Mặt trái của một “siêu CEO”

QUÂN BẢO 08/01/2024 00:04

Khi một CEO còn “trên cơ” cả doanh nghiệp, thì đó chưa chắc là một thành công, mà là một thất bại tiềm ẩn, vì những CEO như vậy có nguy cơ rơi vào cạm bẫy ngạo mạn và khiến công ty đi chệch hướng.

>>CEO trẻ “cắm bản” xây dựng hệ sinh thái phần mềm quản lý bệnh viện

"Cái bóng" của Altman bao trùm cả OpenAI

Trong vụ lùm xùm vừa qua giữa OpenAI và CEO Sam Altman, đa số nhân viên OpenAI và Microsoft, nhà đầu tư chính, đều bày tỏ lập trường rằng họ thà làm việc với Altman hơn là với một OpenAI thiếu anh.

Điều này đưa đến hai bài học lớn. Bài học đầu tiên là cho hội đồng quản trị, nhắc nhở họ rằng không được sa thải CEO nếu vị thế của người đó quá vững chắc. Bài học thứ hai là đối với bản thân Altman, đó là anh ấy là một phần không thể thiếu của OpenAI.

Những trường hợp sự nổi tiếng của CEO còn vượt mặt cả doanh nghiệp chẳng phải là điều xa lạ trong làng công nghệ. Và cũng không có gì ngạc nhiên khi bủa vây họ là vô vàn vụ lùm xùm. Lùm xùm ở đây có thể là những chuyện tai tiếng, hoặc các tin đồn, thông tin kỳ quái.

Thế nhưng, dù cho là sự kiện “đảo chính” điên đảo ở OpenAI, những trò đùa tai quái của Elon Musk trên X, hay thất bại thảm hại của Elizabeth Holmes, vì chúng vẫn không hề chệch khỏi xu hướng ban đầu, đó là người lãnh đạo còn có vị thế lớn hơn cả doanh nghiệp.

Vậy thì vì sao các CEO nổi tiếng thường vướng vào những vụ lùm xùm?

Ở một mức độ nào đó, doanh nghiệp càng muốn thành công lớn thì nguy cơ thất bại cũng tăng theo. Tức là các CEO vẫn luôn đương đầu với rủi ro thất bại.

Thế nhưng thất bại chẳng phải là vấn đề. Vấn đề là ở chỗ khi ở trên đỉnh cao, các CEO nổi tiếng nhận được quá nhiều lời khen ngợi, khiến họ nghĩ rằng mình không thể bị thay thế, hoặc không thể thất bại.

Quyền lực khiến cá nhân bị tha hóa không phải là ý niệm mới. Thế nhưng có những nghiên cứu khác chỉ ra rằng sở hữu quyền lực lớn còn khiến khả năng phán đoán của một người trở nên kém đi, hình thành những định kiến và không còn lắng nghe người khác.

“Nghiên cứu về quái vật bánh quy” năm 1998 của Giáo sư tâm lý học Dacher Keltner là một ví dụ kinh điển. Trong nghiên cứu, ông khiến các thành viên trong nhóm nghiên cứu cảm nhận rằng họ đang nắm trong tay quyền lực. Sau đó ông yêu cầu họ chia bánh quy. Kết quả là họ không những lấy cho mình nhiều hơn, mà còn có dấu hiệu “ăn uống vô độ”, há miệng nhai bánh trước mặt người khác và cư xử khá bừa bãi.

Những lãnh đạo siêu sao thực sự và liều thuốc cho sự kiêu ngạo

Jeff Bezos vẫn luôn được nhắc đến mặc dù Amazon đã có CEO mới

Jeff Bezos vẫn luôn được nhắc đến mặc dù Amazon đã có CEO mới

Thông minh dẫn đến thành công. Thành công dẫn đến quyền lực. Quyền lực dẫn đến kiêu ngạo. Và kiêu ngạo kết thúc bằng thảm họa. Đó là vết xe đổ mà ngay cả những người lãnh đạo thông minh nhất vẫn có thể dẫm phải.

