Để bảo đảm tính khả thi, ổn định, tham gia góp ý Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, một số ý kiến cho rằng, cần điều chỉnh một số khái niệm khác để phù hợp hơn với thực tiễn...
Theo đó, nhằm bám sát chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xây dựng gồm 8 Chương và 95 Điều, tăng 14 Điều so với Luật Khoa học, công nghệ năm 2013. Đặc biệt, Dự thảo Luật có sửa đổi lớn đối với 26 Điều, bổ sung 23 Điều.
Chia sẻ về Dự thảo Luật này, đại diện cơ quan soạn thảo cho biết, lần đầu tiên, đổi mới sáng tạo được đưa vào và đứng ngang với khoa học, công nghệ. Dự thảo Luật bổ sung các cơ chế hỗ trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo, đặc biệt là trong doanh nghiệp; thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm.
Đối với việc thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, Dự thảo Luật có nhiều chính sách liên quan đến hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp được trích lập nhiều hơn cho Quỹ Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo của mình, được chi cho các hoạt động đầu tư vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, kể cả các dự án khởi nghiệp sáng tạo và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Đáng nói, các nội dung chi ngoài Quỹ của doanh nghiệp cho nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo được tính là 150% chi phí để trừ khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp và đặc biệt là được tính là 200% chi phí để trừ khi tính thuế Thu nhập doanh nghiệp khi khoản chi đó trực tiếp phục vụ cho việc phát triển các công nghệ chiến lược.
Tán thành việc xây dựng, ban hành Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 57-NQ/TW, tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, góp ý xây dựng, hoàn thiện, không ít ý kiến cho rằng, một số nội dung tại Dự thảo Luật cần được xem xét để đảm bảo tính khả thi, ổn định của các chính sách.
Để nâng cao chất lượng các điều khoản trong Dự thảo Luật, đặc biệt là khái niệm đổi mới sáng tạo, ông Phạm Thế Bình - Phó cục trưởng Cục Chuyển đổi số cơ yếu, Văn phòng Trung ương Đảng cho rằng, khái niệm đổi mới sáng tạo trong Dự thảo hiện tại thiên về công nghệ, chưa bao quát hết các khía cạnh đổi mới sáng tạo phi công nghệ, đặc biệt là vai trò của khoa học xã hội và nhân văn.
Từ đó, ông Bình đề xuất, làm rõ khái niệm đổi mới sáng tạo là quá trình tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, quy trình quản lý, dựa trên công nghệ hoặc phi công nghệ, mang lại giá trị gia tăng và ứng dụng thực tế.
Cùng với nội dung đã nêu, góp ý xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Luật, vị này cũng cũng cho hay, cần điều chỉnh một số khái niệm khác để phù hợp hơn với thực tiễn, như: “tổ chức khoa học công nghệ” cần mở rộng bao gồm cả trường đại học và các trung tâm nghiên cứu.
“Việc làm rõ các khái niệm sẽ giúp Dự thảo Luật không chỉ mang tính lý thuyết mà còn có thể áp dụng hiệu quả vào thực tiễn”, vị này nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, tham gia góp ý Dự thảo Luật, không ít ý kiến cũng cho rằng, một vấn đề cũng được nhiều nhà khoa học quan tâm đó là việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Dự thảo Luật cần làm rõ vai trò của các chủ thể trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, bao gồm doanh nghiệp, các tổ chức nghiên cứu và các trường đại học.
Đặc biệt, cần có cơ chế mạnh mẽ để thúc đẩy hợp tác giữa các bên, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và thúc đẩy thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Qua đó cần có cơ chế đồng sáng tạo và đặt hàng từ doanh nghiệp đối với các nghiên cứu khoa học để đảm bảo tính thực tiễn và hiệu quả trong quá trình triển khai…
Ngoài những vấn đề này, tham gia góp ý Dự thảo Luật tại Phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Thanh đề nghị, cần cân nhắc việc kế thừa các quy định tại Nghị quyết số 193/2025/QH15 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia do chưa có nhiều thời gian đánh giá, kiểm nghiệm và hiệu quả các quy định kế thừa.
Do đó, cần rà soát, đánh giá kỹ sự cần thiết, độ chín muồi của từng nội dung để có cơ sở đưa vào Luật, bảo đảm tính khả thi, ổn định của Luật; các nội dung khác chưa đáp ứng điều kiện vẫn nên tiếp tục thực hiện thí điểm để bảo đảm thận trọng, chặt chẽ.