Ngày mai (10/4), Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến “4 trong 1” giữa Chính phủ với các địa phương để thảo luận thêm về các giải pháp, nhiệm vụ ứng phó tổng thể, toàn diện với dịch COVID-19.
Hội nghị sẽ tập trung vào 4 nội dung, gồm: Nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch COVID-19.
Theo ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh, dịch bệnh sẽ qua đi dù cách này hay cách khác, nhưng trước mắt, thị trường sẽ tiếp tục đóng băng, các doanh nghiệp phải chuẩn bị để tồn tại trong một thời gian cực kỳ khó khăn kéo dài.
“Do đó, các chính sách cho doanh nghiệp lúc này rất có ý nghĩa, nhất là tập trung vào việc đảm bảo cho doanh nghiệp tồn tại, duy trì hoạt động, cũng như gợi ý cách xử lý cho từng trường hợp dịch bệnh diễn ra ở những cấp độ khác nhau”, ông Kiên nói.
Trên thực tế, du lịch, hàng không được xem là hai ngành “dính đòn” nặng nề nhất từ dịch bệnh COVID-19. Không chỉ vậy, sức tàn phá của COVID-19 còn lan ra các ngành kinh tế của hầu hết các nền kinh tế. Tại Việt Nam, ước tính sơ bộ đến nay đã có 19% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô.
Điều này kéo theo hàng triệu người lao động đã và đang bị ảnh hưởng nặng nề, nhất là lao động giản đơn, thu nhập thấp, không thường xuyên. Cụ thể, 98% lao động khu vực du lịch, dịch vụ nghỉ việc; 78% lao động ngành vận tải, giầy da, dệt may bị giảm việc, giãn việc hoặc ngừng việc; 98% lao động hàng không tạm nghỉ việc. Thậm chí, sẽ có khoảng 2 – 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm, trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp trong tháng 4, 5.
Báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho thấy, 3 tháng đầu năm, cả nước đã có tới gần 35.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường - con số kỷ lục từ trước đến nay. Và lần đầu tiên sau hàng thập kỷ, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Khảo sát nhanh mới đây của VCCI, 85% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết dịch bệnh đã làm cho thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, gần 60% doanh nghiệp cho biết dịch bệnh khiến thiếu vốn và đứt dòng tiền cho kinh doanh, trên 40% doanh nghiệp cho biết đại dịch gây thiếu nguồn cung nguyên liệu, 43% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động do thiếu việc làm. 82% doanh nghiệp cho rằng doanh thu năm 2020 của họ sẽ bị sụt giảm so với năm 2019, trong đó, có tới 30% doanh nghiệp dự báo mức sụt giảm tới 30-50%.
Có thể bạn quan tâm
21:02, 08/04/2020
19:40, 05/04/2020
02:16, 04/04/2020
09:54, 09/04/2020
15:28, 08/04/2020
14:11, 01/04/2020
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng, lúc này, nếu không có sự can thiệp hiệu quả, hiệu lực và kịp thời của Chính phủ, một số ngành kinh tế và nhiều doanh nghiệp có thể đổ vỡ, kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng về tăng trưởng, việc làm, cũng như nhiều hệ lụy xã hội tiêu cực khác.
Đây là bài toán đánh đổi mà mọi quốc gia phải chấp nhận. Chính phủ cần phản ứng nhanh nhất và hiệu lực nhất với tất cả nguồn lực để ngăn chặn khủng hoảng y tế trở thành khủng hoảng kinh tế và thậm chí trở thành khủng hoảng tài chính và nợ công.
"Bồi đắp nền tảng phục hồi và hạn chế di hại tương lai là quan trọng nhất, bởi cuộc khủng hoảng nào rồi cũng qua đi, vấn đề là chúng ta sẽ ra khỏi khủng hoảng trong trạng thái điêu tàn hay với tâm thế đã có một số nền tảng nhất định để phục hồi nền kinh tế. Một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là phải xây dựng được niềm tin rằng Chính phủ đã hành động kịp thời, hành động hiệu quả vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp”, ông Vũ Thành Tự Anh nói.
"Các chính sách điều hành vĩ mô không giúp chữa trị được bệnh dịch. Tuy nhiên, chính sách tốt có thể giảm thiểu được tác động tiêu cực, đặc biệt sẽ quyết định nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh chóng hay không khi bệnh dịch được kiểm soát”, PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)
Trên thực tế nhiều chuyên gia nhận định, ba chính sách chủ công chống COVID-19 là chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, đầu tư công. Đây cũng là những nội dung được Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tập trung tại “hội nghị Diên Hồng” giữa Chính phủ với các địa phương ngày mai.