Với chuyên gia và người trong nghề, những CEO thành công thực sự là những người biết chia sẻ, thay vì chỉ khư khư giữ quyền lực. Họ hiểu rằng dù bản thân có tài giỏi đến đâu, họ vẫn không thể tự mình giải quyết tất cả vấn đề, và họ sẽ xử lý mọi thứ ngày càng suôn sẻ nếu đương đầu với những thử thách.

Ann Hiatt có lẽ là người hiểu rõ đạo lý này. Cô từng là trợ lý cho Jeff Bezos tại Amazon, sau đó là giám đốc nhân sự cho Marissa Meyer và Eric Schmidt tại Google. Cô chia sẻ rằng ngoài tầm nhìn và sự tự tin khác biệt, những người sếp mà cô từng làm việc đều luôn biết cách giúp đỡ người khác phát triển tư duy. Đó chính là lý do giúp họ thành công như vậy.

Trên thực tế, những quyết định quan trọng bậc nhất tại các ông trùm làng công nghệ lại không đến từ bản thân CEO.

Chẳng hạn, ý tưởng xây dựng Amazon Prime không phải do Jeff Bezos nghĩ ra, mà do một nhân viên bình thường.

Hoặc Steve Jobs không phải là người sáng tạo ra iPhone. Thậm chí ông còn chẳng quan tâm đến thị trường điện thoại di động và chỉ thay đổi suy nghĩ sau khi lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp.

Hay nếu là Warren Buffett, một CEO đình đám và không hề yêu thích công nghệ, thì Berkshire Hathaway sẽ không bao giờ mua cổ phiếu của Apple. Đến năm 2016, ông mới bị một trợ lý thuyết phục, nói rằng Apple là một công ty hàng hóa xa xỉ chứ không chỉ đơn thuần là công ty công nghệ. Kết quả là cho đến bây giờ, mua cổ phiếu Apple là một trong những khoản đầu tư thành công nhất của Berkshire Hathaway.

Trong cả ba ví dụ trên, những người lãnh đạo đều hướng đến mục tiêu tạo nên một doanh nghiệp không chỉ xoay quanh họ, mà còn là nơi nhân viên ở mọi cấp bậc có thể đóng góp ý kiến. Khi làm như vậy, họ không chỉ khiến doanh nghiệp của mình phát triển hơn, mà còn giảm thiểu nguy cơ đưa doanh nghiệp đi chệch hướng.

Hiện tại, ba doanh nghiệp này vẫn tồn tại trên đỉnh và đạt nhiều thành công vang dội. Điều mà các doanh nghiệp ấy có không chỉ là một lãnh đạo tài ba và có tầm nhìn, mà còn là hệ thống lãnh đạo không xoay quanh một cá nhân duy nhất.

Vậy bài học dành cho những người sáng lập và các CEO là gì? Đó là đừng cố gắng biến mình thành “người không thể thiếu” của doanh nghiệp. Bởi điều này là một sự thất bại trong lãnh đạo, tạo ra nguy cơ khiến bản thân tự mãn một cách không cần thiết.

Nhìn ra xung quanh, không quá khi nói rằng những công ty thành công lâu dài nhất thường là những công ty “trên cơ” người lãnh đạo. Còn những CEO siêu sao thực sự là những người biết đầu tư vào việc giúp đỡ người khác tỏa sáng.

Có thể bạn quan tâm

  • Sau án phạt của cựu CEO, tương lai sàn giao dịch Binance về đâu?

    Sau án phạt của cựu CEO, tương lai sàn giao dịch Binance về đâu?

    05:00, 26/11/2023

  • CEO Tập đoàn TCP cam kết phát triển lâu dài tại Việt Nam

    CEO Tập đoàn TCP cam kết phát triển lâu dài tại Việt Nam

    15:04, 24/11/2023

  • Thách thức chờ CEO người Việt đầu tiên của Starbucks Vietnam

    Thách thức chờ CEO người Việt đầu tiên của Starbucks Vietnam

    12:03, 07/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Mặt trái của một “siêu CEO”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO