Theo nhận xét của một số người dùng, giá cước của 5G đắt hơn nhiều so với gói cước 4G hiện tại họ đang dùng.
Đấy là chưa kể đến, người dùng sẽ phải sở hữu một chiếc smartphone hỗ trợ 5G, vốn có giá bán đắt đỏ không kém. Mạng 5G thương mại đã chính thức được triển khai tại Trung Quốc vào đầu tháng 11. Đáng nói, màn ra mắt rất được mong chờ này lại mang đến sự thất vọng với một số người dùng Trung Quốc, vốn cho rằng số tiền phải bỏ ra để sử dụng dịch vụ 5G quá đắt đỏ.
"Một chiếc điện thoại 5G, một thành phố phủ sóng mạng 5G và có đủ tiền để trả cước. Tôi thiếu cả ba yêu cầu", một người dùng công nghệ viết trên mạng xã hội Weibo.
Một người dùng khác ở thành phố Trịnh Châu, thủ phủ của tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), lại cảm thấy thất vọng ngay trong ngày đầu tiên 5G ra mắt: "5G được phủ sóng hầu khắp Trịnh Châu, nhưng nó không nhanh như tôi nghĩ".
Theo Abacusnews, trong cuộc chạy đua về công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ, 5G được coi là chiến trường cạnh tranh chính giữa hai siêu cường này. Trung Quốc dự kiến sẽ đầu tư hơn 150 tỷ USD cho công nghệ 5G tới năm 2025, theo ngân hàng Goldman Sachs.
Trước khi mạng 5G đi vào hoạt động, hàng trăm nghìn trạm phát sóng 5G đã được thiết lập khắp Trung Quốc. Riêng ở thủ đô Bắc Kinh, đã có 10.000 trạm phát sóng được lắp đặt. Tất cả nhằm chuẩn bị cho ngày ra mắt 5G của ba nhà mạng lớn nhất Trung Quốc là Unicom, China Telecom và China Mobile tại 50 thành phố lớn khắp Đại Lục.
Kể từ tháng 9, người dùng công nghệ tại Trung Quốc đã có thể kiểm tra vùng phủ sóng 5G trong ứng dụng bản đồ của Baidu. Trong khi Bắc Kinh được phủ sóng gần như toàn bộ, ở một số thành phố khác như Thanh Đảo, mức độ phủ sóng vẫn chỉ hạn chế ở một vài khu vực trong thành phố.
Với tốc độ tải xuống lên tới 1GB/s, 5G hứa hẹn sẽ tăng tốc độ truy cập và sử dụng internet trong mọi mặt của cuộc sống, từ xem video trực tuyến cho đến xe tự lái. Sự chênh lệch giữa 4G và 5G giống như "sự khác biệt giữa việc di chuyển trên xe buýt và siêu xe Ferrari", Edison Lee, nhà phân tích tại một công ty dịch vụ tài chính ở Hồng Kông so sánh.
Vị chuyên gia này khẳng định, với những người dùng có tần suất sử dụng Internet vừa phải hàng ngày, việc nâng cấp lên 5G "là không cần thiết". Tuy nhiên, với những người dùng "luôn chạy theo mốt", việc lên đời 5G là "điều hiển nhiên", nhà phân tích Edison Lee cho biết.
Một người dùng Weibo cho biết, các nhu cầu thực tế hàng ngày khác có thể được ưu tiên hơn so với việc tăng tốc độ truy cập Internet.
"Chi phí cho gói cước rẻ nhất bằng với số tiền tôi bỏ ra để mua thức ăn cho 6 ngày", người dùng này viết. "Tôi không thể kham nổi"
Được biết, gói cước 5G rẻ nhất có mức giá 128 nhân dân tệ, tức 18 USD với 30 GB dữ liệu cho một tháng sử dụng. Theo nhận xét của một số người dùng, giá cước của 5G đắt hơn nhiều so với gói cước 4G hiện tại họ đang dùng. Đấy là chưa kể đến, người dùng sẽ phải sở hữu một chiếc smartphone hỗ trợ 5G, vốn có giá bán đắt đỏ không kém.
Hiện tại, mẫu smartphone giá rẻ hỗ trợ 5G của Xiaomi có giá bán khoảng 3.699 Nhân Dân Tệ. Theo CEO Xiaomi là Lei Jun, mức giá này đã được trợ cấp một phần để người dùng Trung Quốc có cơ hội sử dụng điện thoại 5G.
Trong khi đó, mẫu smartphone đầu bảng Huawei Mate X 5G dự kiến sẽ ra mắt ở mức giá 16.999 nhân dân tệ - gấp đôi mức lương trung bình của một nhân viên văn phòng tại Trung Quốc.
Zahid Ghadialy, nhà phân tích chính của 3G4G, một công ty tư vấn có trụ sở tại London tập trung vào các công nghệ không dây, cho biết chi phí để sử dụng 5G sẽ không phải chăng như mạng 4G, ít nhất là trong vài năm tới.
"Điện thoại 5G đắt đỏ phần lớn vì sử dụng linh kiện có chi phí sản xuất cao, chi phí bản quyền, chi phí nghiên cứu và phát triển", chuyên gia Zahid Ghadialy cho biết. "Chi phí này sẽ giảm vào năm tới, nhưng phải tới năm 2022 mới đạt được mức giá ngang bằng điện thoại 4G hiện tại".