Tại Đà Nẵng, lượng giao dịch hàng hóa công nghệ còn hạn chế, tốc độ phát triển còn chậm và thị trường còn nhỏ lẻ nên công cuộc phát triển Khoa học & Công nghệ vẫn gặp khó.
>>Đến lượt Grab “thắt lưng buộc bụng”
Ngày 16/12, TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học tham vấn ý kiến xây dựng đề án “phát triển thị trường khoa học và công nghệ TP. Đà nẵng đến năm 2030”.
Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Đà Nẵng cho hay từ năm 2011 tới nay, thể chế về thị trường KH&CN được hình thành và từng bước được kiện toàn từ trung ương đến địa phương cùng với nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã được ban hành. Theo đó, nguồn cung hàng hoá KH&CN từ các viện nghiên cứu, các đại học, trường đại học đã tăng đáng kể.
“Nhu cầu và năng lực tiếp cận, hấp thụ và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp ngày càng tăng cao và cải thiện. Các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN dần được hình thành, cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin KH&CN và nền tảng dữ liệu, dịch vụ sở hữu công nghiệp được Bộ KH&CN hỗ trợ xây dựng và hiện đang hoạt động hiệu quả. Công tác xúc tiến thị trường KH&CN tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh”, ông Viên nhìn nhận.
Thông tin từ vị này, trong 10 năm qua, thành phố Đà Nẵng đã ban hành, sửa đổi, bổ sung 73 văn bản trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đặc biệt trong những năm gần đây đã ban hành các văn bản quan trọng có tác động tích cực đến việc hình thành và phát triển thị trường KH&CN thành phố, như chính sách đặc thù của thành phố về hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ; chính sách về hỗ trợ phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chính sách phát triển tài sản trí tuệ và hỗ trợ đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ, quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa.
“Thông qua các chính sách đã góp phần phát triển nguồn cung hàng hóa KH&CN từ các Viện, trường và gia tăng nhu cầu, năng lực tiếp cận, hấp thu và làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến của các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Các chính sách đã xác định mục tiêu lấy doanh nghiệp làm trung tâm, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo liên kết, kết nối cung - cầu công nghệ, phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và thúc đẩy phát triển thị trường KH&CN”, ông Viên cho biết.
Trong khi đó, ông Võ Đức Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng cho rằng thị trường KH&CN của địa phương đang từng bước hình thành, vẫn còn chưa sôi động, thiếu vắng các tổ chức trung gian mạnh, nhất là các tổ chức có năng lực về tư vấn, định giá, xúc tiến, kết nối chuyển giao công nghệ cũng như các tư vấn viên, môi giới chuyên nghiệp để hỗ trợ giao dịch trong mua bán hàng hóa KH&CN. Cùng với đó, lượng giao dịch hàng hóa công nghệ còn hạn chế, tốc độ phát triển còn chậm và thị trường còn nhỏ lẻ.
“Việc giao dịch mua bán công nghệ hiện nay chủ yếu được diễn ra dưới hình thức hợp đồng mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư, trong đó yếu tố chuyển giao công nghệ còn hạn chế hoặc không có. Các doanh nghiệp còn chưa thực sự quan tâm mua sắm hàng hoá KH&CN một phần vì năng lực tài chính có hạn, năng lực tiếp thu, nắm bắt công nghệ mới còn hạn chế và đặc biệt chưa chịu ảnh hưởng nhiều bởi sức ép cạnh tranh, phải không ngừng tiếp thu, áp dụng, làm chủ công nghệ mới, tiên tiến để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hoá trên thị trường”, ông Võ Đức Anh nói.
Ngoài ra, vị này cũng thông tin từ trước đến nay Đà Nẵng vẫn chưa có giải pháp tổng thể để phát triển thị trường KH&CN. Cùng với đó là chưa có cơ chế, giải pháp kết nối nguồn cung, cầu của thị trường khoa học và công nghệ.
“Các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ còn chưa mạnh, hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng được đòi hỏi của thị trường KH&CN phải phát triển song hành, liên thông với thị trường tài chính, thị trường lao động, thị trường hàng hóa. Nguồn nhân lực, truyền thông và hội nhập quốc tế về thị trường KH&CN còn hạn chế”, ông Võ Đức Anh nói thêm.
Theo các chuyên gia, Đà Nẵng cần xây dựng, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm có lợi thế của tỉnh có tiềm năng ứng dụng sáng chế, công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, hỗ trợ thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, hỗ trợ cơ sở vật chất, kỹ thuật để phát triển các tổ chức trung gian trên thị trường khoa học và công nghệ của tỉnh.
Cùng với đó, xây dựng kế hoạch và tổ chức hàng năm các hội chợ, triển lãm, kết nối cung - cầu công nghệ, hội thảo khoa học về phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Hỗ trợ việc liên kết/hợp tác quốc tế, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, chuẩn hóa các sản phẩm phục vụ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.
Có thể bạn quan tâm