Masan thiết lập hệ sinh thái O2 để tạo dòng tiền mạnh

L.MỸ 18/04/2024 04:30

Nói "không" với việc tham gia vào hoạt động mua bán tài sản như đầu tư bất động sản hoặc hoạt động đầu cơ ngắn hạn, Masan tập trung các hoạt động kinh doanh tạo dòng tiền vững mạnh.

>>>Mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi của Masan tăng trưởng 40% lợi nhuận

Để tăng trưởng bền vững trong môi trường đang phát triển như Việt Nam, đòi hỏi phải xây dựng các hoạt động kinh doanh tạo ra dòng tiền vững mạnh, Masan tiết lộ "bí quyết” kinh doanh với định hướng bền vững tại báo cáo thường niên 2023 vừa công bố.

Từ online đến offline (O2)

Theo BCTN 2023 của CTCP Tập đoàn Masan (MSN), họ không tham gia vào hoạt động mua bán tài sản như đầu tư bất động sản hoặc hoạt động đầu cơ ngắn hạn; chỉ tham gia vào những lĩnh vực có nội lực tăng trưởng mạnh, có mô hình kinh doanh hiệu quả đã được chứng thực từ khối kinh tế tư nhân và có tiềm năng xây dựng doanh nghiệp quy mô lớn. Do đó, Masan xác định hàng tiêu dùng là lĩnh vực trọng điểm của mình.

Công thức của Masan: Tăng trưởng chi tiêu + Tăngp/trưởng mạng lưới = Gia tăngp/thị phần trong dài hạn

Công thức của Masan: Tăng trưởng chi tiêu + Tăng trưởng mạng lưới = Gia tăng thị phần trong dài hạn

Trong thực tế, đây cũng có thể xem là sự khác biệt rất lớn của Masan với một số Tập đoàn đa ngành quy mô "sếu đầu đàn" trong nền kinh tế. Bởi hầu hết các Tập đoàn đều có gắn với lĩnh vực bất động sản hoặc tham gia mua bán tài sản, đầu cơ, trong đó việc gắn trực tiếp hoặc gián tiếp với bất động sản là một đặc điểm được xem như tất yếu đối với tiến trình phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong nền kinh tế mà giá trị lớn, tài sản lớn nhất vẫn là tài nguyên nền cơ bản. 

Cũng theo báo cáo của Masan, với định vị tiêu dùng là trọng điểm, và mặc dù xác định việc tham gia vào các lĩnh vực và danh mục tiêu dùng mới đòi hỏi đầu tư và thời gian mở rộng quy mô, Masan tin rằng thiết lập hệ sinh thái tiêu dùng O2 (online to offline - trực tuyến đến trực tiếp) là cách tốt nhất để đảm bảo tạo ra dòng tiền với tăng trưởng bền vững. Và The CrownX được xây dựng với tham vọng trở thành nhân tố gia tăng lợi nhuận gấp nhiều lần, song hành cùng triển vọng tăng trưởng tiêu dùng của Việt Nam.

Các dòng tiền mà Masan thể hiện lĩnh vực tiêu dùng theo ghi nhận, đang hết sức khả quan.

Đó trước hết là dòng tiền FMCG có thương hiệu. Với các thương hiệu vững mạnh, năng lực phát triển sản phẩm mới và khả năng vận hành hàng đầu, Masan Consumer (MCH) - mảng kinh doanh FMCC của The CrownX – tạo ra biên lợi nhuận cao và dòng tiền bền vững trong các chu kỳ kinh tế và môi trường lạm phát.

>>>Một quỹ đầu tư tư nhân lớn dẫn đầu giao dịch góp 500 triệu USD vào Masan

Trong năm tài chính 2023, MCH đạt mức tăng trưởng lợi nhuận thuần sau thuế là 31% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương 7.195 tỷ đồng, nhờ mức tăng trưởng hai con số ở hầu hết các ngành hàng, cùng với đó là biên lợi nhuận gộp tăng đến mức cao kỷ lục là 44,9%. EPS năm 2023 đạt 9.888 đồng/cp, tăng mạnh so với EPS năm 2022 là 7.612 đồng/cp.

Tuy nhiên, bán lẻ hiện đại ngày càng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam như một xu hướng tất yếu để đáp ứng nhu cầu đang tăng lên của người tiêu dùng, Masan dự đoán biên lợi nhuận sẽ dần chuyển dịch từ các nhà sản xuất có thương hiệu sang các nhà bán lẻ hiện đại (“MT) khi họ củng cố vị thế thị trường của mình.

