Theo các chuyên gia của ngân hàng HSBC, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hàng đầu cho những khoản đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc).
Theo một báo cáo của HSBC mới đây cho biết, Việt Nam từ lâu đã là điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư Đài Loan. Năm 2023, Việt Nam thu hút 2,2 tỷ USD vốn FDI từ Đài Loan, tăng gấp 4 lần so với năm trước. Hiện tại, Đài Loan đang là nhà đầu tư lớn thứ tư tại Việt Nam với gần 3.200 dự án, tổng vốn đầu tư 39,5 tỷ USD.
Theo các nhà phân tích, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung những năm qua đã thúc đẩy nhiều công ty công nghệ lớn của Đài Loan đa dạng hóa sự hiện diện toàn cầu của họ, với nhiều công ty chuyển đến Việt Nam. Các công ty này đã tìm cách tận dụng nguồn nhân lực trẻ và giá rẻ của Việt Nam, cùng với đó là môi trường chính trị ổn định và chính sách mở cửa có lợi cho các công ty Đài Loan. Điều này đã định vị Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư của Đài Loan.
Bên cạnh đó, Việt Nam được coi là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong ASEAN, khiến nơi đây trở thành lựa chọn phù hợp để chuyển giao năng lực sản xuất từ Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử. Các nhà sản xuất hợp đồng điện tử tiêu dùng lớn như Foxconn, Compal, Pegatron hay là Wistron đều đã đến Việt Nam để thành lập nhà máy hoặc mở rộng năng lực sản xuất.
Theo Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Loan (TECO) tại Việt Nam, khoảng 40% khoản đầu tư mới từ Đài Loan được hướng vào Đông Nam Á, trong đó Việt Nam trở thành điểm đến lớn thứ hai cho đầu tư nước ngoài của Đài Loan, sau Singapore.
Đài Loan từ lâu đã nhận ra vai trò then chốt của ngành công nghiệp bán dẫn trong nền kinh tế của mình, là nhà sản xuất chip tiên tiến lớn nhất toàn cầu trong lĩnh vực này. Khi tìm cách xây dựng quan hệ đối tác với các quốc gia khác, việc duy trì vị trí dẫn đầu trong sản xuất chất bán dẫn sẽ là tối quan trọng.
Tuy nhiên, Đài Loan cũng phải đối mặt với những thách thức liên quan đến tình trạng thiếu điện và nước, vốn rất quan trọng đối với hoạt động sản xuất chip. Việc hợp tác với các quốc gia khác có thể giải quyết những tình trạng thiếu hụt này sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho họ.
Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế địa lý chiến lược và nền kinh tế hàng hải đang phát triển, có tiềm năng đáng kể, đặc biệt là với tư cách là nhà cung cấp các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và thủy điện. Một dự báo của công ty nghiên cứu thị trường Wood Mackenzie cho thấy, Việt Nam đang vươn lên trở thành một nhân tố chính trên thị trường điện gió toàn cầu, với công suất mới đáng kể dự kiến vào năm 2030. Ngay cả Tech Wire Asia, một nền tảng tin tức công nghệ, đầu năm nay cũng dự đoán rằng Việt Nam sẽ trở thành “cường quốc năng lượng xanh” ở Châu Á.
Thêm vào đó, Việt Nam cũng đang sở hữu ngành công nghiệp bán dẫn được dự đoán sẽ đạt giá trị từ 20 - 30 tỷ USD vào năm 2030. Mặc dù ở thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn đang tìm cách phát triển ngành công nghiệp này.
Và để tận dụng chuyên môn của mình, Đài Loan đang rất sẵn sàng trong việc hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Hơn nữa, các công ty Đài Loan khi thành lập tại Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự hợp tác này, giải quyết các thách thức của Đài Loan về tình trạng thiếu điện và nước trong khi vẫn được hưởng lợi từ chi phí lao động thấp hơn của Việt Nam.
Ngoài ra, cũng theo một báo cáo của HSBC, Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế với mức tăng trưởng GDP 6,9% trong quý II/2024 và 6,42% trong nửa đầu năm. Với những kết quả này, HSBC dự báo Việt Nam có khả năng đạt mức tăng trưởng 6,5% cho cả năm và trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN. Đây có thể được coi là yếu tố hàng đầu, tiếp tục thu hút các nhà đầu tư từ Đài Loan.