Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Để sản xuất nước giặt giả, các đối tượng đăng ký thành lập doanh nghiệp làm “vỏ bọc”, sau đó ở mỗi công đoạn, các đối tượng thực hiện ở một kho khác nhau nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng…
>>Ma trận nước giặt “siêu rẻ”: Bài 1 – Tung hoành khắp “chợ mạng”
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin, hiện nay, thị trường nước giặt đủ các sản phẩm “thượng vàng hạ cám” “bủa vây” người tiêu dùng. Đủ các thương hiệu nước giặt từ “vô danh” đến nổi tiếng đang được quảng cáo tràn lan trên chợ mạng, cũng đã có nhiều cảnh báo, các sản phẩm nước giặt giá rẻ luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe con người.
Tuy nhiên, vì lợi nhuận “khủng” nên thời gian qua, các đối tượng đã bất chấp pháp luật, “bỏ quên” đạo đức kinh doanh để đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm giá rẻ, thậm chí nhái các thương hiệu uy tín để trục lợi. Theo cơ quan chức năng, đây cũng là nguyên nhân khiến tình trạng hàng giả, hàng nhái hoành hành suốt thời gian qua, khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính bị “đánh cắp” thị phần, khó cạnh tranh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư kinh doanh nói chung.
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can là 6 đối tượng trong đường dây sản xuất, tiêu thụ nước giặt giả D-nee quy mô lớn tại Hà Nội. Theo cơ quan công an, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng hết sức tinh vi. Mỗi công đoạn được các đối tượng thực hiện ở một kho khác nhau nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng.
Cụ thể, ở công đoạn sản xuất nguyên liệu, các đối tượng đăng ký doanh nghiệp hợp pháp để làm vỏ bọc, lấy thùng thương hiệu của công ty để chứa hàng. Sang công đoạn dán tem của nhãn hiệu, các đối tượng sẽ chuyển sang kho khác để dán tem giả theo số lượng đơn hàng và vận chuyển đi giao, tiêu thụ ra ngoài thị trường.
Bên cạnh đó, các đối tượng không để sẵn nhiều thành phẩm tại kho. Cụ thể, khu vực sản xuất nguyên liệu các đối tượng đặt tại nơi được đăng ký doanh nghiệp hợp pháp, lấy các thùng của đơn vị này để đựng hàng hóa. Sau khi đóng thành các can nước giặt giả 3 lít, sẽ chuyển sang kho khác để dán tem giả, đóng thùng theo các đơn hàng để giao cho khách.
“Tại các kho sản xuất này có khoảng 15 -16 nhân viên làm việc, mỗi lần sản xuất số lượng rất lớn, khoảng vài trăm lít đến 1.000 lít” – một cán bộ điều tra cho biết.
Sau khi làm giả các sản phẩm, các đối tượng sử dụng tài khoản ảo đăng lên mạng xã hội để bán. Số lượng hàng các đối tượng bán ra sẽ dựa trên đơn đặt hàng của khách và đưa đi nhiều tỉnh thành tiêu thụ.
Nguyễn Thị Hiền – một đối tượng liên quan đến đường dây này khai nhận tham gia vào việc buôn bán hàng giả D-nee, Hiền lồng tem nhãn cho sản phẩm, sau đó đăng “bán sỉ” trên mạng với giá 330.000 đồng/thùng. Đáng chú ý, một trong những đối tượng chủ mưu đường dây này là Nguyễn Xuân Phùng. Phùng từng tốt nghiệp khoa Hoá của một trường đại học danh tiếng nên rất am hiểu về hoá chất, hương liệu và đã tự nghiên cứu pha chế nước giặt giả.
Tại cơ quan điều tra, Phùng cho biết, nơi sản xuất hàng giả nằm trong khu có nhiều nhà kho và không có dân cư để tránh bị phát hiện. Nguồn nguyên liệu hóa chất được các đối tượng mua từ công ty hóa chất, sau đó, phối trộn theo quy trình, tỷ lệ, thời gian… đến khi thành phẩm. Bên cạnh đó, khi thực hiện các giao dịch các đối tượng phải quen biết nhau mới chuyển hàng. Ngoài ra, các đối tượng liên quan có mối quan hệ thân thiết như anh em, họ hàng và có đối tượng đã có tiền án, tiền sự.
>>Ma trận nước giặt “siêu rẻ”: Bài 2 - Bất ngờ “lò” sản xuất tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội)
Trước đó, tổ công tác liên ngành Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Hà Đông phối hợp với Công an phường Yên Nghĩa, Đội Quản lý thị trường số 11 – Cục QLTT TP Hà Nội kiểm tra hành chính 2 xe tải, thu giữ 600 can nước giặt dán nhãn D-nee và 300 chai dầu gội nhãn hiệu Rejoice không có hoá đơn chứng từ, nghi là hàng giả.
Mở rộng điều tra, cơ quan chức năng kiểm tra, khám xét tại 3 địa chỉ là số 95 khu 3 đường QL2; số 50 khu 2 đường QL2 và số 38 ngõ Bình An, thôn Thái Phú, xã Mai Đình, huyện Sóc Sơn. Tại đây, lực lượng chức năng đã thu giữ 1.314 túi nước giặt nhãn hiệu D-nee loại 1,4 lít; hơn 1.680 can nước giặt nhãn hiệu D-nee loại 3 lít; 106 thùng (chứa 8 túi) nước xả ghi nhãn hiệu Hygiene; 12 thùng phuy dung tích 200 lít chứa dung dịch bên trong; 48 can nước giặt chưa có nhãn; 1.260 thùng giấy chứa 4 can nước giặt loại 3 lít chưa dán nhãn…
Ngoài ra, lực lượng chức năng đã thu giữ thêm máy hàn nhiệt, máy nén khí, máy dập hạn sử dụng, 550 kg bìa giấy ghi nhãn Hygiene, 525kg vỏ túi đựng nước giặt có chữ D-nee, 120 kg nhãn hàng hoá có chữ D-nee, 5 bao tải ghi nhãn hiệu TRS Refined salt, 5 thùng hương liệu màu xanh, 2 thùng chất bảo quản màu xanh, 1 thùng chất tạo bọt Sodium Lauryl Ether Sulfate, 1 thùng chất tạo bọt Cocamido propyl Bataine…
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm
Chống hàng gian, hàng giả - Bài cuối: Cần đồng bộ nhiều giải pháp
03:30, 09/12/2023
Chống hàng gian, hàng giả - Bài 5: Ai đang “tiếp tay”?
03:30, 07/12/2023
Chống hàng gian, hàng giả - Bài 4: Doanh nghiệp còn “thờ ơ”
03:20, 04/12/2023
Chống hàng gian, hàng giả - Bài 3: Khó xử lý, vì đâu?
03:10, 03/12/2023
Chống hàng gian, hàng giả - Bài 1: Nhức nhối từ “chợ” đến “mạng”
03:00, 26/11/2023