Bên cạnh việc phục vụ trực tiếp người tiêu dùng và nâng cao trải nghiệm mua sắm của họ, Masan tham gia lĩnh vực bán lẻ đề tiếp cận phần lợi nhuận lớn hơn trong chuỗi giá trị tiêu dùng. Đây có lẽ chính là cơ sở để Wincommerce tăng tốc kể từ khi mua lại hệ thống Vinmart từ tay Vingroup hồi cuối 2020.

Theo đó, chiến lược cải thiện lợi nhuận và mở rộng bán lẻ hiện đại đã được Masan thực hiện kể từ cuối 2020 đến nay, ghi nhận một bước tiến dài khi cải thiện biên EBITDA từ âm 7% năm 2019 lên đến dương 2% vào năm 2023. "Sự thay đổi này là nhờ một loạt các sáng kiến bao gồm hợp lý hóa mạng lưới bán lẻ, tăng cường quan hệ đối tác với các nhà cung cấp, cải thiện hoạt động vận hành (điều chỉnh từ cấp cửa hàng đến chuỗi cung ứng), giới thiệu mô hình cửa hàng mới (WIN cho khách hàng ở khu vực thành thị và WinMart+ Rural cho khu vực nông thôn và triển khai chương trình hội viên mới. Từ đó, Masan đã thúc đẩy hiệu quả kinh tế trên mỗi đơn vị cửa hàng đạt mức tốt nhất ở nhiều mô hình khác nhau, từ đó nhân rộng ra toàn quốc để phục vụ nhiều phân khúc khách hàng. Việc đạt được mức lợi nhuận thuần sau thuế dương lần đầu tiên vào quý IV/2023 tạo nên tảng vững chắc để WCM mở rộng mạng lưới một cách bền vững và có lợi nhuận", Masan cho biết.

Với mô hình kinh doanh O2 có lợi nhuận, theo Masan, chuỗi cửa hàng bán lẻ offline vững mạnh là yếu tố quan trọng để phục vụ hiệu quả người tiêu dùng trên kênh online hoặc trên các phương tiện số khác. Thông qua việc đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng tại các điểm bản offline, xây dựng hạ tầng tiêu dùng ứng dụng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả và số hóa người tiêu dùng qua chương trình Hội viên WiN, Masan có thể khai thác mảng kinh doanh online bền vững hơn. "Mô hình này đặc biệt phù hợp trong bối cảnh thị trường Việt Nam, nơi gần 90% hoạt động bán lẻ vẫn diễn ra tại các cửa hàng bán lẻ vật lý mặc dù thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng", theo Masan.

Xây dựng được mô hình có vị thế, Masan cũng khẳng định đòi hỏi phải đầu tư để nâng cao nhận diện thương hiệu và thu hút khách bằng các chương trình khuyến mãi, chưa kể đến chi phí vốn để xây dựng hạ tầng chuỗi cung ứng. Masan đặt mục tiêu tạo sự khác biệt bằng cách phát triển một nền tảng O2 tích hợp toàn diện với chiến lược POL (bắt đầu từ kênh offline) và chương trình Hội viên WIN để thu hút khách hàng, có tần suất mua sắm thường xuyên, gia tăng tiện lợi và dịch vụ được cá nhân hóa. Tất cả, không thể thiếu sự hỗ trợ bởi dữ liệu và khả năng thấu hiểu khách hàng. Trusting Social có trụ sở tại Singapore và Cty Logistic Supra, được hiểu, là những "mảnh ghép" không thể thiếu.

Thu hút vốn, tiếp tục đầu tư tiêu dùng

Trong năm 2023, Masan ghi nhận EBITDA đạt 13.343 tỷ đồng với lượng tiền mặt và các khoản tương đương tiền hợp nhất đạt 16.919 tỷ đồng, bao gồm các khoản đầu tư ngắn hạn dưới hình thức tiền gửi ngắn hạn và các hình thức đầu tư sinh lãi ngắn hạn khác.

Với các hoạt động cốt lõi tập trung vào hàng tiêu dùng thiết yếu, Masan tạo ra dòng tiền ổn định và là một trong số ít các doanh nghiệp quy mô lớn thu hút được các tổ chức tài chính lớn quốc tế. Tập đoàn này cho biết đã chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn đề thanh toán các trái phiếu bằng VND đến kỳ đáo hạn trong năm 2024 – năm mà thị trường vốn tại Việt Nam, đặc biệt là thị trường trái phiếu - dự kiến vẫn còn gặp khó khăn.