Theo Người đứng đầu Chính phủ, Hội nghị ngày mai phải thổi một luồng gió mới, một quyết tâm mới vào cuộc sống để khởi động thời kỳ khắc phục khó khăn, vươn lên mạnh mẽ. Mọi cấp, mọi ngành, mọi cá nhân, doanh nghiệp đều phải cố gắng, vươn lên, thúc đẩy phát triển để nền kinh tế không bị đổ gãy, bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho các thành phần yếu thế trong xã hội.
Phải nói rằng, kể từ dịch COVID-19 xâm nhập và có diễn biến phức tạp, những giải pháp ứng phó quyết liệt, đồng bộ đã được đưa ra cả về an sinh xã hội, tài khoá, chính sách tiền tệ và giải ngân vốn đầu tư công. Có thể kể đến gói hỗ trợ an sinh dự kiến khoảng 62.000 tỷ đồng hỗ trợ cho khoảng 20 triệu đối tượng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cơ bản nhất trí.
Hay gói hỗ trợ chính sách tài khoá về gia hạn thuế và tiền thuê đất từ hơn 80.000 tỷ đồng đã được nâng lên mức 180.000 tỷ. Gói hỗ trợ tiền tệ cũng đã nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng.
“Tinh thần không để doanh nghiệp thiếu vốn tín dụng, không bắt doanh nghiệp phải trả nợ trong bối cảnh khó khăn, tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp tiếp tục duy trì phát triển sản xuất, kinh doanh. Không được để tình trạng nơi nào quen biết thì cho hưởng mức thấp, nơi nào không quen biết thì để như cũ”, Thủ tướng nêu rõ tinh thần.
Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công 700.000 tỷ đồng cũng được yêu cầu giải ngân hết số vốn còn lại của năm 2019 và vốn kế hoạch năm 2020, không để dồn vào cuối năm như trước.
Đánh giá các gói hỗ trợ được đưa ra là phù hợp, PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) khẳng định, bất kể bệnh dịch kéo dài bao lâu và tác động thế nào, nhưng một khi lạm phát và lãi suất được giữ ở mức thấp, tỷ giá được giữ ổn định, và đầu tư công được giải ngân đúng và giám sát chặt chẽ, môi trường đầu tư được cải thiện, thì sau bệnh dịch nền kinh tế sẽ hồi phục nhanh chóng.
“Còn không, có thể chúng ta sẽ lại mất nhiều năm tiếp theo để giải quyết các vấn đề không phải bệnh dịch, nền kinh tế sẽ đình trệ kéo dài như trong giai đoạn hậu khủng hoảng 2007 – 2008”, PGS.TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, PGS.TS Phạm Thế Anh cũng thẳng thắn cho rằng, mặc dù các gói kích thích kinh tế quyết liệt đã được đưa nhưng nhìn chung thị trường phản ứng thường dựa trên thông tin ngắn hạn. Do đó, cần chủ động xây dựng các kịch bản chính sách kinh tế ứng phó khác nhau tùy theo thời gian kéo dài và mức độ nghiêm trọng của bệnh dịch.
Nếu bệnh dịch chỉ kéo dài gói gọn trong 1-2 tháng tới thì phản ứng chính sách nên mang tính "hỗ trợ", tập trung vào việc trợ giúp thanh khoản cho doanh nghiệp, chi trả bảo hiểm cho người lao động mất việc, hỗ trợ các hộ gia đình gặp khó khăn,... Bên cạnh đó, chính phủ cũng nên gỡ bỏ vướng mắc, thúc đẩy triển khai ngay các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng đã được phê duyệt.
Trường hợp bệnh dịch kéo dài thêm nhiều hơn 2-3 tháng nữa có lẽ chính phủ cần tính tới các biện pháp thiệp mạnh mẽ hơn mang tính "cứu trợ", giảm thiểu sự đổ vỡ của các doanh nghiệp.
Đặc biệt, nhận định Việt Nam là nền kinh tế nhỏ và rất mở, không thể dùng các chính sách mạnh tay như tặng tiền mặt cho người dân để chi tiêu, ông Phạm Thế Anh cho rằng chính sách của Việt Nam lúc này chỉ nên dừng ở mức hỗ trợ thanh khoản và giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, trợ giúp người lao động mất việc bao gồm cả những người nằm ngoài khu vực chính thức.
Ở góc độ doanh nghiệp, những lo ngại về tiếp cận các gói cũng đã được đưa ra. Chủ tịch Tập đoàn Thiên Minh kiến nghị “Chính phủ đã bàn đến việc chậm, hoãn nộp thuế, BHXH... Tuy nhiên, vẫn cần những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa và nhanh hơn nữa. Một đồng trong những ngày khó khăn hôm nay sẽ có giá trị hơn rất nhiều đồng ngày thường và có ý nghĩa hơn rất nhiều”.