, Bee… sẽ phải tiến hành khai thuế GTGT cho toàn bộ doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh với mức thuế là 10% (thay vì 3% như trước đây) và khai thay, nộp thay thuế thu nhập cá nhân cho các tài xế hợp tác với các hãng xe công nghệ này.
“Việc tăng mức thuế GTGT từ 3% lên 10% là chủ trương hoàn toàn đúng nhưng Grab lấy đó làm cớ để tăng cả phần trích nộp các khoản giảm trừ của tài xế là không đúng. Bởi quy định mới này không làm tăng nghĩa vụ thuế đối với cá nhân tài xế công nghệ, thậm chí còn giảm do chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân chứ không gánh thuế GTGT như lâu nay”, - PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nhấn mạnh.
Ngày 5/12, Nghị định 126 có hiệu lực thi hành quy định mức thuế VAT với ứng dụng gọi xe công nghệ là 10% trên doanh thu. Số tiền khấu trừ của Grab trên mỗi cuốc xe gồm tiền hoa hồng cho hãng, tiền thuế VAT 10% và tiền thuế thu nhập cá nhân cho tài xế là 1,5%. Theo đó, tỷ lệ khấu đã gộp tiền thuế và tiền hoa hồng cho hãng tăng từ 20-25% lên 27,273-32,841%. Để bù lại mức thuế VAT tăng, Grab ra thông báo điều chỉnh tăng giá cước GrabBike cơ bản trên toàn quốc ở mức 6%. Giá cước hiện tại của GrabBike tính trên mỗi km (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km; giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút. Grab cho biết việc tăng cước để bù vào mức tăng thuế, sẽ tác động giảm thu nhập của tài xế GrabBike khoảng 1-2%/năm. Sau khi Grab tăng giá cước và tăng khấu trừ, ngày 7/12, nhiều tài xế Grab đã tắt ứng dụng, tụ tập và diễu hành tại một số điểm ở Hà Nội và TP HCM để phản đối chính sách mới của công ty này. |