Kết quả tài chính 2023. (Nguồn: BCTN Masan 2023)

Kết quả tài chính 2023. (Nguồn: BCTN Masan 2023)

Trước đó, quý IV/2023, Bain Capital, quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu với khối tài sản khoảng 180 tỷ USD, đã ký kết khoản đầu tư trị giá 250 triệu USD với Masan Group. Thương vụ này dự kiến sẽ hoàn tất trong nửa đầu năm 2024, nguồn tiền thu được sẽ giúp Masan nâng cao mức độ linh hoạt trong quản lý bảng cân đối kế toán và đầu tư vào các hoạt động kinh doanh tập trung vào người tiêu dùng. Masan đặt mục tiêu tiếp tục tối ưu hóa bảng cân đối kế toán, giảm chi phí lãi vay và giảm nợ thông qua các hành động chiến lược của công ty.

Về trái phiếu, tại cuối 2023, từ chỗ nợ trái phiếu cần đáo hạn trong năm hơn 23.500 tỷ đồng tương đương gần 1 tỷ USD, Masan đã gần như hoàn thành đủ các nghĩa vụ thanh toán trái phiếu trong năm 2023 và tổng mức trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 chỉ rơi vào mức khoảng 6.000 tỷ đồng.

Trong một cuộc gặp gỡ với các nhà đầu tư vào kỳ gần cuối năm, ông Danny Lê - TGĐ Tập đoàn - cũng chia sẻ, nợ trái phiếu của Masan gần như không còn đáng ngại. Trong khi đó, khoản đầu tư của Bain Capital với giao dịch dự kiến sắp hoàn tất này sẽ giúp Masan giảm đòn bẩy tài chính, tối ưu bảng cân đối kế toán. Đồng thời, Tập đoàn cũng đang đàm phán với các bên khác để có khả năng nâng tổng vốn đầu tư lên 500 triệu USD.

Được biết, theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên 2024 Masan dự kiến trình cổ đông vào kỳ họp ngày 25/4, Tập đoàn đặt kế hoạch doanh thu trong khoảng 84.000 tỷ đồng - 90.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 7,3% - 15%. Lợi nhuận sau thuế dự kiến từ 2.250 tỷ đồng đến 4.020 tỷ đồng, tăng 31% - 115% so với kết quả thực hiện năm 2023. Masan dự kiến sẽ không chia cổ tức năm 2024.

Đánh giá triển vọng của Masan trong 2024, BVSC Research dự báo, mảng tiêu dùng cốt lõi gồm Masan Consumer, WinCommerce đã dần tiến tới điểm hiệu quả khi tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CARG) của lợi nhuận trước thuế và lãi vay (EBIT) giai đoạn 2023-2025 đạt tới 20,8% so với giai đoạn 2021-2023 chỉ là 9%. Đồng thời, kỳ vọng nhu cầu tiêu dùng hồi phục và chi phí lãi vay suy giảm. 

Theo BVSC Research, thời điểm khó khăn nhất về áp lực tài chính của Masan đã qua và lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ hồi phục mạnh nhờ sự vững vàng của các mảng kinh doanh tiêu dùng và chi phí lãi giảm, sẽ tạo động lực tích cực cho giá cổ phiếu trong năm 2024. BVSC cũng nhấn mạnh cổ phiếu MSN, bên cạnh một số blue-chips khác, có thể sẽ thu hút dòng tiền trong câu chuyện nâng hạng sắp tới của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trên thị trường, cổ phiếu MSN tại phiên giao dịch 17/4 ghi nhận sắc xanh với mức tăng 1,06%, giao dịch quanh 66.800đ/cp. Đây là một trong blue-chip được đánh giá đã có mức chiết khấu sâu và đang về vùng giá hấp dẫn. 3 tháng đầu năm 2024, cổ phiếu MSN đã tăng mạnh thị giá lên khoảng 20%, với đỉnh giao dịch quý gần chạm mốc 80.000đ/cp, đưa vốn hóa thị trường của MSN lên trên 4,4 tỷ USD, trước khi điều chỉnh. 

Có thể bạn quan tâm

  • Dùng M&A, Masan giữ thị phần bán lẻ cho thương hiệu Việt

    Dùng M&A, Masan giữ thị phần bán lẻ cho thương hiệu Việt

    16:00, 30/11/2023

  • 9 tháng năm 2023, Masan đạt doanh thu thuần 57.470 tỷ đồng

    9 tháng năm 2023, Masan đạt doanh thu thuần 57.470 tỷ đồng

    13:00, 30/10/2023

  • Masan High-Tech Materials phát triển các sản phẩm phục vụ công nghệ năng lượng xanh

    Masan High-Tech Materials phát triển các sản phẩm phục vụ công nghệ năng lượng xanh

    11:00, 29/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Masan thiết lập hệ sinh thái O2 để tạo dòng tiền mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO